Sức sống mới ở Thôn Thanh niên lập nghiệp
Sức sống mới ở Thôn Thanh niên lập nghiệp
Sau hơn 4 năm định cư, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng cuộc sống của các cặp vợ chồng trẻ ở Thôn thanh niên lập nghiệp Ia Lốp (xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) (tên gọi trước đây là Làng thanh niên lập nghiệp) đã có nhiều khởi sắc. Với sức trẻ và tình yêu lao động họ đang làm thay đổi cuộc sống của chính mình, đồng thời góp phần giữ vững an ninh nơi “phên dậu” Tổ quốc.
Mùa khô, huyện vùng biên này được ví như “chảo lửa” của bởi nhiệt độ luôn cao hơn các vùng khác trong tỉnh 3-4 độ. Mới đầu mùa khô nhưng cái nắng ở đây như thiêu đốt da thịt. Cách trung tâm huyện Ea Súp khoảng 40 km, đường vào Thôn thanh niên lập nghiệp (TNLN) Ia Lốp trầy trật nhiều ổ gà, ổ voi. Sau hơn hai giờ đồng hồ chạy xe máy, ngôi làng của các “chiến sĩ áo xanh” cũng hiện ra trước mắt. Những ngôi nhà nho nhỏ nằm sát cạnh nhau giữa cánh rừng khộp bạt ngàn đang mùa rụng lá. Đón chúng tôi, anh Lý Văn Sài, thôn trưởng hồ hởi nói: “Buổi sáng thôn vừa họp để triển khai vụ sản xuất mới nên còn có người ở nhà. Nếu các anh mà vào hôm khác thì chẳng gặp được ai vì chúng tôi bận đi rẫy cả”. Dạo một vòng quanh thôn, nghe tiếng hát của các cháu học mầm non, tiếng máy nổ xay xát gạo, nhìn những chiếc xe công nông chở vật tư đi rẫy… chúng tôi cảm nhận được cuộc sống nơi đây đang ngày một khá lên. Thôn thanh niên lập nghiệp Ia Lốp là dự án của Trung ương Đoàn được triển khai từ năm 2006. Từ vài hộ ban đầu, nay làng đã có 120 hộ, 398 khẩu với 8 dân tộc sinh sống. Trong đó, có 30 em nhỏ đã được sinh ra tại làng. Khi vào đây lập nghiệp mỗi hộ gia đình thanh niên được hỗ trợ 20 triệu đồng làm nhà, 6 tháng lương thực, 1 sào đất ở và 1ha đất sản xuất. Ngoài phát triển kinh tế, thôn còn gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới.
Ghé thăm trường mẫu giáo của thôn, chúng tôi được các cháu chào đón bằng những câu hát “Ai hỏi cháu cháu học trường nào đây. Bé nào ngoan thì múa hát thật hay. Cô là mẹ còn các cháu là con. Trường của cháu đây là trường mầm non”. Lớp mẫu giáo có 30 em do cô giáo Lê Thị Vấn phụ trách. Lớp học khá khang trang với những đồ dùng dạy học được bài trí, sắp xếp ngăn nắp. Nhìn những ánh mắt hồn nhiên, ngây thơ của các em mà cô Vấn không khỏi xúc động: “ Khi vào nhận công tác, mặc dù đã chuẩn bị tâm lý trước nhưng em không khỏi bất ngờ, nhất là đường sá hiểm trở, xa xôi. Nhưng giờ thì quen rồi và càng thương các con hơn”. Ở kế bên cạnh là nhà trẻ do cô giáo H’ Mít Niê phụ trách. H’ Mít cũng tình nguyện vào đây dạy học đã được hai năm. Thăm gia đình anh Nguyễn Văn Vững và chị Lý Thị Thơ khi anh vừa sửa xong chiếc xe cày để ngày mai đi rẫy sớm. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chị Thơ mở tủ lạnh lấy nước, cùng khay đá ra tiếp khách. Chị bảo, “Ở đây mặc dù xa xôi nhưng đã có điện, rồi thì cái tivi, tủ lạnh… cũng phải có. Vụ vừa rồi nhà em được mùa lúa và ngô nên bán đi một ít sắm cái tủ lạnh”. Vợ chồng anh Vững, chị Thơ vốn quê gốc ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Anh chị vào xã Ea Lê, huyện Ea Súp lập nghiệp từ năm 2002. Dù chăm chỉ lao động nhưng cuộc sống của anh chị trên quê hương mới cũng khá chật vật. Năm 2006, anh chị viết đơn xin tình nguyện vào đây để lập nghiệp. Được cấp đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ tiền xây nhà nên cuộc sống gia đình anh đã dần ổn định. “Trước đây gia đình tôi nghèo khó lắm, đất sản xuất cũng không có. Khi có dự án, tôi đã làm đơn xin vào làng định cư và được hỗ trợ 20 triệu đồng xây nhà, cấp 0,1ha đất thổ cư, 1ha đất sản xuất nên cố gắng làm ăn. Năm đầu tiên ăn Tết tại làng buồn lắm, chỉ có 9 hộ dân, giờ cuộc sống đông vui hơn rất nhiều”, anh Vững nói. Cũng giống như gia đình anh Vững, vợ chồng anh Cầm Bá Thường và Cầm Thị Huyền ở xã Ea Rốk (Ea Súp) nhưng đất đai ít quá không đủ làm. Khi biết có Dự án Làng TNLN anh chị đã viết đơn tình nguyện xin vào đây làm kinh tế. Tuy ban đầu còn vất vả nhưng điều kiện sản xuất sinh hoạt nơi đây vẫn rất tốt, khá hơn nơi cũ. Với 1 ha đất sản xuất, ngoài trồng lúa nước, gia đình còn làm thêm các loại hoa màu, cây ngắn ngày. Diện tích đất vườn sau nhà còn rộng rãi tôi khoanh lại để nuôi thả gà nên thực phẩm cũng rất dồi dào. Cuộc sống gia đình anh chưa hẳn đã giàu có nhưng thu nhập cũng khá, có tiền nuôi 2 con nhỏ đang học ngoài huyện. Cuộc sống về trước mắt của các hộ gia đình ở đây đã ổn định, nhưng về lâu dài vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Nói về khó khăn của làng, trưởng thôn Lý Văn Sài không khỏi lo lắng: Hiện, lúa nước ở đây chỉ làm được một vụ vì hệ thống thủy lợi chưa có, đất đai sản xuất vẫn còn thiếu, nước thì nhiễm đá vôi, trạm xá xây lên nhưng không có y - bác sĩ trong khi đường sá xa xôi; tình trạng xâm canh trái phép đất rừng của các hộ dân di cư ngoài quy hoạch đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, vụ việc vừa làm mất an ninh trật tự, vừa mất rừng…
Anh Trần Hồng Tiến, Phó bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn cho biết: Mặc dù dự án đã kết thúc, thôn đã được bàn giao về cho xã quản lý nhưng Tỉnh Đoàn vẫn thường xuyên hỗ trợ cho Thôn TNLN. Tỉnh Đoàn đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho 56 hộ dân vay vốn phát triển sản xuất với số tiền gần 900 triệu đồng. Ngoài ra, Tỉnh Đoàn đã liên hệ với một số doanh nghiệp hỗ trợ lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhận thanh niên vào làm công nhân. Tới đây, mỗi hộ dân sẽ được cấp thêm 0,5ha để phát triển sản xuất. Riêng về hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu đã được UBND tỉnh cho phép khảo sát xây dựng với kinh phí 5 tỷ đồng.
Tuấn Anh