Tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam
Bản đồ Việt Nam |
Vùng biển nước ta có khoảng trên 2.800 hòn đảo. Trong đó, phần lớn các đảo nằm ở khu vực ven bờ, hợp thành một hệ thống với tổng diện tích là 1.638 ki-lô-mét vuông, có 82 đảo diện tích lớn hơn một ki-lô-mét vuông, trong đó có 23 đảo diện tích lớn hơn 10 ki-lô-mét vuông và 3 đảo lớn nhất là đảo Phú Quốc, đảo Cái Bầu và đảo Cát Bà.
Do đặc điểm kiến tạo các đảo này phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở hai khu vực: vịnh Bắc Bộ và vùng biển phía Đông Nam Bộ, hình thành từng tuyến, gồm tuyến ở sát bờ và gần bờ (cách bờ khoảng 30km, có các đảo ở vùng biển Đông Bắc; các đảo Hòn Mê, Hòn Mắt, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré, Hòn Khoai, Hòn Hương, Hòn Chuối, Hòn Tre…); tuyến đảo ở tương đối xa (cách bờ từ 30-100km, có các đảo Bạch Long Vĩ, Thổ Chu, Côn Sơn, Nam Du, Phú Quốc) và tuyến đảo xa (cách bờ khoảng 260-500km, có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa). Các đảo và quần đảo này nối tiếp nhau, tạo thành những bức thành lũy thiên nhiên thuận lợi cho việc bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo của Tổ quốc từ xa.
Vùng biển nước ta có các loại hải sản quý như: tôm, cá (khoảng 2.040 loài), bào ngư, đồi mồi, trai ngọc…; có nguồn nguyên liệu, nhiên liệu như: dầu mỏ, khí đốt cùng các loại quặng kim loại quý ở thềm lục địa, cũng như nguồn năng lượng vô tận ở thủy triều,… Đó là những nguồn tài nguyên phong phú phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng đất nước của nhân dân ta.
Bờ biển nước ta chạy dọc theo đất nước từ Mũi Ngọc (Quảng Ninh) đến Hà Tiên, dài hơn 3.260km với hàng trăm các con sông lớn, nhỏ từ đất liền chảy ra biển. Từ xưa, sông biển nước ta đã hình thành một mạng lưới, phần lớn thông với nhau, tạo thành hệ thống sông nước liên hoàn rất thuận tiện cho việc giao thông đi lại giữa các địa phương trong nước. Đặc biệt, các hải cản lớn như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cam Ranh, Sài Gòn là những cửa ngõ thông thương bằng đường biển quan trọng giữa các vùng trong nước và giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới. Khu vực bờ biển, vùng biển và hải đảo của Việt Nam là địa bàn hiểm yếu, có vị chí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, đối ngoại và quốc phòng – an ninh của quốc gia.
Sông biển Việt Nam có vị trí hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của dân tộc. Từ xa xưa đến nay, các triền sông, cửa biển là những địa bàn tập trung dân cư đông đúc làm ăn sinh sống. Nghề sông biển sớm phát triển, nên kiến thức về sông biển của nhân dân ta vô cùng phông phú. Nhờ vậy, ở những địa bàn này đã dần dần hình thành các trung tâm quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa của đất nước.
Có thể nói, sông biển Việt Nam gắn liền với cuộc sống lao động cần cù, anh dũng của nhân dân ta. Cũng chính vì thế, trong lịch sử dân tộc đã sớm hình thành ý thức về chủ quyền quốc gia và nhu cầu bảo vệ hoạt động trên địa bàn sông biển. Xây dựng quân thủy và giỏi thủy chiến đã trở thành nét nổi bật trong lịch sử tổ chức quâ sự và nghệ thuật quân sự của dân tộc Việt Nam. Cùng với những chiến công oanh liệt trên đất liền, dân tộc ta đã lập nên biết bao chiến công oai hùng trên chiến trường sông biển, tiêu diệt cả những đạo quân lớn của giặc lợi dụng đường sông, biển tiến vào xâm lược nước ta.
Đánh giá về truyền thống chiến đấu trên sông biển của dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: “Do nước ta có vị trí quan trọng, có bờ biển dài, nhiều sông lớn, nên từ xa xưa tới nay kẻ địch bên ngoài thường lợi dụng biển và sông để xâm lược nước ta. Và ở trên biển, trên sông, trong quá trình lịch sử, dân tộc Việt nam đã bao lần nêu cao truyền thống chống giặc ngoại xâm anh hùng, bất khuất… Kể từ khi Vua Hùng dựng nước, dân tộc ta đã ghi biết bao sự tích anh hùng trên non sông nước ta nói chung, trên sông, biển nước ta nói riêng”.
(Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam)