Thứ hai, ngày 23 tháng 09 năm 2024
Cập nhật lúc: 27/02/2013

Tham gia giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên của Hội Cựu Chiến binh

 

 

 

Tham gia giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ
là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên của Hội Cựu Chiến binh

          Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã chỉ rõ: “Công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dạy: “Thanh niên là một   bộ phận quan trọng của dân tộc, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên”; tại thông báo số 07/TB-TW ngày 4/11/1991, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã giao nhiệm vụ cho Hội Cựu chiến binh: “Đối tượng vận động của Hội không chỉ là cựu chiến binh, Hội cần đặc biệt quan tâm giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống dựng nước và giữ nước cho thế hệ trẻ”. Và gần đây, phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, nhiệm kỳ 2012 – 2017 của Hội Cựu chiến binh Việt Nam ngày 18/12/2012, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh: “Thanh niên là một bộ phận quan trọng của xã hội, rường cột của nước nhà, là lực lượng xung kích của cách mạng và là chủ nhân tương lai của đất nước. Thanh niên có mạnh thì dân tộc mới mạnh. Sự nghiệp cách mạng có thành công hay không, phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên và công tác bồi dưỡng, đào tạo các thế hệ trẻ. Mong các đồng chí coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của Hội, vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm của Cựu chiến binh đối với thanh niên. Các cấp hội và hội viên cần đồng hành với thanh niên trong phong trào lập thân, lập nghiệp, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc…”.

Nhận thức đúng đắn vai trò của thế hệ trẻ và việc bồi dưỡng giáo dục thanh, thiếu niên có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ CNH-HĐH, trong thời gian qua các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện chương trình phối hợp về “Xây dựng lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, có lối sống đẹp, có lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam”. Nội dung vừa coi trọng giáo dục truyền thống kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, vừa chú ý giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, bản sắc văn hóa dân tộc, tinh thần cảnh giác cách mạng, phòng, chống tệ nạn xã hội, v.v..    

Chỉ tính riêng từ năm 2009 đến 2012, vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, đất nước, quân đội, của Đoàn, của Hội, các cơ sở Hội đã phối hợp với tổ chức Đoàn, đặc biệt là Đoàn trường học tổ chức được 2.566 đợt tuyên truyền, giáo dục về truyền thống, thu hút 326.354 lượt đoàn viên, thanh niên, học sinh tham gia. Hình thức tuyên truyền cũng phong phú và đa dạng hơn như tổ chức các buổi giao lưu, đối thoại, tổ chức thi tìm hiểu lịch sử; thông qua các hoạt động tình nghĩa: thăm các di tích cách mạng, địa danh lịch sử; chăm sóc nghĩa trang, mộ liệt sỹ, thắp nến tri ân; giao lưu văn nghệ, thể thao .. tiêu biểu như Hội Cựu chiến binh xã Păng Ađrênh (Krông Ana) Hội Cựu chiến binh xã Quảng Tiến (Cư M'gar), Hội Cựu chiến binh  thị trấn Ea Drăng (Ea H'Leo)… nhằm giúp tuổi trẻ hiểu đúng lịch sử, trân trọng lịch sử, hun đúc lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng để trở thành lớp người kế tục trung thành sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; Các hoạt động phối hợp giữa Hội và Đoàn như: chung tay xây dựng những “Công trình Cựu chiến binh” ở Krông Bông, Krông Búk, Ea Súp; lao động làm thủy lợi, nạo vét kênh mương, xây dựng cầu, cống, nâng cấp, sữa chữa làm mới đường giao thông nông thôn, tổ chức phát dọn,  hủy diệt cây mai dương ở các đơn vị Buôn Ma Thuột, Cư M'gar, M’Đrăk, Krông Ana... Các cơ sở Hội đã có những đóng góp tích cực trong việc giáo dục ý thức quốc phòng, động viên thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự; ý thức cảnh giác cách mạng, giúp thanh niên hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta; vận động thanh niên tích cực tham gia các chương  trình kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Hội Cựu chiến binh đã quán triệt trong cán bộ, hội viên động viên con, cháu trong độ tuổi tham gia sinh hoạt, hoạt động Đoàn, nếu chưa phải là đoàn viên thì tích cực phấn đấu để trở thành đoàn viên. Đồng thời mỗi cán bộ, hội viên CCB phải không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, giữ gìn phẩm chất truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", gương mẫu trong công tác, lối sống, sinh hoạt, thực sự là tấm gương sáng cho mọi người noi theo, nhất là cho đoàn viên, thanh niên, vừa thường xuyên chăm lo tham gia giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho thanh, thiếu niên. Hội luôn luôn tham mưu với cấp ủy, phối hợp với Đoàn, phân công tổ chức Hội và cán bộ, hội viên, có trách nhiệm giúp đỡ, củng cố xây dựng tổ chức Đoàn, chủ yếu là các chi đoàn ở địa bàn thôn, buôn, tổ dân phố với tiêu chí thi đua: “Địa bàn có chi hội Cựu chiến binh thì địa bàn đó không để trống tổ chức Đoàn và không còn chi đoàn yếu kém”; động  viên thanh niên thực hiện các phong trào “Xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, nhà trường không có tệ nạn xã hội... Những kết quả đạt được thời gian qua trong việc tổ chức thực hiện hoạt động phối hợp đã làm cho Hội và Đoàn gắn bó nhau hơn, giúp cán bộ, hội viên Cựu chiến binh hiểu và tin tưởng hơn vào thế hệ trẻ, khắc phục được những biểu hiện “cha”, “chú”, áp đặt trong đối xử với thanh niên; đồng thời giúp thế hệ trẻ hiểu biết về lịch sử cha, anh của mình, khắc phục được biểu hiện xa lánh, ngại tiếp xúc.

Tiếp tục tổ chức thực hiện hoạt động phối hợp giữa Hội Cựu chiến binh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Lắk với những nội dung, chỉ tiêu và các giải pháp thiết thực giai đoạn 2013 – 2017; Từ những kinh nghiệm được rút ra thời gian qua, tin tưởng chương trình phối hợp hoạt động giữa các cấp Hội và Đoàn sẽ có nhiều kết quả tốt đẹp./. 

                                   Nguyễn Viết Dần 

 

 

 

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready