Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 17/05/2013

CẦN TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH

 CẦN TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH

Trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong cho trẻ nhiều nhất hiện nay có thể kể đến là tai nạn đuối nước. Do đó việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đang thực sự là bài toán cần giải đáp.

Những hồi chuông cảnh tỉnh

Như Báo Dak Lak đã đưa tin, khoảng 9 giờ sáng 14-5, một nhóm học sinh Trường THCS Hồ Tùng Mậu (huyện Buôn Đôn) rủ nhau ra một hồ nước chơi thì gặp nạn khiến 4 em bị chết đuối. Nơi xảy ra tai nạn thương tâm trên được xác định là khu vực lòng hồ thủy điện Sêrêpôk 4 (địa phận thôn Ea Duất, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn). Vào thời điểm trên, một nhóm học sinh lớp 6A, Trường THCS Hồ Tùng Mậu (huyện Buôn Đôn) được nghỉ học sớm đã rủ nhau ra hồ chứa nước thủy điện Sêrêpôk 4 chơi. Tại đây 5 học sinh đã rủ nhau men theo đoạn đường giao thông trước đây, nay đã chìm dưới đáy do việc tích nước cho hồ thủy điện. Các em đã bị hụt chân xuống rãnh sâu dưới lòng hồ và bị chìm sâu dưới nước. Lúc này, những học sinh còn lại trên bờ mới hoảng loạn kêu cứu. Mặc dù người dân sống gần đó đã nhanh chóng tổ chức cứu vớt, nhưng do nước sâu, việc cứu vớt gặp nhiều khó khăn nên chỉ kịp cứu được 1 cháu, 4 em còn lại đã tắt thở trước khi được vớt lên bờ.

Trước đó, tại xã Ea Ning, huyện Cư Kuin cũng đã xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm, làm 4 học sinh nữ lớp 9A trường Trung học cơ sở Cư Kuin thiệt mạng. Vào buổi chiều định mệnh nói trên, học sinh lớp 9A2 đi học thêm môn Hóa học, đến hơn 15 giờ chiều thì lớp tan học và ra về. Cả 4 nữ sinh nói trên là bạn chơi thân nên đã rủ nhau cùng về nhà em Huyền ở thôn 14 xã Ea Ning chơi. Nhà Huyền ở cạnh hồ nuôi cá thôn 14, khi về đến nhà Huyền, cả nhóm thấy một chiếc thuyền tôn để sát cạnh bờ đã dựng xe và bỏ cặp sách trước cổng nhà Huyền rồi cùng lên thuyền chèo ra hồ chơi. Và sự việc đau lòng trên đã xảy ra.

Thời tiết nóng bức cùng với việc quản lý giờ giấc của học sinh giữa gia đình và nhà trường không rạch ròi dễ dẫn đến việc các em ra sông, hồ tắm và chết đuối. Hàng loạt vụ học sinh chết đuối thương tâm đã xảy ra nhiều nơi và đã đến lúc báo động tình trạng học sinh chết đuối, nhất là khi chuẩn bị bước vào mùa hè.

Cần năng động trong giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Tai nạn đuối nước thực sự là một vấn đề gây nhiều lo lắng trong cộng đồng, ảnh hưởng đến tâm lý của mỗi gia đình và nghiêm trọng hơn là đến sự sống còn và phát triển của trẻ em. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước nhưng phần lớn chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh và nhà trường chưa giám sát trẻ một cách chặt chẽ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để con trẻ tự do vui chơi. Bên cạnh đó, môi trường không đảm bảo an toàn cho trẻ có khắp nơi, đặc biệt ở Dak Lak với điều kiện tự nhiên nhiều đồi dốc và sông suối, ao, hồ, đây chính là mối hiểm họa tiềm tàng gây tai nạn đuối nước. Không chỉ sau vụ tai nạn tại huyện Buôn Đôn, vấn đề dạy - học bơi trong nhà trường mới được đặt ra. Từ rất lâu, đề nghị ở những vùng có nhiều sông suối, ao hồ các trường nên đưa học bơi vào chương trình giáo dục thể chất bắt buộc đã được nhắc đến. Có trang bị kỹ năng phòng vệ trên sông nước mới mong hạn chế tình trạng học sinh chết đuối. Tuy nhiên, với điều kiện thực tế hiện nay, đa phần các trường học vẫn chưa đủ điều kiện để dạy bơi cho học sinh. Nhiều phụ huynh cũng ít có thời gian để hướng dẫn con em phòng chống đuối nước. Thế nhưng điều kiện khách quan ấy không hẳn đã làm "bó tay" ngành giáo dục, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh không nhất nhất là phải đầy đủ cơ sở hạ tầng. Mới đây trên Thethaovanhoa.vn đã giới thiệu một phương pháp phòng tránh đuối nước cơ bản cho trẻ em với phương pháp "bơi tự cứu". Việc học bơi trên cạn, không cần bể bơi này sẽ không thể bằng phương pháp bơi thực tế trong nước, song nó cũng cung cấp những phương pháp cơ bản nếu không may trẻ gặp sự cố. Cụ thể nó trải qua 4 bước cơ bản: Đầu tiên, khi chìm xuống nước, ta phải nhắm mắt, nín thở (có thể lấy tay bịt mũi) để phổi không bị sặc nước, và nó sẽ phồng ra thành "phao cứu sinh" đẩy người nổi lên. Tiếp đó, bình tĩnh thả lỏng người để nước đẩy lên vào tư thế "bập bênh bán an toàn", để đầu nhấp nhô trên mặt nước. Tiếp theo, tận dụng việc trong nước người nhẹ, người bơi đẩy đầu nhô hẳn lên mặt nước để thở. Và cứ thế, người bơi tiến hành "bơi tự cứu" gồm hít thở và thả nổi. Đây không hẳn là bơi, nhưng với cách này, ta có thể tồn tại dưới nước khá lâu để chờ người đến cứu hoặc lợi dụng dòng chảy để về nơi nông hơn. Các bước trên, trẻ có thể luyện tập dần dần trên cạn được. Đồng thời, phương pháp trên cũng không đòi hỏi hạ tầng, thiết bị đặc thù hay đội ngũ giáo viên đông đảo nên có thể áp dụng trên diện rộng được.

"Bơi tự cứu", học bơi mà không cần xuống nước là một trong những phương pháp các trường học nên tìm hiểu. Ảnh: Minh họa

Rõ ràng có rất nhiều cách để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Nhưng chúng ta nhận thức được và áp dụng phương pháp ấy ra sao mới thực sự là vấn đề. Mới đây trong khuôn khổ đợt đánh giá định kỳ lần thứ hai  của Ngân hàng Thế giới (WB) và các nhà tài trợ đối với Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (Dự án GPE-VNEN), ông Suhas Parandekar, Trưởng nhóm phụ trách Dự án GPE-VNEN của WB đã ví von một cách rất hay về tình trạng giáo dục Việt Nam hiện nay mà chúng ta phải suy nghĩ: "Khi dạy học sinh về hình ảnh bầu trời trước cơn mưa, học sinh cứ phải tìm hình ảnh ấy thông qua việc đọc những con chữ trên giấy, trong khi bầu trời bên ngoài đang vần vũ sắp mưa thì giáo viên không cho học sinh ra xem".

Theo: Giang Nam (Báo Dak Lak)

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready