Còn nữa,  ngày 1/12/2016, em Trần Chí Kiên, học sinh lớp 2, bị ngã gãy xương đùi tại trường Tiểu học Nam Trung Yên ( Hà Nội). Theo lời của Kiên, trong giờ ra chơi, cháu va chạm với ôtô màu xanh nước biển đang di chuyển trong sân trường. Cháu nhận ra trên xe có cô hiệu trưởng và một cô giáo khác. Cô hiệu trưởng đã phủ nhận điều này, và phát phiếu khảo sát cho 100% cán bộ, giáo viên, học sinh trong trường để làm chứng mình không liên quan vụ việc. Sau khi gia đình quyết tìm ra sự công bằng cho cháu Kiên, báo chí vào cuộc, cô hiệu trưởng đã “ chợt nhớ ra vài chi tiết” – những chi tiết khiến cho một sự thật được hé lộ bên cạnh “ sự thật” trước đó cô hiệu trưởng ra sức bảo vệ! Ngay tại một môi trường sư phạm, nơi nuôi dưỡng, gieo mầm nhân cách cho những đứa trẻ mới cắp sách tới trường, đầu óc ngây thơ non nớt, sẵn sàng đón nhận và tiếp thu tất cả, thì bài học đạo đức về tinh thần trách nhiệm, về lòng dũng cảm được cô hiệu trưởng và các giáo viên trong trường dạy qua thực tế như vậy! Các cháu đã tận mắt chứng kiến sự gian dối có qui mô tập thể bởi chính những cô giáo – thần tượng đầu đời của các cháu thực hiện. Các cháu đã được dạy cách nói dối, được dạy cách bao che cho cái xấu. Mai này lớn lên, nếu ấn tượng đó không được gột bỏ, không được khỏa lấp bằng nhiều điều tốt đẹp, tâm hồn đẹp đẽ " nhân chi sơ" của các cháu sẽ đi về đâu?

Ảnh minh họa- Internet

Trở lại câu chuyện của anh Hải Sơn, dư luận cho rằng, có lẽ do niềm tin của con người với nhau đã bị mai một, nên hành động đẹp của anh đã không được ghi nhận trong một phút giây bất thần. Tức là trong xã hội, đã manh nha hiện tượng trước một sự việc, thì nhìn nhận về cái xấu đã đến trước, cái tốt hầu như triệt tiêu trong suy nghĩ  và nếu có là hãn hữu, đến mức nằm ngoài dự tính – như trong trường hợp này. Chưa kể tới hành động “ vô pháp” - xử tội bằng “luật rừng”  của kẻ đâm anh Hải Sơn bằng nhát dao chí mạng kia.

Thật là chua xót, bởi từ khi nào, chúng ta đã nhìn nhau bằng con mắt hoài nghi đến thế?! Từ bao giờ, chúng ta không dễ tin vào những điều tốt đẹp có trong cuộc đời này?! Từ bao giờ, con người ta tự cho mình cái quyền xử người phạm tội thay cho luật pháp? Và đến bao giờ, những vụ việc đau lòng này mới kết thúc?!

Nhưng, có lẽ trên đời, điều tốt đẹp vẫn đang hiển hiện khắp nơi, anh Nguyễn Hải Sơn đã nhận được giúp đỡ của người thân, bạn bè và cả những người chưa từng gặp mặt... Họ sẵn sàng tư vấn về pháp lý, cũng như cách xử lý thông tin để gửi tới báo chí cùng các cơ quan chức năng, và giúp đỡ về vật chất, bởi anh rất nghèo…

 Và, cũng rất kịp thời, sau khi vụ việc Trường tiểu học Nam Trung Yên được lên tiếng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo xem xét, tạm đình chỉ chức vụ của cô hiệu trưởng để chờ kết luận vụ việc. Ngay sau đó, nhiều giáo viên của trường liên tiếp lên tiếng khẳng định hiệu trưởng nhà trường báo cáo sai sự thật về vụ tai nạn, và Bộ trưởng GD&ĐT cho biết sẽ xử lý nghiêm nếu có sai phạm tại đây. Phát biểu với báo chí, nhiều giáo viên của trường cho biết họ đã  rất buồn, không tự tin đến trường vì cảm thấy như danh dự của mình bị hạ thấp…
Như vậy, còn một tín hiệu vui trong các sự việc buồn vừa xảy ra.  Điều đó cho thấy, giữa những cái xấu, điều tốt đẹp đã được nhân lên. Phải chăng hình như đây cũng là một quy luật của cuộc sống, như trong câu chuyện cổ tích, thiện bao giờ cũng thắng ác, cái xấu phải bị loại trừ?
 Hãy tin rằng xã hội đang ngày càng tốt đẹp hơn, và nhiệm vụ của chúng ta là mỗi ngày hãy làm một việc tốt, dù nhỏ, để tố cáo và đẩy lùi cái xấu, góp phần gửi tới tương lai con cháu chúng ta một xã hội tốt đẹp, nhân bản, một xã hội mang đầy đủ dấu ấn và thông điệp của chính chúng ta hôm nay. Hãy gửi cho con cháu chúng ta quả ngọt, bắt đầu từ niềm tin!

Theo dangcongsan