Cử nhân sư phạm bỏ ước mơ dạy học về quê…nuôi gà, trồng rau
“Quý gàn” với khát vọng làm giàu trên xứ cát
Trong một lần tìm hiểu về phong trào Đoàn ở Triệu Phong, chúng tôi được anh Nguyễn Ngọc Tiến, Bí thư huyện Đoàn giới thiệu về một tấm gương cán bộ đoàn nhiệt huyết, giàu nghị lực, biết vượt qua hoàn cảnh để làm giàu trên miền đất cát khô cằn, bỏng rát của vùng đất Triệu Sơn – nơi được đánh giá là nghèo nhất huyện này.
Lần theo thông tin anh Tiến cung cấp, chúng tôi quyết tìm gặp chàng thanh niên trẻ này. Khi hỏi về anh Quý, nhiều người dân xã Triệu Sơn thoáng chút phân vân: Xã này có nhiều Quý lắm, có phải chú muốn hỏi “Quý gàn” không? Chưa thể hình dung được thanh niên này “gàn” đến mức nào, chúng tôi đành hỏi anh Quý làm Bí thư xã Đoàn mới được người dân tận tình chỉ về tận nơi.
Khác với những gì tôi hình dung, người thanh niên tiếp chuyện mình là người khá thật thà, cởi mở và rất vui tính. Có lẽ, người dân nơi đây gọi anh là “Quý gàn” bởi những việc làm của anh có phần “không giống ai”. Đó là sự khác biệt trong cách nghĩ, cách làm của anh đối với đông đảo người dân trên vùng quê còn nhiều khó khăn này.
Anh Quý cho hay, anh tốt nghiệp ngành Sư phạm Giáo dục chính trị, ĐH Sư phạm Huế năm 2012. “Gia đình mình có 6 anh chị em, tuy cuộc sống khá vất vả nhưng vì thương con cái, không muốn con lao động chân tay cực nhọc, ảnh hưởng đến tương lai sau này nên cha mẹ đã cố gắng lao động cật lực để nuôi mấy anh em ăn học tử tế.
Xuất thân từ quê nghèo nên trước khi cắp ba lô lên thành phố theo học, mình cũng đã nuôi ý định làm một điều gì đó để thay đổi cuộc sống gia đình. Từ nhỏ, mình đã rất thích trồng các loại cây cối, chăm sóc vật nuôi nên cũng luôn xác định sẽ theo đuổi ước muốn đó bằng được. Tuy nhiên, mình nghĩ việc trước tiên là phải hoàn thành chương trình Đại học trước nên phải gác lại chuyện khác”, Quý tâm sự.
Nhận thấy đi học là cơ hội thuận lợi góp phần mở ra cánh cửa tương lai cho bản thân. Hơn nữa, đây là dịp để anh tiếp cận thông tin về mọi lĩnh vực của đời sống, tích lũy kiến thức khoa học phục vụ cho niềm đam mê của mình bấy lâu. Cũng chính vì vậy, trong quá trình ngồi trên ghế giảng đường, anh Quý tìm đọc thêm các sách, tư liệu dạy cách trồng trọt, chăn nuôi. Anh cho rằng, đây là tiền đề cho bản thân trong việc thực hiện những ước mơ nhiều năm ấp ủ.
Ngày tốt nghiệp và rời ghế giảng đường, trong khi nhiều bạn bè của anh đều chọn theo con đường giảng dạy thì anh lại bỏ về quê nuôi gà, nuôi chim, với ước muốn thay đổi cuộc sống nghèo khó, làm giàu trên miền đất cát khô cằn của quê hương mình.
Khởi nghiệp với…7 cặp chim bồ câu
Sau khi tốt nghiệp, hành trang anh mang theo khi trở về quê là 7 cặp chim bồ câu mà anh đã mua được từ một người dân ở Huế. Trong suy nghĩ của anh lúc đó, những con bồ câu này tuy giá trị không cao, chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng do anh tích lũy được, nhưng anh xem đây là cơ sở, vốn liếng ban đầu cho hướng phát triển trang trại chăn nuôi của anh sau này. Từ số bồ câu giống ít ỏi này, anh đã chăm sóc và gây dựng dần cho đến khi đàn bồ câu có số lượng lên tới hàng chục, có khi gần trăm con.
Tuy nhiên, với suy nghĩ táo bạo và luôn muốn làm những chuyện khác người, anh luôn dành thời gian suy nghĩ về việc nuôi được những vật nuôi có giá trị kinh tế cao, có sự đầu tư về khoa học kỹ thuật, mở rộng quy mô chứ không dừng lại ở việc nuôi những con bồ câu mà giá bán chỉ vài chục đến trăm ngàn. Sau nhiều lần trăn trở, suy tính, anh quyết định xách ba lô đi đến các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc, vào tận các trang trại để tìm hiểu cách làm.
Qua một năm lang thang hết nơi này đến nơi khác, khi đã tích lũy được chút ít kinh nghiệm thì anh mới trở về nhà. Việc tiếp theo là anh hỏi han anh, em, bạn bè vay mượn được một số tiền rồi quay trở lại Hưng Yên mua một cặp gà Đông Tảo với giá 21 triệu đồng mang về nuôi.
Anh Quý cho biết: "Ban đầu mình cũng có chút e ngại bởi đã bỏ ra một số tiền với mình lúc ấy rất lớn để mua cặp gà này về nuôi. Đây là giống vật nuôi còn khá mới lạ ở vùng quê này, mình cũng không dám chắc nó sẽ thành công nhưng vẫn đánh liều làm thử.
Lúc mới mua về, nhiều người cũng góp lời bàn tán, bởi không có ai dám bỏ ra số tiền lớn như vậy để chỉ mua 2 con gà. Nhưng một khi đã quyết định thì mình sẽ quyết tâm theo đến cùng. Nếu nuôi thành công thì loại gà này sẽ cho giá trị kinh tế cao, vấn đề là tìm được đầu ra để tiêu thụ sản phẩm mà thôi".
Một thời gian sau, nhận thấy gà Đông Tảo có thể sống và sinh trưởng được với điều kiện tự nhiên, khí hậu ở địa phương, anh Quý vay mượn ngân hàng để ra Bắc mua thêm 6 con nữa về làm giống. Đến nay, qua một thời gian dài chăm sóc, anh đã gây dựng được gần 50 con gà giống, loại từ 2-3 kg. Ngoài ra, anh cũng chăm sóc được khoảng hơn 60 gà con Đông Tảo.
Để tìm đầu ra cho sản phẩm, anh nhờ bạn bè liên hệ với các nhà hàng, khách sạn ở Huế, Quảng Trị, Quảng Bình,…rồi vừa phân phối sản phẩm mình nuôi, vừa nhận cung cấp gà thương phẩm. Thông thường khi nhập về, anh chăm sóc thêm khoảng một tháng rồi mới xuất bán. Anh cho hay, giá mỗi kg gà Đông Tảo thương phẩm hiện nay khoảng 600- 700 ngàn đồng.
Tại trang trại của anh còn có giống gà đen, giá trị cao đang được anh chăm sóc, nhân giống. Ngoài ra, anh Quý còn lặn lội vào Lý Sơn, Phú Quốc để mua giống cua đá về nuôi và phân phối. Cua đá là loài rất có giá trị, mỗi kg cua đá thương phẩm cũng đạt từ 350 – 400 ngàn đồng. Với khoảng 400 con bồ câu, gà Đông Tảo, cua đá vừa nhân giống vừa phân phối cũng mang đến nguồn thu cho anh khoảng hơn trăm triệu đồng/năm.
Mơ ước mở rộng trang trại, cung cấp thực phẩm sạch
Nhằm chuẩn bị cơ sở cho việc mở rộng quy mô trang trại, giữa năm 2015 anh Qúy đầu tư hơn 350 triệu đồng để mua 10 con bà lai-sin, đào 2,5 ha để nuôi các loại cá trắm cỏ, mè, rô phi đơn tính, cá chép…Ngoài ra, anh cũng quy hoạch hơn 1 ha để nuôi giun đất nhằm chủ động nguồn thức ăn cho chim, gà, cá.
“Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương, mình luôn ao ước tạo dựng một thương hiệu sản phẩm riêng cho địa phương mình. Cung cấp những sản phẩm sạch, chất lượng tốt nhất ra thị trường. Mình đang liên kết với một số người bạn để phát triển thị trường, tìm đầu ra cho các sản phẩm mình làm được.
Khi đã tạo dựng uy tín rồi sẽ dự định xây dựng nhà hàng “thực dưỡng”, ở đó sẽ là điểm đến, là nơi cung cấp các sản vật chất lượng của quê hương”, anh Quý chia sẻ.
Sau hơn 3 năm vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, ngoài việc tự tạo ra được công việc cho mình, Quý đã tự vạch ra một kế hoạch cụ thể để phát triển kinh tế.
Nói về hướng phát triển trong tương lai, anh Quý tâm sự: "Quê mình tuy còn nghèo khó nhưng mình nhận thấy điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, đất đai còn rộng, nguồn tài nguyên nhiều, vấn đề là chưa khai thác hết mà thôi.
Hiện mình đang làm hồ sơ thuê đất để mở rộng mô hình trang trại trong những năm tới, nhằm phát kiển kinh tế một cách hiệu quả và bền vững hơn. Tuy nhiên, hiện mình đang gặp khó khăn về nguồn vốn nên chưa thể thực hiện được kế hoạch.
Trước mắt, mình sẽ phát triển kinh tế theo hướng lấy ngắn nuôi dài, lấy việc trồng trọt, chăn nuôi làm nền tảng để đầu tư gây dựng các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Tiếp đó, sẽ quy hoạch khu vực trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm một cách hợp lý nhất".
Nguồn doanthanhnien.vn