Đại sứ VN tại Indonesia phản bác luận điệu xuyên tạc của Trung Quốc về Biển Đông
Ngày 14.1.2016, Đại sứ Từ Bộ (Xu Bu) có bài viết nhan đề “Duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông” đăng trên tờ Jakarta Post.
Đây là một bài viết mang tính nguỵ biện với nhiều lập luận xuyên tạc trong việc khẳng định chủ quyền “không thể chối cãi” của Trung Quốc ở Biển Đông (?), cũng như hàng loạt bước đi mà Bắc Kinh đã và đang tiến hành ở Biển Đông hiện nay là “đóng góp” cho hòa bình và ổn định khu vực.
Ông Từ đã đưa ra nhiều lập luận để chứng minh rằng Bắc Kinh luôn quyết tâm giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn, luôn mong muốn gác tranh chấp để cùng phát triển.
Ông cũng nhấn mạnh rằng các hoạt động cải tạo và bồi đắp của của Trung Quốc trên các bãi đá và rạn san hô sẽ không ảnh hưởng cũng không nhắm tới bất kỳ quốc gia nào khác; không ảnh hưởng đến tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; sẽ không làm tổn hại đến hệ sinh thái biển; và càng không thể gọi đó là những hành động quân sự hóa.
Bài viết cũng cho rằng Trung Quốc luôn tôn trọng và duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nghiêm túc thực hiện luật pháp quốc tế.
Phản bác lại những lập luận thiếu thuyết phục của Đại sứ Từ Bộ, ngày 25.1, cũng trên tờ Jakarta Post, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn có bài viết tiêu đề “Các diễn biến đáng lo ngại trên Biển Đông” (Disturbing developments in the SCS), đưa ra những thực tế trái ngược hoàn toàn với những tuyên bố của Đại sứ Từ.
Nguyên văn bằng tiếng Việt bài viết của Đại sứ Hoàng Anh Tuấn:
Các diễn biến đáng lo ngại trên Biển Đông
Thế giới bước vào năm 2016 với nhiều thách thức đáng lo ngại với sự đối đầu bất ngờ giữa Iran và Ả Rập Xê Út, việc Triều Tiên thử bom H, cũng như các vụ đánh bom khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ, Burkina Faso, Indonesia và Pakistan.
Bên cạnh những lo ngại về an ninh này còn có những hành động chưa từng có của Trung Quốc ở Biển Đông, điều có thể dẫn đến sự bất ổn ở một khu vực có tầm quan trọng địa chiến lược hàng đầu trên thế giới. Sau khi hoàn thành việc xây dựng các đảo nhân tạo trên các rặng san hô và bãi đá - những nơi mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép, từ ngày 1.1.2016 Trung Quốc bắt đầu tiến hành bay thử máy bay dân sự ra đá Chữ Thập của Việt Nam. Hành động này thể hiện rõ hơn ý định bành trướng của Bắc Kinh ở một khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với giao thương hàng hải ở Đông Nam Á và thế giới.
Nghiêm trọng hơn, theo Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, các chuyến bay của Trung Quốc đã bay qua Vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh. Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) đã không thông báo kế hoạch và mục đích bay cho phía Việt Nam, cho thấy rằng Bắc Kinh không có ý định tuân thủ các quy tắc và luật lệ thông thường. Từ 1 - 8.1.2016, Trung Quốc đã tiến hành 46 chuyến bay trong vùng FIR của Việt Nam quản lý. Điều này không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn vi phạm các quy định như Công ước Chicago 1944 về Hàng không dân dụng quốc tế và các Phụ lục liên quan đến Quy định của Hàng không, đặc biệt là phụ lục 2 và Phụ lục 11, do đó đe dọa an toàn của chuyến bay quốc tế ở khu vực này. Điều đó cho thấy Trung Quốc dường như đang quay lưng lại với các thỏa thuận quốc tế.
Rõ ràng, hành động của Trung Quốc là trái với tuyên bố của nước này rằng việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông không ảnh hưởng đến tự do và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông và hòa bình, ổn định ở Biển Đông vẫn được đảm bảo. Thử tưởng tượng những hậu quả của một vụ va chạm máy bay ở Biển Đông và những tác động của nó đến an toàn, thương mại và an ninh.
Tệ hơn nữa, trong khi hành vi vi phạm của Trung Quốc ở vùng thông báo bay Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục thì từ ngày 16.1.2016, Trung Quốc lại di chuyển giàn khoan Hải Dương-981 đến khu vực giữa thềm lục địa ở miền Trung Việt Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc. Điều này gợi nhớ đến vụ việc giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi năm 2014, gây ra những tổn hại cho mối quan hệ Việt - Trung và dẫn đến bất ổn an ninh cho toàn bộ khu vực.
Các hoạt động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy Bắc Kinh đang sẵn sàng mở rộng quy mô hoạt động trong khu vực và có những bước đi ngày càng nguy hiểm, trái ngược với những tuyên bố của họ về mong muốn có các giải pháp hòa bình, hợp lý và thông qua đàm phán đối với các vấn đề trên. Trung Quốc từ lâu đã thừa nhận rằng Hải Nam là điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc.
Trong khi đó, Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa từ ít nhất thế kỷ 17. Tại Hội nghị San Francisco vào tháng 9.1951, 50 trong số 51 quốc gia tham dự đã không phản đối khi Thủ tướng Trần Văn Hữu của Quốc gia Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời, yêu sách của Trung Quốc liên quan đến hai quần đảo này đã bị 46 trong số 51 nước tham gia bác bỏ hoàn toàn. Bên cạnh đó, Tuyên bố Cairo năm 1943 cũng như Hiệp định Potsdam năm 1945 không có một lời nào đề cập đến sự quản lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo này.
Năm 1957 và 1974, trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Trung Quốc đã tấn công và sau đó chiếm đóng phần phía Tây và tiếp đến là phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc tiến hành một cuộc chiến chớp nhoáng để chiếm đá Gạc Ma (còn gọi là Johnson Reef) và một số đảo đá và bãi đá khác của Việt Nam vào năm 1988. Kể từ thời điểm đó, Trung Quốc tiếp tục hiện diện và chiếm đóng cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong một nỗ lực nhằm thống trị toàn bộ Biển Đông. Với những thực tế này, khó có thể phủ nhận nhận thực tế Trung Quốc đang tìm cách bành trướng ở Biển Đông.
Việc xây dựng và bồi đắp các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa đã đi ngược lại với tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) là nhấn mạnh đến việc duy trì nguyên trạng và không khuyến khích hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình. Hơn nữa, những hành động của Trung Quốc giải thích lý do tại sao các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mất nhiều thời gian đến thế và chưa đạt được những thỏa thuận mang tính thực chất. Với cách ứng xử đó của Trung Quốc, có lý do để tin rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, và cuối cùng khi Trung Quốc ký COC với ASEAN thì họ đã ở một vị thế được củng cố hơn và khi đó Bộ quy tắc này sẽ không tính các lợi ích ưu tiên của ASEAN.
Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là trái với Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam va Trung Quốc và DOC 2002. Sau chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 11.2015 và chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam vào tháng 12.2015, Trung Quốc đã đồng ý kiềm chế không làm phức tạp thêm tình hình. Các hoạt động hiện tại của Trung Quốc ở Biển Đông là trái với những lời hứa đó.
Những gì mà Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN, ông Từ Bộ, viết trên tờ Jakarta Post ngày 14.1.2016 trong bài báo có tựa đề "Duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông” cho thấy rằng khu vực này cần giải quyết vấn đề vượt ra ngoài lời nói. Những việc làm cụ thể sẽ giúp giảm bớt những thách thức để Biển Đông sẽ là biểu trưng cho hòa bình và ổn định trong khu vực ASEAN.
Đặc biệt, Trung Quốc cần phải dừng tất cả các công trình xây dựng các đảo nhân tạo và Trung Quốc phải chấm dứt hành vi làm thay đổi hiện trạng và quân sự hóa Biển Đông.
Trung Quốc phải cam kết duy trì hiện trạng và nhanh chóng chấm dứt việc xây dựng một sân bay tại đá Chữ Thập (Fiery Cross) của Việt Nam vì điều này đe dọa chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Trung Quốc cần phải thực hiện đầy đủ DOC, có thiện chí đạt được một thỏa thuận COC với ASEAN và cam kết giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982.
Đây là ba bước đầu tiên, nhưng là những bước quan trọng để hướng tới việc đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh lâu dài cho khu vực Đông Nam Á, và tất nhiên cũng phù hợp với lợi ích lâu dài của Trung Quốc nữa.
Theo thanhnien