Nhiều sản phẩm hữu ích của những "nhà sáng chế trẻ" ở Cư Kuin
Ý tưởng gắn với thực tiễn
Phần lớn các mô hình, sản phẩm sáng tạo của các em học sinh đều nảy sinh từ cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực vào việc học tập, sản xuất, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng…
Chứng kiến cảnh nhiều nông dân trồng rau tại địa phương thường sử dụng đèn pin đội đầu hay điện lưới để thu hoạch rau vào ban đêm rất bất tiện và tiềm ẩn nhiều rủi ro, hai em Nguyễn Thu Hiền và Đỗ Việt Xuân (lớp 9A, Trường THCS Giang Sơn) đã ấp ủ ý tưởng tạo ra một loại đèn không chỉ chiếu sáng mà còn bắt được sâu bọ. Sau một thời gian tìm tòi, học hỏi trên mạng Internet và vận dụng những kiến thức đã học, Hiền và Xuân đã chế tạo thành công sản phẩm “Đèn đa năng thân thiện với môi trường”.
Sản phẩm có cấu tạo khá đơn giản gồm hệ thống đèn Led gắn trên thanh nhôm, giá bắt sâu bọ, bình ắc quy 12V và tấm pin năng lượng mặt trời. Sau khi bình ắc quy được nạp đầy điện từ ánh nắng mặt trời sẽ có khả năng chiếu sáng khoảng 8 tiếng, trong phạm vi là 2 m. Ngoài ra, từ ánh sáng của đèn cùng với việc sử dụng chất dẫn dụ là trái cây hay thức ăn có mùi thơm, đèn còn có khả năng tiêu diệt các loại sâu, bướm gây hại cho cây trồng. Với những ưu điểm như tiết kiệm điện, thiết kế nhỏ gọn, bảo đảm an toàn… sản phẩm đèn đa năng này đã được nhiều người ghi nhận, đánh giá cao và bắt đầu được đưa vào sử dụng tại một số vùng trồng rau ở các thôn Kim Phát, Kim Châu và Giang Sơn. Em Nguyễn Thu Hiền chia sẻ: “Hy vọng sản phẩm của chúng em sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường và hạn chế được tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất”.
Mô hình “Hệ thống tự động điều khiển đèn giao thông, thông minh tiết kiệm năng lượng điện” của em Nguyễn Văn Đức (lớp 10A9, Trường THPT Việt Đức). |
Mô hình “Hệ thống tự động điều khiển đèn giao thông, thông minh tiết kiệm năng lượng điện” của em Nguyễn Văn Đức (lớp 10A9, Trường THPT Việt Đức) ra đời từ thực tế trong quá trình tham gia giao thông, số lượng đèn chiếu sáng ban đêm trên các tuyến đường nhiều nhưng phương tiện lưu thông ít đặc biệt từ 0-3 giờ sáng hôm sau gây lãng phí điện năng. Từ các mạch cảm biến hồng ngoại, cảm biến ánh sáng; role điện từ; đèn thu, phát hồng ngoại, Đức đã thiết kế, lắp đặt mạch điện điều khiển hệ thống đèn đường một cách tự động hóa. Theo đó, đèn sẽ tự động bật sáng về đêm khi có người và phương tiện lưu thông trên đường và tự động tắt khi không có người, phương tiện mà không làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Theo tính toán của Đức, hiện nay đèn giao thông thường dùng loại có công suất 250W, hoạt động khoảng 10 giờ/ngày thì điện năng tiêu thụ là 2,5 kWh/bóng/ngày. Trung bình 1 km đường, lắp đặt khoảng 66 bóng thì tổng điện năng tiêu là 165 kWh. Nếu hệ thống này được ứng dụng vào thực tế thì sẽ tiết kiệm thời gian hoạt động của mỗi bóng đèn ít nhất là 2 giờ/ngày, tương đương với 33 kWh điện.
Ngoài 2 mô hình, sản phẩm trên thì còn có thể kể đến một số đề tài khác như “Bình rửa tay tiết kiệm nước” (Trường Tiểu học Y Jút), “Nhà vệ sinh thân thiện trong trường học” (Trường Tiểu học Nguyễn Văn Bé), “Máy lọc không khí, khử khói thuốc lá kết hợp phun sương và bắt muỗi” (Trường THCS 19-8)…
Khơi dậy đam mê
Nhằm tạo sân chơi bổ ích, khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo cho các em học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, hằng năm Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cư Kuin đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức nhiều cuộc thi như Cuộc thi ý tưởng, Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cơ sở, Cuộc thi sáng tạo vật dụng vệ sinh trường học…
Để các cuộc thi đạt chất lượng và hiệu quả cao, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch và triển khai cuộc thi; đồng thời lựa chọn những cán bộ, giáo viên có năng lực phụ trách mảng khoa học kỹ thuật để gợi mở ý tưởng, hướng dẫn học sinh nghiên cứu. Với những ý tưởng sáng tạo mang tính thực tiễn và dễ áp dụng, Phòng sẽ tư vấn, hỗ trợ các em hoàn thiện sản phẩm để tiếp tục tham gia các cuộc thi sáng tạo cấp tỉnh.
Sản phẩm “Đèn đa năng thân thiện với môi trường” của em Nguyễn Thu Hiền và Đỗ Việt Xuân (lớp 9A, Trường THCS Giang Sơn). |
Theo ông Trần Quốc Toản, chuyên viên phụ trách khối THCS thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cư Kuin, các cuộc thi sáng tạo đã trở thành một phong trào thu hút sự tham gia của đông đảo thanh, thiếu niên và nhi đồng tại địa phương. Ban đầu chỉ có một vài mô hình, sản phẩm dự thi thì đến nay đã tăng lên gấp nhiều lần (năm 2017 là 21 sản phẩm, năm 2018 là 37 sản phẩm). Trong đó có nhiều mô hình, sản phẩm có giá trị, tính ứng dụng thực tiễn cao và đoạt giải tại các cuộc thi sáng tạo các cấp.
Tại 2 Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ V và lần thứ VI do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức trong 2 năm học 2016-2017 và 2017-2018, huyện Cư Kuin có 13/18 mô hình, sản phẩm dự thi đoạt giải, trong đó có 2 giải Nhất, 1 giải Nhì, 3 giải Ba và 7 giải Khuyến khích. |
Theo baodaklak