Sự vô cảm của con người
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu vật chất của con người ngày càng cao, kinh tế các gia đình khá giả hơn, những ngôi nhà cao tầng với những cách cổng luôn được đóng kín, con người sông khép kín hơn, họ quên những người hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đền có nhau, dần dần những nét đẹp văn hóa, truyền thống, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách dần bị lãng quên, thay vào đó là sự bon chen vật chất, đua đòi, nhất là không dây dưa vào chuyện người khác để khỏi chuốc họa vào thân, cách hành xử đó dần tạo nên lối sống lạnh lùng, vô cảm.
Việc vô cảm làm cho con người càng trở nên độc đoán, ích kỷ và thiếu hẳn sự cân bằng, những giá trị nhân văn càng dễ bị lãng quên, con người trở nên thiếu tính cộng đồng, thiếu lòng nhân ái, sợ liên lụy, sợ chuốc họa vào thân, sợ gặp phải phiền phức, họ không còn quan tâm hoặc ít thích thú với những hoạt động, những sự kiện trọng đại, những vấn đề quan trọng của cộng đồng, của xã hội, của đất nước.
Đôi khi chúng ta vô cảm với gia đình, bạn bè, mối quan hệ ngày càng xa cách, không một lời hỏi thăm, một lời động viên, không biết người thân, bạn bè mình sống thế nào và làm việc ra sao, và rồi chúng ta lại vô cảm với chính bản thân và mất phương hướng với chính cuộc đời mình, không biết ước mơ của mình là gì, cuộc sống như thế nào thì mình cảm thấy hạnh phúc. Tự bó buộc mình, tự hài lòng với chính bản thân và công việc của mình, sợ dấn thân, sợ thay đổi, sợ tiếp xúc và sợ những điều mới lạ, những con người lạ, để rồi thấy mình già đi và tâm hồn chết dần chết mòn.
Trong thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông, chúng ta nghe rất nhiều đến sự vô cảm. Các bạn có thể dễ dàng nhận thấy, ngày nay khi ra đường nếu không may gặp phải cướp giật có thể bạn sẽ la thật to, kêu thật lớn nhưng mọi người xung quanh cũng chỉ đứng nhìn và ít khi có một “hiệp sĩ đường phố” đứng ra bắt cướp và giúp đỡ bạn. Cũng có những trường hợp té xe hay tai nạn trên đường hầu hết mọi người đi đường nhìn thấy, họ ngoái đầu nhìn, họ chỉ trỏ và họ quay lưng đi.
Nhiều người vô cảm khi đứng trước một em bé hay ông cụ ăn xin mà không cho nổi họ một đồng bạc nào, không phải vì họ không có tiền hay họ tiếc vài đồng bạc lẻ mà bởi vì trong lòng họ còn lo lắng vì rất nhiều thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo về nạn ăn xin có tổ chức, an xin là một nghề chuyên nghiệp, họ sợ lòng tin, tình thương của họ đặt không đúng chỗ, họ sợ họ đang bị người khác lợi dụng.
Những bộ phim hành động, game bạo lực đã kích động tinh thần của thế hệ trẻ làm cho con người trở nên sắt đá, tính tình nguội lạnh , chẳng còn cảm giác hay suy nghĩ gì về những điều xung quanh mình. Ngay cả trên các trang mạng xã hội, khi có một ai đó không may qua đời, hay những sự việc nào đó không vui xảy ra thì các bạn sẵn sàng bày ra những chiêu trò lừa đảo để câu like như: “1.000.000 like cho người đó sống lại”, hay “1.000.000 like sẽ mang lại may mắn cho em bé xấu số”, hay “ai like hình này sẻ luôn gặp được may mắn, không like thì xui xẻo cả đời”… Liệu chỉ một cái nhấp chuột có thể giúp người ta sống lại, chỉ một cái nhấp chuột có thể mang lại may mắn cho mọi người? Tất cả những điều đó chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân, mang mục đích kinh doanh trên niềm tin của người khác.
Xã hội ngày càng phức tạp, lừa phỉnh tinh vi, nguy hiểm đầy rẫy, tất cả những điều đó làm con người phải cảnh giác, đề phòng, thiếu quan tâm và họ trở nên vô cảm. Nguyên nhân có thể do giáo dục của chúng ta chưa đến nơi đến chốn, chúng ta dạy cho học sinh nhiều lý thuyết đạo đức mà ít có những bài học về tình cảm giữa con người với con người một cách thiết thực, gần gũi. Ảnh hưởng từ phim ảnh, truyện, các trò chơi bạo lực và các chất kích thích mà một bộ phận các bạn đang sử dụng, tiếp xúc làm cho các bạn bị nhiễm, đôi khi không làm chủ được bản thân và biến họ trở thành những người hoàn toàn khác. Ngoài ra, hoàn cảnh sống, chuyện sinh nhai, cơm, áo, gạo, tiền trở nên khó khăn hơn cho tất cả mọi người. Để tồn tại, phát triển họ phải cạnh tranh, phải sử dụng các thủ đoạn, các chiêu trò lừa lọc... Điều này tạo cho con người sự mệt mỏi, ức chế, từ đó làm họ nóng nảy, khó tính và dần trở nên vô cảm, tàn nhẫn, đôi khi cũng độc ác hơn.
Điều tệ hại nhất mà vô cảm gây ra chính là nhân cách con người đang dần bị huỷ hoại, con người lạc mất chính mình. Từ vô cảm đã dẫn đến nhiều hành vi tội lỗi, sai lệch với những chuẩn mực đạo đức xã hội. Ranh giới giữa vô cảm và sự tàn nhẫn, những hành vi mất nhân tính là rất mỏng manh. Thờ ơ trước nỗi đau để rồi chính bản thân họ gây ra nỗi đau cho người khác.
Thực tế trong cuộc sống không phải ai cũng vô cảm trước nỗi đau, trước khó khăn của người khác. Chúng ta không thể phủ nhận vẩn có rất nhiều người có tấm lòng hảo tâm, tương thân tương ái, quan tâm đến những mảnh đời bất hạnh, sẵn sàng ra tay giúp đỡ những con người nghèo khó, những mảnh đời bất hạnh. Nhưng làm thế nào để những tấm lòng hảo tâm đó không thất vọng để rồi trở nên vô cảm khi niềm tin của họ bị vùi dập, tình thương bị lợi dụng? Nguyên nhân thực sự nào khiến con người trở nên vô cảm và phải làm thế nào để con người không còn sống vô cảm? Để làm được điều đó không phải trách nhiệm của riêng ai mà cần sự chung tay, góp sức của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội. Vì xét cho cùng trong sâu thẳm mỗi con người, những người vô cảm là những người thiếu hụt tình yêu thương. Họ không nhận được sự yêu thương đầy đủ của gia đình, của xã hội nên tâm hồn của họ trở nên trống rỗng, họ không có tình yêu thương để chia sẽ. Đã đến lúc chúng ta vun đắp tình yêu thương cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho thế hệ trẻ, tạo cho mọi người thói quen biết quan tâm, chia sẽ, yêu thương khiến cho vô cảm trong mỗi con người không còn chỗ để tồn tại./.
Nguyễn Mai