Chuyện nhỏ mà khó!
Từ xài đồ “mượn”...
Trong hàng trăm chuyện nhỏ ấy có việc “thích xài đồ của người khác” bằng từ “mượn”, điển hình nhất là việc “mượn” sách quên trả đến nỗi bây giờ có câu truyền miệng “người cho mượn sách là người ngu, kẻ trả sách còn ngu hơn”. Nhà anh bạn tôi có một tủ sách, ban đầu khi bạn bè qua nhà chơi anh còn chủ động gợi ý bạn mượn.
Đến khi có quá nhiều bạn “mượn” mà không trả, mở miệng đòi thì ngại, lại có lúc đòi thì họ bảo “Mình chưa trả cậu à? Để mình về tìm lại” và tiếp tục rơi vào quên lãng, anh đâm ra “ích kỷ” hẳn. Từ đó bạn tôi thẳng thừng từ chối những lời mượn sách, anh nghĩ thà như vậy sẽ làm buồn lòng bạn một chút còn hơn...
Ngoài sách còn nhiều thứ khác mà người ta thích xài nhưng không thích mua. Chắc chỉ có sinh viên ngành kiến trúc, mỹ thuật mới hiểu nỗi khổ của việc cho bạn bè mượn dụng cụ (bộ thước vẽ, compa, bột màu...).
Những bộ dụng cụ này là cả một gia tài đối với sinh viên nghèo xa quê, vậy mà có người mượn lại quá vô tư, sử dụng không cẩn thận, thậm chí... không muốn trả, ai nhắc nhở thì bị cho là keo kiệt, không hết mình vì bạn bè...
Sinh viên sẽ còn khối chuyện mà nhiều bạn thiếu tử tế vẫn làm: mượn tiền tiêu vặt chậm hoặc “quên” trả, mượn xe chạy đến hết xăng “quên” đổ khi trả xe, mượn điện thoại bạn gọi thoải mái, xài vô tư vật dụng sinh hoạt hằng ngày như bàn ủi, máy sấy tóc, bột giặt, dầu gội, xà bông... của bạn cùng phòng trọ.
Đừng nghĩ bạn bè thì những thứ ấy là nhỏ nhặt. Ai cũng có những hoàn cảnh riêng của họ, nếu xem nhau như bạn thân thì tốt nhất tự xài đồ của mình.
... Đến “cầm nhầm”
Chuyện xài đồ người khác một cách vô ý vô tứ và hay quên trả dĩ nhiên là không tử tế nhưng ít ra vẫn còn lời “hỏi mượn”. Có chuyện còn tệ hơn đang tiếp diễn hằng ngày trong cuộc sống quanh ta, đó là việc “cầm nhầm”. Nếu hành vi trộm cắp hiểu nôm na là hễ thấy tài sản của ai đó để hớ hênh họ sẽ chiếm đoạt trái phép thì “cầm nhầm” ở đây là chuyện khác.
Một chiều cuối tuần nhóm bạn tôi họp mặt sau giờ làm. Có một anh trong nhóm đến trễ, người ướt sũng, vẻ mặt bực tức, anh giải thích rằng sáng nay đi làm trời lâm râm phải mặc áo mưa, đến công ty anh phơi áo mưa trên yên xe. Chiều tan ca trời lại đổ mưa, xuống bãi xe anh thấy mất tiêu cái áo mưa đang phơi.
Áo mưa, mũ bảo hiểm... là những vật dễ bị “cầm nhầm” nhất trong bãi xe.
Có lần tôi chứng kiến tại một quán lẩu dê (Q.1, TP.HCM), thực khách và người trông xe cho quán đánh nhau suýt đổ máu chỉ vì cái mũ bảo hiểm.
Chuyện là anh này vào quán nhậu với bạn bè, khi ra về phát hiện mất mũ bảo hiểm. Anh đến phản ảnh với người trông xe thì nhận được câu trả lời là họ không có trách nhiệm giữ vật dụng trên xe. Sau một hồi đôi co không thành, anh chàng này đã ngang ngược tuyên bố sẽ lấy đại một mũ bảo hiểm của ai đó đội về.
Người trông xe dứt khoát không cho vì nói: “Dù không có trách nhiệm giữ vật dụng trên xe nhưng vì chính mắt thấy anh lấy mũ của khách khác nên phải ngăn chặn”. Thế là cãi nhau rồi xô xát, may mà chủ quán can thiệp kịp thời.
Câu chuyện rút ra hai người không tử tế như nhau: thực khách nào đó không có mũ bảo hiểm vì một lý do gì đó đã lấy mũ của anh chàng trên sử dụng, đó là điều thiếu tử tế; anh chàng trên khi mất mũ bèn lấy đại mũ ai đó cũng là điều thiếu tử tế.
Nhiều người hay xuề xòa mấy chuyện trên chỉ là chuyện nhỏ (!?). Tôi thì băn khoăn chuyện nhỏ như thế mà còn không tử tế với nhau thì mong đợi gì nữa?
TheoTuoitre (NM)