Tọa đàm xây dựng hình mẫu thanh niên thời kỳ hội nhập hướng tới “công dân toàn cầu” - Ảnh: Minh Châu
Theo Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương, buổi tọa đàm nhằm cụ thể hóa Chỉ thị 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”.
Nhắn nhủ với thế hệ trẻ, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nêu suy nghĩ, thanh niên muốn trở thành công dân toàn cầu trước hết phải là công dân Việt Nam có trách nhiệm với cuộc sống, với xã hội, mang theo tư thế, tâm thế của người Việt ra thế giới, thu lượm tinh hoa nhân loại về áp dụng, làm đẹp cho dân tộc. “Trước hết, đó phải là những công dân tử tế: nói chứ không chửi thề; trồng cây chứ đừng chặt cây; nhặt rác chứ đừng xả rác”, ông ví dụ.
Nguyên Phó Thủ tướng cũng lưu ý, nếu không biết học hỏi, thích nghi khi ra thế giới, chúng ta sẽ bị coi thường đồng thời nhấn mạnh, không phải cứ ra nước ngoài thanh niên mới cần thể hiện là công dân toàn cầu mà sống trên đất nước mình cũng có rất nhiều cách để người trẻ đóng góp, rất nhiều vấn đề toàn cầu cần các bạn trẻ chung tay.
Từng là du học sinh tại Mỹ và Úc, anh Trần Quang Hưng, cán bộ Bộ Nội vụ cho biết, bản thân môi trường học tập ở các nước anh theo học cũng rất tạo điều kiện để các bạn trẻ đến từ các quốc gia khác hòa nhập. Tuy nhiên, điều anh Hưng cảm thấy rất đáng để nhiều bạn trẻ suy nghĩ là có rất nhiều du học sinh Việt Nam xuất sắc sau khi kết thúc chương trình đào tạo đã không lựa chọn ở lại làm việc ở các nước phát triển với mức thu nhập nhiều người Việt mơ ước mà lại trở về mang những tri thức họ tích lũy được xây dựng quê hương. “Có những du học sinh về nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, họ hạnh phúc khi trở thành người… nông dân, đem tri thức cải thiện đáng kể cuộc sống cho người dân còn gặp nhiều khó khăn”.
Chị Nguyễn Thị Kim Thanh, Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, công dân toàn cầu phải có tư duy và cái nhìn mở, chấp nhận, tôn trọng sự khác biệt trên thế giới, chia sẻ trách nhiệm với những vấn đề chung của toàn cầu. Công dân toàn cầu cũng phải có khả năng giao tiếp tốt, làm chủ được khoa học công nghệ để kết nối với thế giới. Vì thế mà hệ thống giáo dục của Việt Nam không nên chỉ chú trọng đào tạo về mặt lý thuyết mà phải tăng cường về mặt kỹ năng, ngoại ngữ, hiểu biết xã hội để đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập.
Theo dangcongsan