Tàu trẻ can trường ở Hoàng Sa
Can trường giữa biển khơi, họ vẫn bám lấy quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) để đánh bắt phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Ngư dân Nguyễn Chí Thạnh chỉ vào mạn tàu bị rách toạc sau khi va chạm với tàu Trung Quốc |
Tối 29-6, chúng tôi nhận được tin từ ông Nguyễn Quốc Chinh, chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải: “Tàu cá do ngư dân Nguyễn Chí Thạnh (31 tuổi, xã An Hải, huyện Lý Sơn) làm thuyền trưởng bị tàu Trung Quốc tông rách toạc mạn phải, cướp đi một số ngư cụ và 3 tấn hải sản. Đây là lần thứ hai tàu anh Thạnh gặp nạn trong năm nay”.
Sáng 30-6, tàu cá QNg 96093 rẽ sóng tiến vào cảng Sa Kỳ. Từ ghềnh xa, chúng tôi vẫn nhận
Tinh thần can trường bám biển của ngư dân Nguyễn Chí Thạnh và các đoàn viên trẻ rất đáng trân trọng. Họ sẽ tiếp bước cha ông giữ từng mét biển, quyết không lùi bước trước những hành động phi pháp của Trung Quốc
Ông Nguyễn Quốc Chinh
(chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Lý Sơn)
|
ra thuyền trưởng Nguyễn Chí Thạnh cầm lái.
Đôi mắt kiên nghị và mái tóc dựng ngược cháy vàng vì sóng gió, thuyền trưởng Thạnh nói: “Lại bị cướp nữa rồi, nhưng có cướp phá 100 lần tôi cũng không ngán tàu Trung Quốc đâu. Sửa chữa xong tàu, anh em lại ra Hoàng Sa”. Anh dừng lại, đôi mắt nhìn về phía mạn tàu rách toạc, rồi tiếp lời: “Mà không đi Hoàng Sa thì đi đâu?”.
16 năm đi biển là chừng ấy thời gian anh Thạnh sống với Hoàng Sa. Trong câu chuyện kể của những ngư dân lão luyện về chàng ngư dân trẻ này là bản “thành tích” đáng nể cho sự can trường.
Năm 2006, khi mới 22 tuổi, anh Thạnh là người trẻ nhất lúc đó làm chủ, kiêm thuyền trưởng của một tàu cá quần thảo Hoàng Sa mưu sinh.
Năm 2009, khi đang đánh bắt ở đảo Phú Lâm, anh Thạnh bị Trung Quốc bắt, nhốt ở đảo này hai tháng. Năm đó chị Phạm Thị Bé (vợ anh Thạnh) ôm đứa con mới tròn 1 tuổi trên tay, nước mắt ngắn dài khi nghe anh Thạnh điện về bảo Trung Quốc đòi tiền chuộc.
“Anh Thạnh nói một là chết, hai là Trung Quốc phải thả về, mình đánh bắt hợp pháp trên biển của mình, không chuộc chiếc gì hết” - chị Bé kể.
Năm đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam phải lên tiếng mạnh mẽ đề nghị Trung Quốc thả ngay anh Thạnh và ngư dân Việt Nam đang đánh bắt hợp pháp ở vùng biển Hoàng Sa. Lần đó anh Thạnh trở về, còn tàu bị Trung Quốc lấy mất.
Đầu năm 2010, anh tiếp tục mua tàu trở lại Hoàng Sa. Tháng 6-2014 khi đang trên đường ra Hoàng Sa tàu của thuyền trưởng Thạnh gặp nạn cháy giữa biển khơi. Nhìn cách anh đứng trên con tàu ngùn ngụt lửa hò hét chỉ đạo anh em lấy phao, nước, thực phẩm vượt nạn mới thấy hết được bản lĩnh biển khơi của anh Thạnh.
Khi ngư dân đã nhảy hết xuống biển, anh là người cuối cùng rời khỏi con tàu cháy, chừng năm phút sau bình dầu cả nghìn lít nổ tung, lửa tràn tứ phía trên mặt biển. May mắn thoát chết, anh Thạnh trở về.
Đầu năm 2015 từ tiền bảo hiểm và tiền các cấp ban ngành giúp đỡ, anh Thạnh mua tàu QNg 96093 tiếp tục thẳng tiến Hoàng Sa. Phiên biển đầu tiên trên chiếc tàu mới, anh lại đụng với Trung Quốc và bị cướp sạch ngư lưới cụ, trở về trắng tay.
Được hỗ trợ 30 triệu đồng, anh Thạnh nhanh chóng mua ngư lưới cụ ra khơi tiếp. Đến sáng 28-6, tàu anh lại đụng với tàu Trung Quốc thêm một lần nữa, chiếc tàu bị húc mạnh, rách toạc mạn khi đang đánh bắt chỉ cách đảo Bạch Quy (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) chừng một hải lý.
Lấy điện thoại gọi thợ xuống sửa tàu, anh Thạnh nói giọng tiếu lâm: “Chuyến đầu năm bị bắt, Trung Quốc còn đưa ảnh chụp tôi những lần trước. Nghe thông dịch viên dịch lại tôi bị bắt lần thứ bảy rồi. Chẳng biết đúng hay sai vì ai mà nhớ cho hết. Chuyến nào ra mà chẳng gặp Trung Quốc đuổi. Nhớ chi, nhức đầu lắm. Tôi chỉ sợ Trung Quốc thả canô xuống áp sát chứ tàu lớn dễ gì đụng được tôi”.
Những ngư dân trẻ can trường
12 ngư dân trên tàu QNg 96093 lớn nhất 31 tuổi, trẻ nhất mới 20 nhưng tất cả đều trải qua những phiên đi biển hãi hùng.
Giữa biển khơi, tuổi tác không phải là tất cả mà chính sự can trường không lùi bước và khuất phục trước những chiếc tàu thép to lớn của Trung Quốc đã khẳng định tên tuổi của đội tàu trẻ này.
Ngư dân Võ Văn Lựu (52 tuổi, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) nói về đội tàu của thuyền trưởng Thạnh với sự tôn trọng: “Chưa bao giờ chúng tôi thấy anh em ở tàu đó sợ hãi mà bỏ ngư trường đi nơi khác. Họ vẫn bám lấy các đảo ở Hoàng Sa mưu sinh. Phải có một bản lĩnh thép mới có thể đứng vững trước sự truy đổi, cướp phá ráo riết của Trung Quốc ở ngư trường Hoàng Sa những năm qua”.
Ngư dân Bùi Văn Đại (20 tuổi, xã An Hải) đã có năm năm đi biển Hoàng Sa cùng thuyền trưởng Thạnh. Dù tuổi đời còn trẻ nhưng câu chuyện Hoàng Sa của Đại luôn rất sinh động, đảo nào ở Hoàng Sa Đại cũng đã có mặt.
Đại tâm sự: “Đi tàu này toàn anh em trẻ, anh Thạnh là lớn nhất cũng là người chỉ huy. Gặp phải tàu Trung Quốc thì nhiều, chỉ khi nào đường cùng không thoát được tàu mới chấp nhận dừng lại”.
Người anh trai của Đại là Nguyễn Văn Chung (28 tuổi) được mệnh danh là “rái cá Lý Sơn” cũng từng cưỡi sóng Hoàng Sa 13 năm, dù sau một vụ tai nạn giữa Hoàng Sa Chung đã gửi lại biển khơi một con mắt và một cánh tay.
“Tàn chứ không phế, Hoàng Sa còn chấp nhận thì tôi sẽ sống cả đời với nơi ấy” - Chung quả quyết.
Sau khi nghe báo cáo của đồn biên phòng Lý Sơn về việc tàu anh Thạnh bị Trung Quốc cướp phá, bà Phạm Thị Hương, phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, dành cho đội tàu trẻ của Nguyễn Chí Thạnh nhiều lời khen ngợi.
Sau khi hoàn tất những thủ tục kiểm tra thiệt hại cũng như khai báo của các ngư dân, huyện sẽ báo cáo lên trên và có những chính sách hỗ trợ kịp thời để tàu ngư dân Thạnh có điều kiện tiếp tục vươn khơi ra Hoàng Sa đánh bắt cá và góp phần gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Những tấm gương sống giàu nghị lực
Anh Đặng Tấn Thành, bí thư Huyện đoàn Lý Sơn, cho biết Nguyễn Văn Chung nói riêng và những ngư dân trẻ trên tàu anh Thạnh là đoàn viên tiêu biểu, trong những năm qua dù liên tiếp gặp nạn vẫn bám biển Hoàng Sa, không rời ngư trường hay bỏ biển.
“Riêng với cá nhân Chung, Huyện đoàn sẽ đề xuất vào chương trình Những tấm gương sống giàu nghị lực của phong trào Đoàn” - anh Thành nói.
Theo doanthanhnien