Những nhà sáng tạo trẻ ở Trường THPT Y Jút
Sáng kiến nảy sinh từ thực tế
Vượt qua 42 tác giả, nhóm tác giả đến từ các địa phương trong toàn tỉnh, em Vũ Thanh Sơn (học lớp 10) đã xuất sắc giành giải Nhất. Sản phẩm “Thiết bị điều khiển mô tô thông minh” của Sơn được Hội đồng giám khảo đánh giá cao không chỉ bởi ý tưởng sáng tạo mới, mà còn rất thiết thực, có thể ứng dụng vào cuộc sống.
Trong quá trình tham gia giao thông, chứng kiến nhiều tai nạn rủi ro, Sơn đã nung nấu ý định tạo ra một thiết bị có thể giới hạn được tốc độ, cảnh báo vật cản trong quá trình lưu thông trên đường.
Em Vũ Thanh Sơn nhận giải Nhất tại Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ V.
Từ vi điều khiển và một số thiết bị điện tử (encoder, motor servo, cảm biến sharp, motor phanh, phím cảm ứng), sau hơn 3 tháng mày mò, Sơn đã tạo nên sản phẩm “Thiết bị điều khiển mô tô thông minh”. Chỉ cần gắn thiết bị này vào xe mô tô, trong quá trình xe di chuyển, encoder sẽ quay để thu dữ liệu và hiển thị tốc độ; đồng thời cảm biến cũng hoạt động để đo khoảng cách với các vật. Khi xe chạy quá tốc độ, khoảng cách quá gần so với quy định thì thiết bị sẽ xử lý các dữ liệu, giảm ga về tốc độ đã giới hạn đồng thời cảnh báo, hệ thống phanh sẽ phanh tự động và giữ khoảng cách an toàn cho người điều khiển phương tiện. Vũ Thanh Sơn chia sẻ, để bảo đảm được độ an toàn, có tính ứng dụng cao, em phải thí nghiệm rất nhiều lần. Em hy vọng, thiết bị sẽ được nhiều người biến đến và sử dụng.
Cùng với thiết bị nói trên, hiện nay Vũ Thanh Sơn đang hoàn thiện sản phẩm “Rôbôt dò mìn”. Chứng kiến ở địa phương và trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, lượng bom mìn sót lại sau chiến tranh khiến không ít người bị tai nạn, thậm chí tử vong, Sơn luôn day dứt suy nghĩ. Hy vọng rằng, với ý tưởng điều khiển rôbôt từ xa qua hệ thống wifi của Sơn, người dùng sẽ nhận biết được các mối nguy hại về bom mìn để kịp thời phòng tránh…
Sáng tạo từ đam mê
Giải Nhì của cuộc thi này là sản phẩm hữu ích “Hệ thống điều khiển thiết bị điện trong nhà bằng điện thoại” của nhóm tác giả Nguyễn Trần Nhất Phi và Trần Bùi Đức Phương (học sinh lớp 10). Sản phẩm ra đời từ việc nhận thấy nhiều gia đình bị mất trộm, cháy nổ khi chủ nhân vắng nhà; một số người già, đau ốm ngồi một chỗ, không thể tự bật tắt các đồ dùng điện sinh hoạt...
Hai em Nguyễn Trần Nhất Phi (bên trái) và Trần Bùi Đức Phương (bên phải) tại lễ trao giải cuộc thi.
Hệ thống hoạt động dựa trên nguyên tắc dùng Bluetooth điện thoại điều khiển trên lập trình Arduino mega 2560. Khi được kích hoạt, tiện ích có thể: cảnh báo chống trộm qua khuếch đại âm thanh; thực hiện mệnh lệnh tắt, mở hệ thống chiếu sáng, quạt; đóng, mở cổng gara; đưa quần áo vào khi trời mưa, đưa quần áo ra phơi khi trời nắng…
Là người chủ công, Nguyễn Trần Nhất Phi hy vọng sản phẩm này sẽ đem lại nhiều tiện dụng cho người dùng. Hiện trên thị trường có không ít thiết bị thông minh, nhưng giá thành rất cao, sử dụng qua Internet, trong khi theo tính toán của nhóm, một căn hộ diện tích 50m2 sẽ chỉ tốn khoảng 1 triệu đồng là có thể sử dụng những tiện ích tương tự. Điều này rất phù hợp với túi tiền của số đông người dân, đặc biệt ở các vùng nông thôn, cơ quan, trường học, những nơi chưa có mạng Internet.
Đam mê sáng tạo, trước đó Nguyễn Trần Nhất Phi cũng đã từng đến với Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ IV và đoạt giải Khuyến khích với sản phẩm “Rôbôt hút bụi thông minh”. Đây là động lực để cậu học trò này tiếp tục có thêm những ý tưởng mới lạ, độc đáo khác.
Đam mê, luôn có những ý tưởng mới mẻ và quyết tâm thực hiện cho bằng được nên không hiếm lần, Phi đem cả ý tưởng vào giấc ngủ, thậm chí mất ăn, mất ngủ vì nó. Chăm chút cho từng đứa con tinh thần, Phi vui mừng nhất là khi chúng có thể ứng dụng vào thực tiễn, được mọi người ghi nhận, đánh giá cao. Hiện tại, Phi đang nghiên cứu thêm sản phẩm mới “Rôbôt đa chức năng”, có thể tự động hút bụi, nắm bắt các vật… thông qua điều khiển bằng điện thoại, Internet.
Theo baodaklak