Những ngăn tủ mang khao khát sống thật
Tại cuộc trưng bày, mọi ngăn tủ được mở ra trong sự thấu hiểu, sẻ chia
Gần 100 ngăn tủ đang được trưng bày tại Đại học Mỹ thuật VN (Hà Nội) chứa đựng chừng ấy câu chuyện của những người đến từ những vùng quê, độ tuổi và nghề nghiệp khác nhau nhưng đều có chung khao khát được sống thật với chính mình.
Họ là những thành viên trong cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT).
Mở cửa những bí mật
Trong ngăn tủ của Cát Thy (28 tuổi, TP.HCM) có rất nhiều cây kim tiêm cỡ lớn, hộp keo 502, mấy bịch silicon không nhãn mác và đủ loại thuốc tránh thai. Cát Thy là người chuyển giới từ nam sang nữ.
Ngay từ khi lên 7 tuổi Thy đã biết mình không như bạn bè cùng trang lứa. Thy thích mặc đồ con gái, thích chơi búp bê, đồ hàng... Lớn lên biết Thy có sự khác biệt, bạn bè thường xa lánh, hắt hủi.
15 tuổi, không chịu nổi sự kỳ thị của bạn bè Thy nghỉ học. 16 tuổi, Thy đồng ý để người khác bơm mặt, bơm mũi, bơm ngực... bằng silicon để giống con gái.
Và đây là tự sự của Thy: “Đây là loại thuốc ngừa thai đắt tiền, em uống 2-3 viên mỗi ngày để ngực giữ nguyên dạng. Nếu như tiêm hormon thấy khó chịu, bứt rứt không yên thì với silicon không thể nào tả hết được sự đau đớn.
Với những chỗ cần tiêm nhiều sau khi rút mũi kim tiêm to như tiêm trâu, bọn em còn phải dùng keo 502 để bịt lại, nếu không silicon sẽ chảy ngược ra. Nhiều chỗ thâm trên người là do keo làm cháy da. Em đã mua cái này từ mấy người bạn để tự tiêm. Khó chịu lắm nhưng em quen rồi...”.
Câu chuyện của Cát Thy không phải là cá biệt. Đó chỉ là một trong hàng trăm ngàn câu chuyện của các bạn trong cộng đồng LGBT.
Không được gia đình và xã hội chấp nhận sự khác biệt, đa số họ đều bị xa lánh, hắt hủi, rồi tự lần mò để được sống là chính mình, bất chấp những nguy cơ về sức khỏe luôn rình rập. Ngăn tủ của một bạn gái tên Nắng (23 tuổi, Hà Nội) chỉ có duy nhất chiếc dao lam.
Nắng chia sẻ: “Là người đồng tính, luôn bị cả nhà mắng chửi, em thấy cuộc sống này thật là mỉa mai và cay đắng. Em cười với mọi người. Em cười về sự bất hạnh và nỗi buồn của mình. Em cười về cách nhìn của mọi người dành cho em.
Em thường lấy dao lam để khắc chữ lên tay. Em rạch chữ “cười”, chữ “hận” và những chữ khác. Đó đã trở thành việc em thường làm mỗi khi thấy buồn khổ”.
Chịu sự kỳ thị, xa lánh, nhưng rồi cũng có những bạn trẻ đã được gia đình chấp nhận. Ngăn tủ của Mộng (29 tuổi, TP.HCM) xếp rất nhiều bộ đầm đẹp. Nhưng để được mặc những bộ đầm ấy, Mộng đã trải qua những ngày tháng đầy đắng cay và tủi cực.
Những lời chia sẻ của Mộng bên trong ngăn tủ: “Lúc tôi còn nhỏ, mỗi lần nghe hàng xóm mách mẹ về “chuyện lạ” của mình, mẹ điên tiết đánh tôi rất đau. Với bà, đó là chuyện nhục nhã. Mẹ đánh, xát muối vào chỗ đánh và... ước “thà sinh ra cái trứng gà, trứng vịt”.
Lớn lên, nhiều đứa bằng tuổi tôi dính vào ma túy, vào tù ra tội. Đó là đứa con của những gia đình từng chế nhạo tôi. Hàng xóm và mẹ chứng kiến tôi đi làm từ thiện, tổ chức trung thu cho trẻ em nghèo nơi xóm tôi ở. Những miệt thị bớt đi, mẹ cũng dần chấp nhận.
Vài năm trước, tôi ngạc nhiên khi mẹ rủ tôi đi chọn vải may đầm. Tôi vẫn nhớ lúc mẹ nói ở chợ: “Mua vải cho con gái tôi, nó đây này!” - tôi hạnh phúc lắm!”.
Chờ những cam kết
Xem ngăn tủ, nhiều người đứng lặng lẽ trước các hiện vật, đọc những lời tự sự được kéo ra.
“Trong cuộc đời mỗi người đều có những ngăn tủ để cất giữ bí mật. Nó không dễ dàng mở ra vì hiểm nguy, rủi ro khi số đông sẵn sàng “ném đá” và kỳ thị với những ai, với những gì khác với nguyên tắc.
Những nỗi đau khổ bị giấu kín nhưng những bất mãn âm ỉ, những khát khao âm thầm vẫn cháy. Nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ và bất ổn nếu cứ bị đóng mãi trong ngăn tủ.
Và hôm nay, chúng tôi tạo cơ hội để những ngăn tủ đó của các bạn trong cộng đồng LGBT được mở ra” - bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên, chia sẻ về ý tưởng thực hiện cuộc trưng bày.
“Xã hội bình đẳng khi tất cả mọi người được hưởng đầy đủ quyền công dân, bất chấp giới tính, tuổi tác, tình trạng sức khỏe... Việt Nam đã cam kết điều này và cam kết này cần phải đưa vào thực tế” - đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander chia sẻ.
Chỉ vì sự khác biệt, họ phải mơ ước một điều giản dị mà ai sinh ra cũng được hưởng: được sống là chính mình.
“Mục tiêu phải hướng đến là một xã hội nơi mà cộng đồng LGBT không bao giờ cảm thấy bị áp bức hoặc bị xã hội xa lánh” - chia sẻ của bà Camilla Mellander nhận được tiếng vỗ tay đồng tình của mọi người.
Ở cuộc trưng bày, chúng tôi gặp rất nhiều người trẻ trong cộng đồng LGBT. Họ ăn mặc đẹp, trang điểm đẹp, tự tin cười nói và sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của mình với tất cả mọi người.
Ở cuộc trưng bày ấy, mọi ngăn tủ bí mật đã được mở ra bằng tình yêu thương, sự thấu hiểu, sẻ chia kèm theo mong đợi cho sự thay đổi!
Những tấm ảnh của Lộ Lộ (một người đồng tính nam) trưng bày tại triển lãm
“Những ngăn tủ” là trưng bày về người LGBT, được thực hiện theo bốn chủ đề: bản sắc, nỗi đau, niềm tự hào và chia sẻ nhằm giúp người xem thấu hiểu, giải đáp được thắc mắc, băn khoăn về người LGBT.
Hoạt động thuộc dự án “Nâng cao năng lực xây dựng trưng bày dựa vào cộng đồng: Góc nhìn giới tính” trưng bày tại Đại học Mỹ thuật VN đến hết ngày 31-3.
Dự án được Viện Thụy Điển, UNESCO và Đại sứ quán Thụy Điển hỗ trợ tài chính và kỹ thuật.
TheoTuoitre (NM)