Cố gắng mỗi ngày để được đi học
Em Nguyễn Huỳnh Cẩm Thu lấy ghế làm bàn khi cần học tại nhà - Ảnh: K.ANH
1- Con ráng tìm việc làm thêm để phụ mẹ
Phòng khách của căn hộ trên lầu 4 chung cư Lê Thị Riêng (Q.10, TP.HCM) toàn màu đất đỏ vì xung quanh là những rổ khoai tây. Đây là công việc mà ba mẹ của nữ sinh Nguyễn Huỳnh Cẩm Thu lớp 12 Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An làm để mưu sinh nuôi ba người con. Chị gái của Thu đang là sinh viên, còn em nhỏ dưới Thu mới hơn 3 tuổi.
Công việc của ba mẹ Thu là lấy hàng từ chợ đầu mối tận Thủ Đức chở về, sau đó sẽ phân ra theo đơn hàng của người ta rồi đi giao. Mỗi năm chỉ có một mùa khoai tây để làm nên thu nhập khá bấp bênh.
"Mùa có khoai tây thì còn có đồng ra đồng vô để lo cho mấy đứa nhỏ. Hết mùa khoai tây, ba sắp nhỏ chạy xe ôm, còn tôi thất nghiệp nên khó khăn chất chồng. Nhưng mà thời nay giá nào cũng phải cho con đi học mới mong nó bớt khổ hơn mình" - chị Huỳnh Thị Đức Hạnh, mẹ của Thu chia sẻ.
Chọn học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên cũng là cách để Thu giảm chi phí cho gia đình. Hằng ngày tất cả bài tập được cô thầy giao, Thu cũng giải quyết tất cả vào giờ ra chơi.
"Tất cả bài tập con đều làm hết trong lớp, vì về nhà không có bàn học, nhà lại đông người khó tập trung. Chỉ hôm nào con không làm bài kịp thì về nhà lấy ghế làm bàn học" - Thu nói.
Thấy ba mẹ khó khăn, Thu cũng tìm việc làm thêm vào mùa hè vừa rồi. Nhưng bây giờ vào năm học, Thu đi xin việc làm buổi tối mà vẫn chưa có. "Con sẽ cố gắng học để tốt nghiệp cấp III. Sau đó con sẽ học một nghề để có việc làm" - Thu bộc bạch.
Con sẽ ráng học để có một nghề, đi làm sẽ bớt khổ hơn cha mẹ mình".
_Nguyễn Huỳnh Cẩm Thu_
Căn hộ ở thuê của Nhà nước chỉ vỏn vẹn 57m2 nhưng có đến 11 người cùng chung sống. Đó là gia đình Thu gồm 5 người, bà Nội và bà cố cùng với gia đình người chú gồm 4 người. Gia đình của Thu là hộ cận nghèo trong phường, dù được quan tâm chia sẻ của UBND phường nhưng cái khó vẫn đeo bám gia đình vì thu nhập từ công việc của cha mẹ Thu cũng khá hạn hẹp.
Bạn chi đội trưởng dễ mến
EM Nguyễn Ngọc Bảo Hân luôn say mê học bài Ảnh: K.ANH
Trái với sự trầm tính của nữ sinh Cẩm Thu, cô học trò Nguyễn Ngọc Bảo Hân, lớp 8 Trường THCS Tân Bình, lại rất sôi nổi, hoạt bát. Bởi lẽ Bảo Hân là một chi đội trưởng được bè bạn nhận định là người rất dễ mến.
Suốt các năm học qua, Bảo Hân đều là học sinh giỏi. Bảo Hân còn là một vận động viên võ thuật đem lại nhiều thành tích cho đội tuyển của trường.
"Lúc nhỏ con được học võ nên con yêu thích môn này. Khi lên cấp II, được thầy cô tập luyện nên con cũng đạt được nhiều huy chương khi tham gia giải thi đấu cấp quận" - Bảo Hân cho hay.
Không chỉ luyện tập môn võ vovinam, Bảo Hân còn luyện thêm môn taekwondo và judo. Đi thi đấu môn nào, Bản Hân cũng đều được huy chương bạc hoặc đồng. "Con tập luyện võ thuật để rèn sức khỏe và thoải mái tinh thần sau những giờ học bài căng thẳng" - Bảo Hân chia sẻ.
Mới 14 tuổi đầu nhưng chị hai Bảo Hân đã tự lập mọi việc, phụ ba chăm em nhỏ 5 tuổi. Ngay cả trong học tập, Hân không đợi ba nhắc nhở. Mỗi sáng em dạy từ 5 giờ sáng để học thuộc bài.
Con mơ ước làm bác sĩ để giúp người bệnh và có điều kiện phụ ba lo cho em của con".
_Nguyễn Ngọc Bảo Hân _
Mọi việc cô nữ sinh phải tự lo cho mình và đứa em nhỏ. Bởi lẽ từ ngày ba mẹ chia tay nhau, mẹ đi nơi khác còn ba cha con Bảo Hân dọn về ở nhờ nhà nội gần chợ Hòa Hưng (Q.10).
Đồng lương của anh Nguyễn Đương Hoài (ban chỉ huy quân sự phường 15, Q.10) lo cho hai con ăn học nên cũng chật vật. Lòng anh luôn chất chứa nhiều lo toan. Nhưng bù đắp cho những lo toan của người cha "gà trống nuôi con" đấy là những điểm số 9, 10 của cô con gái Bảo Hân.
Từng tham gia phong trào Đội từ lớp 4 với vai trò liên đội phó của Trường tiểu học Bành Văn Trân nên Bảo Hân rất nhanh nhẹn. Mọi sinh hoạt được triển khai từ phong trào Đội, cô chi đội trưởng đều rủ rỉ đến các bạn trong lớp để mọi người đều tham gia. Nhờ thế phong trào của lớp Bảo Hân luôn được nhà trường khen ngợi.
Theo tuoitre