Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 21/05/2018

Chiếc giỏ rác đặc biệt của người đàn ông 68 tuổi

Chiếc giỏ rác đặc biệt của người đàn ông 68 tuổi - Ảnh 1.

Ông Túc cần mẫn đan những chiếc sọt đựng rác từ dây ni-lông thu nhặt được từ các cơ sở gạch men - Ảnh: PHÙNG TÂM

Không biết từ bao giờ, người dân trên tuyến đường Hà Mục, phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) trở nên quá quen thuộc với hình ảnh người đàn ông tuổi lục tuần ngồi đan những chiếc sọt rác đủ màu bên vệ đường.

Người đàn ông ấy là Đoàn Túc (68 tuổi), khu dân cư số 19, phường Hòa Thọ Đông. Những chiếc sọt được ông đan xong có dòng chữ "Chi hội nông dân khu dân cư số 19 vì môi trường thân thiện".

Vì khu dân cư sạch đẹp

Công việc đan sọt rác của ông Túc bắt đầu cách đây hơn hai năm. Ông nhớ lại: "Lúc đó khu dân cư số 19 này còn bừa bộn lắm. Người dân khu phố đựng rác trong những thùng xốp, có nhà đựng trong thùng nhựa không có nắp.

 

Mỗi khi mưa đến nước đọng lại nhìn rất bẩn, ruồi muỗi cũng từ đó phát sinh. Lúc đó, tôi nghĩ phải có dụng cụ đựng rác để làm sạch tuyến đường mà nhân viên vệ sinh cũng thuận tiện trong việc thu gom, dọn dẹp".

Sau thời gian tìm hiểu, ông Túc nhận thấy các sản phẩm làm từ dây ni-lông phế thải từ bao gói gạch men và vật liệu xây dựng có độ bền chắc, có thể sử dụng được lâu dài. Ông quyết định chọn thứ vật liệu này và bắt tay đan những chiếc giỏ đựng rác.

Những vật liệu này đều một tay ông Túc đi nhặt, xin từ các cơ sở sản xuất và buôn bán gạch men. "Hàng tuần, tôi đến các cơ sở gạch men phụ việc cùng họ rồi xin những sợi dây ni-lông bỏ đem về nhà để làm. Đây là vật liệu khó phân hủy, nếu mình không dùng mà để họ thải bỏ ra môi trường cũng góp phần gây ô nhiễm" - ông Túc nói.

Vốn là một thợ may mui nệm, công việc đan sọt đối với ông Túc không mấy vất vả. Dù kỹ thuật không có gì khó nhưng ông Túc bảo rằng công việc này mất rất nhiều thời gian. Một ngày cặm cụi chỉ làm được ba sản phẩm.

Do vậy để làm ra được nhiều sọt rác đòi hỏi người làm phải nhẫn nại và kiên trì. Mỗi chiếc sọt rác cao tầm 50 cm, rộng khoảng 40 cm rất vừa vặn cho mục đích sử dụng.

Ban đầu, ông Túc đặt những giỏ đựng rác tại các ngã ba, ngã tư của khu phố. Về sau, khi thấy sự tiện ích của nó, người dân xung quanh đến đặt mua các sản phẩm do chính tay ông làm ra.

Tại đây, gia đình nào cũng đều sở hữu cho mình một chiếc giỏ rác như vậy. Và cũng từ đó, những chiếc giỏ rác đủ màu sắc đã trở thành "thương hiệu" của khu phố.

Chiếc giỏ rác đặc biệt của người đàn ông 68 tuổi - Ảnh 2.

Từ khi có chiếc sọt đựng rác, người dân khu dân cư số 19 ý thức hơn trong việc giữ vệ sinh môi trường khu phố

Công việc mang đến niềm vui

Tại mảnh đất nhỏ bên vệ đường, hơn hai năm qua hàng trăm chiếc giỏ rác đủ màu sắc ra đời như một món quà nhỏ trong việc chung tay bảo vệ môi trường. Mỗi chiếc giỏ ông bán cho người dân với giá 30.000 đồng.

Không chỉ bán cho người dân địa phương, ông còn bán cho những ai có yêu cầu. Bà con trong khu dân cư không ngần ngại giới thiệu cho người thân, bạn bè ủng hộ cho hành động đẹp góp phần giữ gìn môi trường thêm xanh, sạch, đẹp của ông Túc.

Từ ngày có sự xuất hiện của những sọt rác đặc biệt, khu phố trở nên sạch sẽ và tươm tất hơn rất nhiều. Bà Phạm Thị Nhung (80 tuổi), người dân sống tại khu dân cư số 19, chia sẻ: "Gia đình tôi đã sử dụng giỏ rác này được gần một năm rồi. Giỏ rác rất bền, chắc và đẹp. Từ ngày có những giỏ chứa rác này, khu phố trở nên sạch đẹp hơn".

Bên cạnh sản phẩm giỏ đựng rác từ sợi ni-lông phế thải, ông Túc còn vận dụng và cho ra đời những vật dụng tái chế khác. Các sản phẩm của ông là điển hình cho mô hình bảo vệ môi trường kiểu mới mà Hội Nông dân phường Hòa Thọ Đông đang thí điểm.

Tâm sự về dự định của mình, ông bộc bạch: "Tôi vẫn sẽ tiếp tục công việc này, nhìn những người dân tại đây thích thú với sản phẩm của mình tôi vui lắm. Nếu ai có nhu cầu tôi sẵn sàng làm".

Với ông việc hàng ngày ngồi đan những chiếc giỏ mang đến cho ông niềm vui và hạnh phúc khi đem chút sức giúp ích cho đời.

Theo tuoitre

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready