Yêu tình nguyện
Không chùn lòng, nản chí
|
Theo Hoàng Công Nhớ, Chủ nhiệm CLB Trái tim hồng, có nhiều người từng hỏi bạn thời nay cơm áo gạo tiền, ai cũng chỉ lo chăm chút cho bản thân mình mà ít khi nào nghĩ đến cộng đồng, xã hội, vậy lý do gì mà bạn chọn công việc tình nguyện? “Mình đã trả lời bản thân xem hoạt động thiện nguyện là niềm đam mê, luôn muốn được sẻ chia, muốn được chung tay vì cộng đồng”, Công Nhớ chia sẻ.
Chẳng phải riêng chàng trai này, mà hàng ngàn bạn trẻ tham gia các CLB, đội, nhóm tình nguyện cũng vì niềm đam mê ấy. Họ “phải lòng” và trót yêu hai chữ tình nguyện, để rồi bất cứ lúc nào cũng có thể lên đường, đem niềm vui đến với những trẻ em, người dân ở khắp các vùng miền.
Trần Thị Hồng Phúc, Chủ nhiệm CLB tình nguyện Vì cộng đồng Đồng Tháp, cho biết từng bị nhiều người chê là “làm chuyện bao đồng”, “chuyện nhà không lo đi lo chuyện thiên hạ”... “Nhưng thật sự, làm tình nguyện là một niềm đam mê, ai làm tình nguyện đều sẽ hiểu. Còn trẻ, chúng mình muốn cống hiến hết mình cho đất nước, quê hương, muốn làm công dân tốt và có ích. Và sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”, Hồng Phúc nói.
Có nhiều nỗi niềm, khó khăn mà nhiều tình nguyện viên luôn trăn trở, trong đó có vấn đề kinh phí để hoạt động. Họ luôn gặp phải tình cảnh “dư đam mê, thừa nhiệt tình nhưng... thiếu kinh phí tổ chức hoạt động”. Vậy nhưng Văn Hận, Chủ nhiệm CLB Vòng tay ấm, thổ lộ: “Có lẽ khi sinh ra đã có máu yêu tình nguyện. Nó như là niềm đam mê, là khao khát, nên mình không quản ngại khó khăn gian khổ, vẫn miệt mài tình nguyện đến hôm nay”.
Rất nhiều thành viên CLB Trái tim hồng xuất thân từ nông thôn, gia đình khó khăn nên đã thấu hiểu được sự khó khăn của những mảnh đời, những hoàn cảnh khó khăn đang hiện diện xung quanh mình. Và đó là động lực để tiếp lửa tình nguyện cho mỗi thành viên, giúp họ không bao giờ nản chí, chùn lòng trước những trở ngại.
Bán bắp và bán báo
Đó là cách để gây quỹ hoạt động tình nguyện của CLB Vòng tay ấm. Nguyễn Lê Thùy Dung, Phó chủ nhiệm CLB, cho biết có những chuyến tình nguyện gần đến ngày đi phát quà mà kinh phí vẫn chưa đủ, vậy là CLB nghĩ nhiều cách, nhất là việc tăng cường bán báo, bán bắp mỗi ngày thay vì chỉ bán cuối tuần. “Những khi ấy các thành viên phải chạy đôn chạy đáo, tận dụng tối đa thời gian, tranh thủ sau giờ học, giờ làm là chạy đi bán ngay, dù mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn ngập tràn sự nhiệt tình vì hoạt động tình nguyện”, Thùy Dung tâm sự.
Với CLB bản lĩnh sống Sư tử trẻ, để có kinh phí tổ chức các hoạt động như: rèn luyện kỹ năng và bản lĩnh sống cho giới trẻ hoàn toàn miễn phí, sản xuất các đoạn phim, ảnh mang tính chất giáo dục... không ít lần các thành viên đã cùng nhau thức trắng đêm nấu nước sâm bán cho sinh viên.
Ngoài ra, trước áp lực khó khăn về tài chính, nhưng luôn mong có thể giúp đỡ được nhiều người hơn, trao tặng những món quà giá trị hơn cho những mảnh đời khó khăn, nhiều CLB tình nguyện đã lóe lên nhiều ý tưởng như: tổ chức nuôi heo đất, tự kinh doanh đồ làm bằng tay, bán hoa vào các dịp lễ, tổ chức chương trình ca nhạc, đấu giá gây quỹ từ thiện, và cả việc cùng… đi bán vé số để gây quỹ hoạt động.
Nhờ vậy, bước chân của những tình nguyện viên đã in dấu khắp nẻo đường Tổ quốc. Nhiều hoạt động, chương trình đã trở thành thương hiệu của các CLB, đội, nhóm tình nguyện trong những năm qua, như: “Bữa cơm yêu thương”, trao suất ăn cho các bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu... của CLB Gió yêu thương; “Chia sẻ nỗ lực sống” nhằm giúp các em khuyết tật tự tin hơn trong cuộc sống của CLB công tác xã hội Nhân ái; "Vì trẻ em yêu thương" (dạy học cho các em ở mái ấm, đường phố) của CLB Lửa yêu thương…
Công Nhớ tâm sự: “Cuộc sống này có rất nhiều mảnh đời bất hạnh, rất nhiều vùng miền còn gặp khó khăn cần được giúp đỡ, nên ước gì ngày càng có nhiều bạn trẻ làm thiện nguyện, làm cầu nối tình thương giữa cộng đồng với những hoàn cảnh đáng thương”.
Bình luận
Duy Cường
Thu Nguyệt
Bảo Trinh |
Khi người ta trẻ: Đừng vội vàng đánh giá người khác Chàng trai mặc áo ngắn tay để lộ những hình xăm vằn vện, chạy chiếc xe khá hầm hố. Dọc đường anh ta nhận được không biết bao cái liếc dọc liếc ngang, những ánh nhìn dò xét, kèm theo đó là lời quở trách: “chắc là người hư hỏng”, “nhìn bặm trợn thấy ghê”… Thoáng thấy em bé khiếm thị ăn xin ngồi bên vỉa hè, chàng trai dừng xe, hỏi han và tặng món tiền. Em bé mỉm cười hạnh phúc. Trên đường bao người vẫn tất tả ngược xuôi.
Hai cô gái váy ngắn sành điệu, cô với mái tóc tém cá tính, cô thì tóc nhuộm vàng. Đã có những lời xì xào, bĩu môi chỉ trích: “con gái chẳng ra con gái”, “đúng là thanh niên thời nay ăn chơi quá mức”. Chiều tan tầm, cụ già bán vé số chẳng thể qua đường khi dòng người đông đúc. Ai cũng vội vã chen nhau. Hai cô gái tấp xe vào lề, người mua một tờ vé số giúp, người vừa dắt cụ già vừa ra hiệu xin qua đường. Đã bao giờ bạn là “những người đi đường” vô tâm, khi chỉ biết đánh giá người khác một cách phiến diện qua vẻ bề ngoài? Đó là sai lầm. Một người có bề ngoài chưa đẹp, thậm chí là xấu xí, nhưng không hẳn họ không có nhân cách đẹp. Và, một người có bề ngoài tuyệt vời đâu chắc rằng họ có tâm hồn đẹp, đúng không? Thế nên, khi nhận xét một người nào đó, đừng quá vội vàng, hãy nhìn những gì họ hành động, nhìn thật sâu sắc và khách quan. Kẻo lỡ vô tình đánh giá sai về những người thật sự tốt. Nhã Uyên |
Theo thanhnien