|
Một số ĐBQH cho rằng thực chất sửa đổi luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) lần này liên quan đến 4 điều về việc phong hàm, bổ nhiệm sĩ quan, tướng lĩnh quân đội. Theo dự án luật, Chính phủ vẫn giữ nguyên quy định 3 quân hàm đại tướng với Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Tổng tham mưu trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng.
“Giờ thì đi đâu cũng gặp tướng”
ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng số lượng sĩ quan quân đội có quân hàm cấp tướng hiện nay khoảng 8%, đã là quá lớn. “Cơ quan soạn thảo luật có xây dựng trần khống chế tỷ lệ tướng trong quân đội, đặt vấn đề giảm xuống 5% có được không”, ĐB Sơn đặt câu hỏi. Theo ĐB Sơn, việc phong, thăng cấp tướng, nếu có cũng cần hướng theo nguyên tắc để từng bước xây dựng quân đội VN hiện đại, tinh nhuệ chứ không phải giải quyết vấn đề chế độ, chính sách.
|
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói rằng trong thời chiến, nghe tên một người có chức vụ thiếu tá đã là ghê gớm lắm, nhưng “giờ thì đi đâu cũng gặp tướng”. “Trong chiến tranh, quân đội của ta vận hành dưới tay chỉ 36 tướng. Nay số lượng tướng tăng gấp nhiều lần, có đồng nghĩa với việc sức mạnh quân đội cũng tăng tương ứng ngần ấy?”, ĐB Thuyền băn khoăn.
ĐB Nguyễn Xuân Tỷ (Bến Tre) cho biết bản thân ông có thâm niên 41 năm tham gia quân đội, 14 năm cầm súng trực tiếp chiến đấu ở chiến trường mà cũng mất 17 năm đeo quân hàm đại tá mới được lên tướng. Nhưng hiện nay nhiều sĩ quan chưa từng chiến đấu ngày nào cũng được phong tướng. “Chính điều này khiến những người lính tác chiến cảm thấy chạnh lòng”, ĐB Tỷ nói.
Nhiều ĐB cho rằng cần xem xét lại việc phong tướng ở một số chức danh, đặc biệt là ở các cơ sở giảng dạy. Theo đó đối với học viện, như các nhà trường, cần các chức danh giáo sư, tiến sĩ… chứ không phải là hàm cấp tướng. “Nếu chúng ta làm theo cách này thì Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phải là Ủy viên Bộ Chính trị”, ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) nói. Nhiều ĐB cũng bày tỏ không đồng tình với đề nghị phong hàm thiếu tướng cho Chủ nhiệm Khoa Mác-Lê Nin và Chủ nhiệm Khoa Quân chủng; phong hàm thượng tướng với Giám đốc Học viện Quốc phòng.
Đề xuất Bộ Công an chỉ có một đại tướng
Đây là quan điểm của Ủy ban Thường vụ QH đưa ra trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự thảo luật Công an nhân dân (sửa đổi) trình QH chiều qua.
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết liên quan đến cấp bậc hàm đại tướng, có một số ý kiến tán thành với dự thảo luật Công an nhân dân (sửa đổi) do Chính phủ trình. Theo đó, các chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an và Thứ trưởng, Phó bí thư Đảng ủy Công an T.Ư có cấp hàm đại tướng. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cấp bậc hàm đối với chức vụ Thứ trưởng, Phó bí thư Đảng ủy Công an T.Ư là thượng tướng.
Theo Ủy ban Thường vụ QH, chức vụ Thứ trưởng, Phó bí thư Đảng ủy Công an T.Ư là cấp phó của Bộ trưởng Bộ Công an, giúp Bộ trưởng (đồng thời là Bí thư Đảng ủy Công an T.Ư) thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó có nhiệm vụ về công tác đảng. Chức vụ thứ trưởng, phó bí thư giúp việc cho bộ trưởng, bí thư cần bố trí thấp hơn một bậc để đảm bảo thống nhất trong bộ máy Đảng, Nhà nước. Đồng thời chức vụ này cũng khác chức vụ Tổng tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND VN do Hiến pháp quy định được Chủ tịch nước bổ nhiệm và có trần quân hàm đại tướng.
Quân đội có khoảng 480 tướng Phát biểu trước QH, đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết trước đây có khoa Phòng không, khoa Hải quân, khoa Pháo binh, khoa Công binh, khoa Đặc công... “Bây giờ tất cả nhập thành khoa Quân chủng. Sáu binh chủng hợp thành quân chủng, có một chủ nhiệm khoa trước đây là thiếu tướng, bây giờ cắt đi rất khó, tâm tư lắm các đồng chí ạ”. Bộ trưởng Thanh cũng cho biết: “Ban soạn thảo rất tâm tư, tôi trình mà QH không bấm nút hai khoa này không thiếu tướng thì tôi về thuyết phục anh em rất khó. Người ta sẽ hỏi là thế bây giờ khoa Mác-Lê Nin không quan trọng à?”. Cũng theo đại tướng Phùng Quang Thanh, việc sửa luật lần này là để khắc phục việc dư luận xã hội cho là VN phong tướng quá nhiều. “Hiện nay, quân đội có khoảng 480 tướng, sau này khi rà soát lại trong cấp phó thì số lượng mới tăng lên”. Theo ông, “việc giữ trần quân hàm cấp tướng đã ổn định thành hệ thống trong hàng chục năm qua. Tuy nhiên, việc tổ chức trong quân đội cũng phải đặt trong tương quan với ngành công an”. |
Theo thanhnien