Sinh viên làm hệ thống cảnh báo ô nhiễm môi trường
Nhóm sinh viên sáng tạo hệ thống giám sát ô nhiễm không khí. Ảnh: An Quân
Sáng chế mang tính ứng dụng thực tiễn cao của Trần Hữu Anh, Huỳnh Ngọc Thương và Nguyễn Phước Ngưỡng Thiện, vừa được trao giải nhì cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học” do Bộ KH-CN phối hợp Bộ GD-ĐT tổ chức.
Người dân tự theo dõi, cập nhật không khí
Trần Hữu Anh cho biết khi bắt tay vào nghiên cứu, nhóm đã cẩn trọng thực hiện khảo sát online về nhu cầu được thông tin của người dân về mức độ ô nhiễm môi trường nơi họ sinh sống, những khu vực mà họ quan tâm, cách thức thông tin thuận tiện nhất và hiệu quả nhất. “Từ khảo sát cho thấy phần lớn người dân có rất ít thông tin cũng như không có nguồn thông tin đáng tin cậy về vấn đề nắm bắt tình hình ô nhiễm không khí tại các khu vực mình sinh sống. Đa số họ muốn có một kênh thông tin để cập nhật liên tục và nhanh nhất tình hình ô nhiễm không khí để có biện pháp ứng phó, xử lý nhanh nhất, phù hợp nhất”, Hữu Anh nói.
Từ đó nhóm đặt tham vọng sẽ tạo ra một hệ thống giám sát chất lượng không khí và đã triển khai thử nghiệm hệ thống này tại TP.Đà Nẵng, thông qua hệ thống quan trắc di động và hệ thống quan trắc cố định. Từ số liệu cập nhật từng giờ, các cơ quan chức năng có thể biết được khu vực nào đang bị ô nhiễm không khí để có các biện pháp xử lý nhanh nhất và hợp lý nhất. Theo đó, hệ thống đo sẽ bao gồm các cảm biến đo nồng độ chất khí gây ô nhiễm môi trường không khí, khối trung tâm xử lý và các ngoại vi. Kết quả giám sát sẽ được đưa lên website chính thức của hệ thống và hiển thị tất cả giá trị, dữ liệu mà hệ thống đo đạc được qua từng phút.
Người dân sẽ truy cập vào trang web để tiến hành theo dõi, cập nhật tình hình ô nhiễm không khí tại khu vực mình sinh sống, được hiển thị dưới dạng bản đồ heat map (bản đồ nhiệt). Đây là dạng bản đồ thông tin mô tả trực quan, rõ ràng nhất để mọi người có thể quan sát, theo dõi và đánh giá một cách dễ dàng nhất.
Gắn “rada” trên xe buýt giám sát không khí
Đối với các khu công nghiệp, nhóm đặt trạm quan trắc cố định, phần còn lại là các “rada” quan trắc di động di chuyển khắp các tuyến đường theo hệ thống xe buýt nội thị, giúp nắm bắt tình hình ô nhiễm không khí tại các khu vực khác nhau. “Khi các tuyến xe buýt trong thành phố được gắn kết hệ thống giám sát này thì dữ liệu sẽ được cập nhật nhiều hơn và chính xác hơn trên toàn thành phố. Đơn cử, dữ liệu của những điểm thu thập được trong lịch trình của riêng một tuyến xe buýt số 2 đã lên đến 1.050 điểm. Trong khi xe buýt nội thị tại Đà Nẵng có 14 tuyến với hàng trăm chiếc xe chạy mỗi ngày”, Huỳnh Ngọc Thương, thành viên nhóm nghiên cứu, chia sẻ.
Nhóm gắn “rada” trên nóc xe buýt vì đây là vị trí thích hợp nhất để lắp đặt hệ thống, có độ cao vừa đủ cho một hệ thống giám sát không khí, có thể tiếp nhận nguồn năng lượng mặt trời cho hệ thống hoạt động và thân thiện với môi trường. Tình trạng ô nhiễm không khí trên toàn khu vực thành phố sẽ được các trạm quan trắc di động thu thập và cập nhật liên tục lên website và từ đó cung cấp thông tin chính xác đến người dân.
Theo thanhnien.vn