SỨC TRẺ SÁNG TẠO Ở CÔNG TY CỔ PHẦN BIA SÀI GÒN - MIỀN TRUNG CHI NHÁNH ĐẮK LẮK
BIA SÀI GÒN - MIỀN TRUNG CHI NHÁNH ĐẮK LẮK
Với khẩu hiệu “Mỗi đoàn viên thanh niên một ý tưởng, mỗi chi đoàn một hộp thư sáng kiến, mỗi cơ sở đoàn một vườn ươm sáng tạo”, phong trào “Sáng tạo trẻ” đang trở thành một trong những điểm nhấn của Đoàn thanh niên Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn-Miền Trung Chi nhánh Đắk Lắk.
Đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn-Miền Trung Chi nhánh Đắk Lắk có 102 đoàn viên, chiếm gần 56% lực lượng lao động toàn công ty, đa số đã tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng nên có nhiều lợi thế trong việc tổ chức các hoạt động của Đoàn cũng như công việc chuyên môn. Đoàn cơ sở đã phát động phong trào “Sáng tạo trẻ”, thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên hưởng ứng tích cực, hướng đến mục tiêu giữ vững sản xuất, không ngừng cải tiến kỹ thuật, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả trong kinh doanh, bảo vệ môi trường, giảm sức lao động. Anh Trần Hữu Phú, Bí thư Đoàn thanh niên Công ty cho biết: “Nét nổi bật trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên của Đoàn cơ sở những năm qua là mọi hoạt động đều có sự chuẩn bị chu đáo, cụ thể hóa từng phần việc, sát với thực tế. Nhiều đoàn viên trẻ đã quyết tâm, nỗ lực trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và các phong trào”. Hằng năm, Đoàn thanh niên chủ động phát động phong trào, vận động đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia; tập hợp được những ý tưởng sáng tạo của mỗi cá nhân, từ đó khơi dậy niềm đam mê trong công tác nghiên cứu khoa học, đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác chuyên môn và phát huy tinh thần xung kích tình nguyện của tuổi trẻ, dám nghĩ dám làm, dám đảm nhận các việc khó, việc mới.
Từ phong trào, đã xuất hiện nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giúp tiết kiệm và tăng năng suất, giá trị sản xuất cho Công ty. Điển hình như giải pháp: “Tận thu nước nóng từ quá trình vệ sinh công nghiệp thiết bị” của đoàn viên Tôn Nữ Phương Vi (Phòng Kỹ thuật-Công nghệ). Thực tiễn sản xuất ở nhà máy trước đây sau một lần vệ sinh công nghiệp tại bộ phận nấu, phân xưởng nấu - lên men (gọi tắt là quá trình CIP) phải xả bỏ khoảng 20 phút nước nóng tương đương 670 lít nước nóng, một tháng trung bình 28 lần CIP tương đương xả bỏ 18.760 lít nước nóng ra môi trường. Quá trình sản xuất này đã gây lãng phí 1 lượng lớn nước nóng và năng lượng dùng để đun sôi nước, đồng thời gây quá tải cho hệ thống xử lý nước thải. Từ hạn chế đó, chị đã đề xuất giải pháp tận thu lượng nước nóng phục vụ cho các công đoạn sau và được áp dụng hiệu quả, giảm thiểu năng lượng đốt và tiết kiệm được nguồn nước. Điểm đặc biệt của giải pháp này là Công ty không phải đầu tư thêm các thiết bị mà sử dụng các chương trình CIP chạy theo chế độ tự động đã có và việc vận hành chương trình không thay đổi nhiều, không cản trở việc vận hành các công đoạn khác; mỗi năm tiết kiệm về điện, nước, than cho nhà máy gần 80 triệu đồng. Hiện nay các nhà máy khác đã học tập và ứng dụng giải pháp này như Nhà máy bia Quảng Ngãi, Nhà máy bia Sài Gòn-Nghệ An…
Đoàn viên Tôn Nữ Phương Vi giới thiệu giải pháp "Tận thu nước nóng từ quá trình vệ sinh công nghiệp thiết bị" tại nhà máy |
Đoàn viên Phan Thanh Sơn đã tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra giải pháp “Tái sử dụng hơi thứ nồi đun sôi để gia nhiệt dịch đường” (giải Ba Hội thi Khoa học sáng tạo tỉnh lần thứ 3 năm 2011) mỗi năm làm lợi cho Công ty trên 1,2 tỷ đồng. Trước đây để đun sôi dịch đường trong quá trình sản xuất bia thì ở bộ phận nồi đun sôi phải trải qua 2 giai đoạn, trung bình mỗi ngày nhà máy thực hiện 8 mẻ nấu, mỗi mẻ tốn 8,7 tấn hơi, sau khi áp dụng giải pháp mỗi ngày chỉ tiêu tốn hết 6,96 tấn. Với những ưu điểm như: giảm tiêu hao nhiên liệu cho lò hơi; giảm chi phí sản xuất, ô nhiễm môi trường không làm ảnh hưởng đến hệ thống máy móc thiết bị, thông số công nghệ của công đoạn nấu cũng như chất lượng bia; hệ thống được lập trình hoàn toàn tự động, đơn giản, dễ vận hành… Giải pháp đã được Bộ Công thương đánh giá cao và được Chương trình mục tiệu Quốc gia về “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” của Bộ Công thương hỗ trợ 30% kinh phí (tương đương 2,5 tỷ đồng) thực hiện và đưa vào ứng dụng rộng rãi ở nhiều nhà máy trên cả nước.
Giải pháp tận thu nước nóng được điều khiển tự động tại phòng kỹ thuật |
Từ năm 2007 đến nay, đoàn viên, thanh niên Công ty đã đưa ra 14 sáng kiến, giải pháp, đề tài nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao vào sản xuất, làm lợi cho doanh nghiệp nhiều tỷ đồng như giải pháp: “Cải tiến quy trình lọc rút ngắn thời gian 1 mẻ nấu” (giải Nhì Hội thi Khoa học-Kỹ thuật tỉnh năm 2009); “Giảm tiêu hao nước tại máy thanh trùng”, “Giảm tiêu hao bia non trong quá trình xả men”, “Tận thu nhiệt từ khói thải lò hơi”. Thông qua phong trào Sáng tạo trẻ đã từng bước khẳng định vị thế, vai trò của tuổi trẻ trong tiếp nhận công nghệ mới, xung kích trên lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Tuấn anh - Báo Đắk Lắk