Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 15/06/2015

Khai thác và sử dụng hiệu quả, hợp lý hệ thống đảo ở nước ta

(Ảnh minh họa)

Đất nước ta đang bước vào mùa Xuân mới 2015, cũng là thời điểm đánh dấu “nửa chặng đường” cả nước nỗ lực thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 09/2007/NQ-TW tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Tuy chưa toàn diện, nhưng nhiều ngành, lĩnh vực và địa phương đã đạt được các thành tựu đáng ghi nhận ở mức khác nhau, góp phần xây dựng Việt Nam trở thành một “Quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển”. Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 và các hoạt động phi lý “hậu giàn khoan” của Trung Quốc năm 2014 ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đã đặt ra yêu cầu mới đối với việc triển khai thực hiện Chiến lược biển nói trên.

Để thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 trong nửa chặng đường còn lại đòi hỏi phải quyết liệt hơn để tạo ra những “đột phá” trong phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo. Đặc biệt, cần chú trọng khai thác hiệu quả và sử dụng hợp lý hệ thống đảo của nước ta. Khi đó, cùng với kinh tế biển, kinh tế đảo sẽ thực sự góp phần khẳng định “chủ quyền dân sự” của ta trên các vùng biển của Tổ quốc.

Một quốc gia có nhiều đảo

 

Biển nước ta có hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích khoảng 1.700 km2, trong đó có 3 đảo có diện tích lớn hơn 100 km2 (Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang; Cái Bầu thuộc tỉnh Quảng Ninh và Cát Bà thuộc thành phố Hải Phòng), 23 đảo có diện tích lớn hơn 10 km2, 82 đảo có diện tích lớn hơn 1 km2 và khoảng trên 1.400 đảo nhỏ chưa có tên. Các đảo được cấu tạo bởi các thành tạo địa chất tuổi khác nhau, nên hình thù và các đặc trưng về đất, đá cũng rất khác nhau. Độc đáo nhất là quần thể đảo đá vôi bị caxtơ hóa chứa đựng các giá trị toàn cầu và quốc gia phân bố tập trung ở khu vực vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), quần đảo Cát Bà và quần đảo Long Châu (Hải Phòng). Với số lượng đảo như vậy, có thể coi Việt Nam thuộc quốc gia có nhiều đảo - tiềm năng lớn đối với phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền đất nước.

Các đảo của nước ta phân bố chủ yếu ở vùng biển ven bờ (2.773 đảo) từ Bắc vào Nam, tập trung ở vùng biển ven bờ Quảng Ninh-Hải Phòng (khoảng 2.500 đảo) bắt đầu từ đảo Trần (giáp biên giới Trung Quốc) đến quần đảo Long Châu (Hải Phòng). Đảo Bạch Long Vĩ có diện tích khoảng 3,2 km2 khi thủy triều xuống thấp nhất và là đảo tiền tiêu, xa bờ duy nhất nằm ở trung tâm vịnh Bắc Bộ (cách thị trấn Cát Bà khoảng 130km). Hai quần đảo ngoài khơi Hoàng Sa và Trường Sa nằm án ngữ không gian chiến lược giữa Biển Đông với hơn 130 đảo nhỏ, đá, bãi cạn cấu thành chủ yếu từ các rạn san hô.

Đảo là một loại hình hệ sinh thái đặc thù, chúng hợp thành cụm đảo, quần đảo và hệ thống đảo quốc gia. Các đảo của nước ta phân bố tự nhiên thành các tuyến và nhìn từ đất liền ra biển đây là những “phên dậu” bảo vệ lãnh thổ đất liền, ngoài cùng là “tấm bình phong” Hoàng Sa và Trường Sa. Cho nên, về mặt chủ quyền có thể ví mỗi hòn đảo như “một cột mốc chủ quyền tự nhiên”; về mặt an ninh - quốc phòng, mỗi hòn đảo như “một chiến hạm” không thể đánh chìm và về ý nghĩa kinh tế, mỗi hòn đảo là “một hòn ngọc xanh” trên nền biển bạc. Các tuyến đảo và quần đảo như vậy không chỉ có ý nghĩa trong việc kiểm soát các tuyến đường biển qua lại Biển Đông mà còn có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối với đất nước, đặc biệt đảo Phú Quốc ở phía Nam có thể sẽ trở thành một “Singapore thứ hai” nếu kênh Kla được đào cắt ngang bán đảo Malay đoạn thuộc Thái Lan.

Nhiều cụm đảo ở nước ta có thể xây dựng thành các trung tâm kinh tế biển - đảo và dịch vụ hậu cần cho các hoạt động biển xa nói chung và các hoạt động khai thác biển cũng như du lịch biển, đảo nói riêng. Các cụm đảo và khu vực ven biển nước ta kết hợp tạo ra những khu vực có lợi thế địa lý rất quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng và bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển Tổ quốc.

Các đảo, cụm đảo có lợi thế địa lý, diện tích lớn, đông dân cư như Phú Quốc, Vân Đồn, Côn Đảo, Cát Bà, Phú Quý, Lý Sơn,... có thể xây dựng thành các trung tâm kinh tế đảo toàn diện và hiện đại. Các khu kinh tế đảo như vậy đóng vai trò như những “cực phát triển” trong không gian kinh tế biển và có khả năng ảnh hưởng, lan tỏa ra vùng biển xung quanh. Đồng thời là các “đầu mối” tiếp nối quan trọng giữa dải ven biển và các vùng biển phía ngoài. 

Bên cạnh các giá trị cảnh quan nổi, quanh các đảo còn quy tụ các hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi hải sản, đối với phát triển du lịch biển, đảo và nghề cá nói chung, nghề cá giải trí nói riêng. Trên đảo có các làng cá, di tích văn hoá và lịch sử thuần Việt phản ánh “văn hoá vạn chài” hay còn gọi chung là “văn hóa ứng xử biển cả”, góp phần tạo ra các giá trị du lịch nghề cá mà đến nay chưa được khai thác và phát triển theo đúng nghĩa của nó. 

Đến năm 2014, nước ta có 14 huyện đảo, bao gồm 2 huyện đảo ngoài khơi là Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng và Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Các huyện đảo cùng với các xã đảo, thôn đảo là các đơn vị hành chính rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng đối với các vùng biển, ven biển và đảo của Tổ quốc.

Khai thác, sử dụng các đảo như thế nào?

Không ít người cho rằng chúng ta đã khai thác và có kinh nghiệm quản lý biển nhiều hơn so với đảo. Đây là một thực tế đúng vì vẫn có nhiều người đến nay hiểu “biển, đảo” theo một nghĩa chung và đôi khi nghĩ nó như nhau. Nên khi nhìn “biển”, “đảo” tách biệt và cụ thể hơn thì gặp lúng túng trong xử lý thông tin, trong xác định phương thức khai thác và cách thức quản lý. Trên thực tế, kinh tế biển và kinh tế đảo có những khác biệt cơ bản nhìn từ 3 thuộc tính chủ yếu của một hệ thống tự nhiên hay hệ nhân sinh, đó là tính trội, tính đa dụng và tính liên kết.

Kinh tế biển đã được nói đến nhiều và đã hình thành những chuyên ngành kinh tế riêng để nghiên cứu khai thác tiềm năng biển, nhưng nghiêm túc mà nói, đảo và khai thác, quản lý đảo theo đúng nghĩa của nó còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong số hơn 200 đảo lớn nhỏ, con người có thể ra sinh sống và phát triển kinh tế, mới chỉ có 66 đảo với trên 240.000 người sinh sống. Mật độ dân số khoảng 95 người/km2 (năm 2010), riêng đảo Lý Sơn trên 2.000 người/km2 (năm 2014). Gần đây, tại Quyết định số 186/QĐ-TTg ngày 24-1-2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt xây dựng 5 “Đảo Thanh niên” để gắn phát triển kinh tế với bảo vệ biển, đảo. Trong số đó xây 3 đảo mới: Đảo Trần thuộc huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh; đảo Hòn Chuối thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau; đảo Thổ Châu thuộc huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Hiện nay đang tiếp tục đầu tư xây dựng 2 đảo: đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng) và đảo Thanh niên Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị).

Như vậy, vẫn còn khoảng 2.800 đảo nhỏ hoang sơ, không đủ điều kiện con người ra sinh sống mà chỉ thích hợp với đời sống của các loài sinh vật hoang dã khác, vẫn chưa được khai thác, sử dụng và quản lý cụ thể. Năm 2010, Chính phủ đã cho triển khai “Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội hệ thống đảo Việt Nam đến năm 2020” theo cách tiếp cận quy hoạch truyền thống nên số lượng đảo nhỏ hoang sơ nói trên chưa được đề cập xứng tầm. Liên quan đến phát triển “kinh tế đảo”, bên cạnh khai thác, sử dụng các đảo lớn, các nước rất chú trọng các đảo nhỏ, hoang sơ - tiềm năng rất quý cho phát triển kinh tế đảo và cho bảo vệ chủ quyền của một quốc gia.

Ngay cả các đảo lớn có điều kiện cho con người ra sinh sống mà khi khai thác không ưu tiên và nhấn mạnh vào lợi thế biển và vị thế của đảo trong mối quan hệ với không gian biển và đất liền thì vẫn sẽ là sai lầm trong dài hạn. Dù diện tích đảo lớn nhưng ra đảo cũng không thể lấy nông nghiệp làm định hướng chính của kinh tế đảo, nên đã đến lúc cùng với “kinh tế biển” cần tiếp tục làm rõ nội hàm “kinh tế đảo” là thế nào. Nếu quan niệm đúng “kinh tế đảo” thì sẽ có những định hướng phát triển tốt (như các nước khác) và khi đó có lẽ hơn 2.800 hòn đảo nhỏ còn lại mới là những “hòn đảo vàng” trong mắt các nhà đầu tư lớn tầm quốc tế.

Bởi hiện nay, các đảo đẹp và đắt giá trên thế giới được chọn và công nhận hàng năm đều là những hòn đảo thường không có sự sống của con người, có nghĩa là kinh tế đảo phải dựa trên các giá trị và gắn với bảo tồn thiên nhiên biển, đảo (conservation-based economy). Nói cách khác, trục chính của kinh tế đảo nói chung và đặc biệt đối với các đảo nhỏ trong trường hợp của nước ta là du lịch sinh thái gắn với nghề cá giải trí và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Các hoạt động khác được xem là những dịch vụ hỗ trợ cần phát triển nhưng không phải là “mũi nhọn” trong dài hạn. Tùy thuộc lợi thế vùng miền, mỗi cụm đảo và từng đảo riêng biệt, khi quy hoạch chúng ta phải chú ý khai thác tính đặc thù, lợi thế so sánh của nó để không mắc “hội chứng” trong phát triển.

Như vậy, bên cạnh chức năng kinh tế thì đảo có các chức năng quan trọng khác cần phải kết hợp khi lập kế hoạch khai thác, sử dụng. Phát triển kinh tế đảo hiệu quả sẽ giữ được dân, người dân yên tâm sống lâu dài trên đảo và bám biển góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền ở khu vực Biển Đông phức tạp, có chiều hướng kéo dài và chứa đựng yếu tố “khó lường”. Trong bối cảnh như vậy, một nước nhỏ như Việt Nam, cần phải coi trọng vấn đề “chủ quyền dân sự” dựa trên nền tảng chiến lược phát triển kinh tế biển, kinh tế đảo đúng đắn và vững chắc với một tầm nhìn dài hạn.

Mỗi hòn đảo, mỗi cụm đảo, mỗi quần đảo hay mỗi hệ bờ biển (coastal system) đều là một thực thể tự nhiên hoàn chỉnh và được đặc trưng bởi 3 thuộc tính đã nói trên - tính trội, tính đa dụng và tính liên kết. Tìm ra được tính trội chúng ta mới xác định đúng yếu thế, lợi thế so sánh của một hệ thống, vùng biển; biết được tính đa dụng để khi xác định lộ trình trong kế hoạch khai thác sử dụng sẽ dễ dàng tối ưu hóa lợi ích đa ngành, mới tránh được sự “triệt tiêu” tiềm năng của các ngành trong quá trình phát triển; và coi trọng tính liên kết giữa các hệ thống để phát huy cao nhất khả năng hỗ trợ lẫn nhau giữa các vùng miền, để tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, đánh thức tiềm năng của các mảng không gian nằm giữa và xung quanh các hệ thống đảo và vùng ven biển như nói trên.

Bài học nào cho Việt Nam?

Nhìn từ biển vào đất liền, để hỗ trợ phát triển kinh tế đảo hiệu quả vẫn cần tạo dựng và duy trì tính liên kết với đất liền và các khu vực ven biển. Về mặt này, trên thế giới và có lẽ ở ngay Việt Nam đã xuất hiện một số thực tiễn tốt (good practices) có thể nhận thấy từ việc phát triển chuỗi đô thị ven biển từ Bắc vào Nam theo mô hình: cảng - đô thị - khu kinh tế ven biển và biển từ thời Pháp thuộc. Bốn yếu tố cơ bản trong mô hình này là các mảng không gian kinh tế riêng nhưng luôn tác động tương hỗ nhau cùng phát triển trong một “khuôn khổ phát triển toàn diện” (comprehensive development framework - CDF) hướng tới lợi ích chung trong dài hạn.

Thí dụ, thành phố Hải Phòng ra đời từ bến nhỏ Ninh Hải (Cảng Hải Phòng ngày nay) cách đây gần 130 năm và hiện nay đang hướng tới xây dựng một “Thành phố cảng xanh” dựa trên tính trội về biển, đảo. Gần đây, một Đà Nẵng “thay da, đổi thịt” trên nền tảng của mô hình cảng - đô thị xưa nhờ thay đổi nhận thức và tư duy quy hoạch, chú trọng các “lợi thế động” của một hệ thống cơ chế, chính sách mở và hiệu quả. Đà Nẵng đã đánh thức tiềm năng sông Hàn và vịnh Hàn thông qua phát huy tính đa dụng của mỗi cây cầu, của mỗi hệ thống tự nhiên, nhân sinh nhỏ trong tổng thể không gian thành phố nên không chỉ là một thành phố “đáng sống” mà thậm chí mỗi cây cầu nơi đây ngoài chức năng để đi còn là một công trình văn hóa - kiến trúc và một điểm đến của du khách gần xa,...

Hiện nay, Chính phủ chủ trương đánh thức tiềm năng dải ven biển và hệ thống đảo ven bờ miền Trung bằng việc phát triển chuỗi đô thị gắn với cảng nước sâu. Đây là một chủ trương đúng đắn và mang tầm chiến lược, phù hợp với thực tiễn phát triển của nước ta, phát huy được các bài học về mô hình tổ chức không gian kinh tế ven biển nói trên trong bối cảnh hội nhập và chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chuỗi đô thị ven biển gắn với cảng nước sâu và khu kinh tế với một lộ trình đầu tư hiệu quả sẽ tạo ra “nhu cầu nội vùng” cho miền Trung - một khu vực còn “yếu thế” về khả năng “cung” cho kinh tế biển, kinh tế đảo nhưng lại có “lợi thế tĩnh” về tiềm năng phát triển cảng biển, gần tuyến hàng hải quốc tế và khu vực. 

Phù hợp với xu thế thời đại, để thực hiện các chiến lược và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2014-2010, trong lĩnh vực biển, đảo Việt Nam phải từng bước khôn khéo chuyển từ “kinh tế biển nâu” sang “kinh tế biển xanh” dựa vào bảo tồn thiên nhiên và văn hóa biển, đảo. Khi ấy, các ngành nghề mới sẽ xuất hiện, tạo ra công ăn việc làm mới cho người dân ven biển, trên các đảo, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế người dân. Làm thay đổi nhận thức và hành vi cá nhân, người dân sẽ bám biển, làm giàu cho gia đình, quê hương và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn tồn tại tư tưởng “ỷ lại” vào các lợi thế tĩnh (tài nguyên và nguồn nhân lực có sẵn) và cách “chuyển lợi thế thành lợi ích” nhờ xuất khẩu thô các nguồn tài nguyên biển. Chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng và tiết kiệm tài nguyên biển, bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm quốc gia còn chưa được chú trọng đúng mức. Cho nên, bên cạnh thay đổi tư duy, nhận thức, cần đưa ra các giải pháp chính sách “nặng ký” hơn, cơ chế chính sách đặc thù mở hơn đối với biển, đảo nhằm tạo ra những lợi thế động cho kinh tế biển, kinh tế đảo hiệu quả và bền vững. Trong đó, độ mở về thể chế, nâng đẳng cấp công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế biển, kinh tế đảo là những việc cần ưu tiên thực hiện sớm với cách làm bài bản.

Cùng với kinh tế biển, phát triển kinh tế đảo nhanh mạnh, hiệu quả và bền vững chính là để khẳng định khả năng làm chủ thực tế trên những vùng biển, đảo Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Đây cũng là cách tốt nhất thực hiện chủ quyền dân sự của Việt Nam trên biển, tạo điều kiện hiện diện dân sự, góp phần thực hiện một nền quốc phòng toàn dân trên biển. Trong bối cảnh hiện nay, cần ra biển với tâm thức và tư thế mới thông qua thực hiện “4 chữ liên”: liên kết ra biển, liên hoàn hỗ trợ nhau khi hoạt động trên biển, liên thông thông tin để kịp ứng xử với thiên tai và nhân tai và liên tục bám biển. Vừa qua Chính phủ đã kịp thời ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân xây dựng đội quân đánh cá xa bờ hùng mạnh hơn, có tổ chức hơn để làm ăn lớn hơn và có hiệu quả hơn, đích cuối cùng là phát triển một nghề cá có trách nhiệm và bền vững.

Như vậy, phát triển hiệu quả và bền vững kinh tế biển, kinh tế đảo sẽ là trục chính để: 1- Điều chỉnh quan hệ với quốc phòng, an ninh biển, đảo; 2- Gắn với vấn đề sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo; 3- Điều chỉnh và giải quyết các vấn đề xã hội biển, đảo; 4- Tăng cường tính liên kết giữa các mảng không gian kinh tế vùng ven biển (vùng kinh tế động lực) với không gian kinh tế nội địa, không gian kinh tế biển và không gian kinh tế đảo, thậm chí không gian kinh tế đại dương trong tương lai. Điều này cũng đòi hỏi phải nhanh chóng hiện thực hóa phương thức quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, đảo trong tình hình vẫn có tới 15 bộ, ngành quản lý nhà nước về biển trong phạm vi thẩm quyền của mình. Lúng túng trong việc “thể chế hóa” để triển khai phương thức quản lý mới này sẽ tác động tới đà phát triển kinh tế biển, kinh tế đảo và mục tiêu phấn đấu đưa nước ta trở thành một “Quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển” đã được xác định trong Chiến lược biển đến năm 2020./.

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi,

Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready