Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
Cập nhật lúc: 07/01/2019

Người truyền lửa yêu thương

Người truyền lửa yêu thương

Lớp học của thầy giáo Phùng Văn Trường. Ảnh: HOÀNG ÐÔNG

Con đường nhỏ bình dị dẫn vào thôn Nhân Lý vẫn ngày ngày đưa đón những bước chân bình yên qua lại của người dân nơi đây. Trong một căn nhà cũ ven đường, anh Phùng Văn Trường và các học trò nhỏ của mình đang say sưa luyện chữ. Ðối với những người dân nơi đây thì lớp học nhỏ này thật đặc biệt. Không chỉ bởi lớp học có nhiều học sinh đặc biệt, con em của những gia đình khó khăn hay những học sinh khuyết tật, mà còn đặc biệt bởi chính người đã thành lập và dẫn dắt lớp học này. Người dân nơi đây thường gọi anh bằng cái tên trìu mến: thầy giáo Phùng Văn Trường.

Ông Phùng Văn Mười, bố anh Phùng Văn Trường kể lại: Từ lúc còn nhỏ, Trường đã bị bại liệt, liệt cơ. Trước em nó viết khó lắm, viết bằng tay nhưng nguệch ngoạc, không viết được, sau chuyển sang học viết bằng miệng. Khó khăn nhưng Trường càng kiên trì, quyết tâm phải học viết bằng được.

"Cuộc sống mà không có hy vọng là cuộc sống vô nghĩa", chính là tâm niệm từ bé của anh Trường và cũng là động lực để anh nỗ lực vượt lên chính bản thân mình, chiến thắng những khó khăn để đến được với cây bút, với từng nét chữ. Anh tâm sự, phải mất hơn một tháng tập luyện hằng ngày, anh mới viết được nét chữ đầu tiên. Ðể giữ được cây bút, viết được từng con chữ, anh phải sử dụng tới cả hàm, cả răng cửa và cổ để đưa bút theo từng nét chữ. Sau thời gian dài tập luyện, anh Phùng Văn Trường không chỉ viết được mà còn có thể viết đẹp và nhận hướng dẫn các cháu học viết chữ đẹp. Thấy con em trong thôn có thể viết được chữ đẹp, sức học tiến bộ và ngày càng có nhiều học sinh tìm đến, anh quyết định kèm thêm cho các cháu cả các môn học khác như Toán, tiếng Việt. Vào những ngày hè, lớp học của anh luôn đông đúc từ sáng tới chiều tối. Anh chia sẻ, anh như có duyên với lũ trẻ vậy. Phụ huynh nào đưa con em đến, anh cũng đều nhận hết bởi phần lớn trẻ em trong thôn đều là con nhà có hoàn cảnh khó khăn, trong đó, có cả những cháu bé khuyết tật.

Anh Trường nói: Các cháu đến đây học viết rồi thành lớp từ lúc nào không hay. Tôi mong các cháu nhìn thấy tấm gương của mình, vượt qua khó khăn mới đến được với con chữ, thì các cháu càng phải học thật tốt để bố mẹ tự hào.

Gia đình bà Nguyễn Thị Lãnh ở đội 2, thôn Nhân Lý có sáu người con. Cháu Nguyễn Thị Trang là con gái của người con thứ tư trong gia đình bà. Không may mắn khi sinh ra, Trang bị chậm phát triển về trí tuệ và khả năng nói cho nên gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp và học tập. Cũng vì vậy mà đã hai năm nay, Trang không thể đến trường. Thương Trang cho nên anh Phùng Văn Trường đã động viên bà và gia đình đưa em đến để anh dạy học miễn phí. Nhờ đó, đến nay, bản thân Trang, không những chịu khó học và biết lắng nghe hơn, mà còn tìm được niềm vui trong cuộc sống.

Bà Lãnh chia sẻ: Ngày trước, cho đi khám nhiều nơi thì người ta bảo cháu bị ngắn lưỡi, không nói được. Bây giờ được như thế này thật quá tốt. Lên trường xong cháu lại về đây học. Anh Trường tàn tật nhưng rất nhiệt tình giúp đỡ, thương Trang lắm. Cứ động viên đưa cháu xuống để giúp cho bé học, không mất tiền nong gì.

Không chỉ riêng Trang, rất nhiều bạn nhỏ ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ đều được gia đình yên tâm gửi gắm đến lớp học của thầy Phùng Văn Trường bởi đến với lớp học nhỏ này, các em học sinh không chỉ được rèn nét chữ, luyện nết người mà còn được giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Bên cạnh đó, với mong muốn hướng các em học sinh đến với văn hóa đọc, anh Phùng Văn Trường còn biến căn phòng nhỏ của mình thành một thư viện, giúp các bạn nhỏ vừa tận dụng được thời gian rảnh rỗi của mình, vừa tiếp cận được với những kiến thức mới.

Em Ðỗ Hồng Quyên, học sinh Trường tiểu học Nam Phương Tiến A, huyện Chương Mỹ chia sẻ: Con đã học ở đây được 5 năm và con thấy thầy rất tốt và dạy dễ hiểu. Cách nói và giảng của thầy rất hay. Theo Trưởng thôn Nhân Lý Lê Văn Ơn, từ khi thầy Trường dạy học, các cháu rất tiến bộ, nhiều cháu chữ rất xấu nhưng sau khi học đã thay đổi tích cực. Thầy Trường luôn trách nhiệm với học sinh, ý nghĩa rất cao cả, là tấm gương để nhiều người khác noi theo.

" Niềm đam mê học giống như một ngọn lửa âm ỉ cháy, luôn thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó. Tôi chỉ mong mình giữ được sức khỏe như hiện tại để có thể dạy chữ, truyền đạt kiến thức nhiều hơn cho các em" - Ðó là chia sẻ của anh Phùng Văn Trường với chúng tôi khi được hỏi anh mong ước điều gì ở thời điểm hiện tại. Và nhìn những tấm bằng khen của UBND thành phố Hà Nội, của nhiều cấp, ban, ngành trao cho anh vì tấm gương tiêu biểu "người tốt, việc tốt", nhìn từng đoàn sinh viên mang sách, mang bàn tới chung tay cùng anh xây dựng thư viện, lớp học, chúng tôi mới có thể phần nào hiểu được sự nỗ lực vươn lên của anh, đã tạo ra sức lan tỏa, truyền lửa tới biết bao con người. Mà hôm nay, những tiếng rộn rã vui cười của các cô cậu học sinh, những nụ cười rạng rỡ, đầy tự tin của người thầy đầy nghị lực trong căn nhà nhỏ là một minh chứng.

Theo nhandan

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready