LỚP HỌC ĐẶC BIỆT CHO TRẺ EM VÙNG SÂU
Lớp học đặc biệt
Những ngày qua, căn nhà của anh Nguyễn Anh Tuấn (thôn Hiệp Bình, xã Quảng Hiệp) bỗng trở nên rộn ràng, náo nhiệt bởi một “bể bơi di động” được đặt tại sân nhà, thu hút đông đảo trẻ em quanh vùng tìm đến. Trên khoảng sân lát xi măng, bể bơi có kích thước rộng 5,1 m, dài 15,6 m và cao 1,2 m được lắp ráp vững chãi. Bên trong bể, các em thiếu nhi hào hứng tập thở nước, lướt nước, đạp chân… theo hướng dẫn của giáo viên, một số em đứng ngoài thích thú quan sát các bạn học bơi và khởi động để chuẩn bị vào bể.
Thầy Mai Văn Chuyền, Chủ nhiệm CLB Vì đàn em thân yêu, giáo viên dạy bơi tại lớp học chia sẻ, ở vùng nông thôn, với đặc thù sản xuất nông nghiệp nên có nhiều ao hồ, sông suối, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước và tai nạn thương tích. Bên cạnh đó, trẻ em vùng sâu thiếu sân chơi trong dịp hè, thời gian qua đã xảy ra những trường hợp đuối nước. Trước thực tế đó, CLB đã cố gắng kết nối các nhà hảo tâm nhằm trang bị “bể bơi di động”, tổ chức dạy bơi miễn phí, nhất là ở các “điểm nóng” về đuối nước thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện, qua đó giúp cho các em biết cách bơi lội.
Giáo viên hướng dẫn kỹ thuật bơi cho học sinh.
Ngay khi phát động, lớp bơi miễn phí đã thu hút 60 em không chỉ ở xã Quảng Hiệp mà còn ở các xã lân cận đăng ký. Các em được chia thành 4 lớp, tham gia học từ 15 - 18 buổi vào chiều thứ sáu và ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Vừa trải qua mấy buổi học bơi, em Lê Hoàng Uyên (học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự, xã Quảng Hiệp) hào hứng: “Lúc trước em khá sợ nước, nhưng khi tham gia lớp bơi, em thấy rất vui và thích thú. Được thầy cô hướng dẫn dễ hiểu, đến nay em đã có thể đạp chân, thở nước, và không còn sợ khi xuống nước nữa”. Còn em Phạm Ngọc Như Ý (thôn Hiệp Nhất, xã Quảng Hiệp) cảm thấy cơ thể khỏe mạnh hơn khi tham gia học bơi. Ý đặt ra mục tiêu sẽ học bơi thật giỏi để rèn luyện bản thân và không phụ lòng thầy cô.
Đến với lớp học, các em không chỉ được trang bị kỹ năng bơi lội, mà còn được hướng dẫn kiến thức về phòng, tránh tai nạn đuối nước, xử lý tình huống khi ở môi trường nước. Mỗi buổi học, có nhiều phụ huynh ở bên ngoài quan sát, ủng hộ nhiệt tình. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh (thôn Hiệp Nhất, xã Quảng Hiệp) hằng ngày đưa cháu đến học bơi trò chuyện: khi biết được thông tin có lớp bơi miễn phí đã đăng ký cho cháu tham gia ngay. Đây là lớp học bổ ích, giúp trẻ em ở nông thôn được tiếp cận, làm quen với môi trường nước, qua đó giúp các em thích ứng cũng như hình thành kỹ năng cho bản thân.
Chung tay vì sự an toàn của trẻ
Đây là năm thứ hai CLB Vì đàn em thân yêu mang “bể bơi di động” đến các thôn, buôn phổ cập bơi miễn phí. Trước đó, năm 2021, sau khi tổ chức thành công lớp bơi tại thôn Hiệp Hưng (xã Quảng Hiệp) cho 90 học sinh, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên lớp học đã phải dừng lại. Năm nay, lớp bơi miễn phí được tổ chức trước kỳ nghỉ hè một tháng với mong muốn có thể tổ chức thêm nhiều lớp ở các địa phương khác.
Các học viên tập luyện các động tác bổ trợ trên cạn trước khi vào bể bơi.
Với mục tiêu đặt ra là 100% học sinh đều biết bơi sau khi kết thúc khóa học, để tổ chức thành công lớp học, ngoài sự cố gắng của CLB còn có sự giúp sức của chính quyền địa phương và người dân. Anh Phạm Văn Khơi, Phó Bí thư Đoàn xã Quảng Hiệp cho biết, khi có chủ trương mở lớp bơi miễn phí tại địa phương, Đoàn xã đã phối hợp cùng CLB lập kế hoạch, phổ biến rộng rãi cho học sinh trên địa bàn xã, quản lý danh sách học sinh cũng như liên hệ địa điểm đặt bể bơi và thực hiện các công tác vận chuyển, lắp đặt, dọn vệ sinh..., qua đó nhận được sự đồng thuận từ người dân. Như gia đình anh Nguyễn Anh Tuấn (thôn Hiệp Bình) từng có con tham gia lớp bơi miễn phí năm 2021 tại thôn Hiệp Hưng, nhận thấy được ý nghĩa của việc học bơi, gia đình anh đã tạo điều kiện cho sử dụng sân nhà làm địa điểm đặt bể bơi cho lớp học.
Bên cạnh đó, không thể không kể đến đội ngũ giáo viên tình nguyện đứng lớp. Hai năm qua, dù không được nhận bất kỳ khoản trợ cấp nào nhưng các thầy cô vẫn nỗ lực, nhiệt huyết giảng dạy. Năm nay, có 9 giáo viên thể dục ở xã Quảng Hiệp và các địa phương khác trên địa bàn huyện tình nguyện tham gia đứng lớp. Cô Lê Thị Hằng, giáo viên Trường THCS Ngô Quyền (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) trải lòng, việc tổ chức lớp học vẫn còn nhiều khó khăn khi các em mới đầu làm quen với môi trường nước, quá trình tập luyện không được trang bị đầy đủ những vật dụng cần thiết như: mũ, kính bơi... Dẫu vậy, ai cũng rất hào hứng và thích thú. Năm thứ hai tham gia chương trình dạy bơi miễn phí cho trẻ em vùng sâu, dù nhà cách địa điểm tổ chức lớp bơi hơn 15 km nhưng cô Hằng vẫn đều đặn đến đúng giờ để tham gia giảng dạy. Bản thân cô cảm thấy rất hạnh phúc và mong muốn có thể giúp được càng nhiều học sinh, đặc biệt các em ở vùng sâu biết bơi và có kỹ năng xử lý các tình huống dưới nước.
Theo baodaklak.vn