1. Sự lựa chọn lý tưởng, con đường cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là sự lựa chọn hợp qui luật, bắt nguồn từ sự thông tuệ của một người nồng nàn yêu nước, thương dân
Sự nghiệp vinh quang của Chủ tịch Tôn Đức Thắng khởi nguồn từ sự lựa chọn từ sớm, từ đầu và nhất quán hướng đi, con dường đi đúng đắn cho cuộc đời mình. Quá trình tìm đường, chọn hướng của Ông diễn ra hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ tấm lòng yêu nước, thương dân đang đắm chìm trong cảnh nước mất, nhà tan; từ sự mẫn cảm đặc biệt của một thanh niên có những tố chất vượt trội. Quá trình đó được đánh dấu bằng những bước chuyển, những quyết định táo bạo, dứt khoát và rất tự nhiên về nhận thức, hành động.
Bắt đầu từ quyết định lựa chọn con đường vô sản hóa, tự nguyện gia nhập đội ngũ thợ thuyền khi rời Cù lao Ông Hổ, đất Long Xuyên, An Giang đặt chân lên đô thành Sài Gòn. Tiếp đó là sự chủ động hòa nhập, vận động, tập hợp, khơi dạy sức mạnh tiềm ẩn của công nhân chống lại tư bản bóc lột thông qua những cuộc bãi công, bãi khóa còn mang tính tự phát của công nhân sở Kiến trúc cầu đường và nhà cửa Sài Gòn, công nhân Xưởng Ba Son, học sinh trường Bá Nghệ Sài Gòn... những năm 1910-1912; là sự hòa đồng, tiếp nhận, chia xẻ số phận và kinh nghiệm cùng công nhân, thủy thủ Pháp những năm tháng bị động viên sang Pháp phục vụ thế chiến thứ nhất và quyết định tham gia cuộc binh biến Hắc hải, kéo cờ đỏ phản đối đế quốc Pháp tấn công nước Nga Xô viết mùa Xuân năm 1919. Những chuyển biến từng bước, chắc chắn về nhận thức, hành động của người công nhân yêu nước Tôn Đức Thắng những thập niên đầu thế kỷ XX đã đưa tới bước ngoặt quan trọng khi Ông rời Pháp trở về nước, chủ trương thành lập Công hội bí mật để tập hợp công nhân Sài Gòn, đưa cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột phát triển từng bước từ tự phát lên tự giác.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến thăm công nhân làm việc tại Nhà máy Ba Son sau ngày đất nước thống nhất, tháng 11 năm 1975
Sự trải nghiệm qua thực tiễn phong trào công nhân trong nước, quốc tế đã đặt nền tảng để năm 1927, người sáng lập Công hội bí mật Tôn Đức Thắng nhanh chóng chuyển hướng, tham gia Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và sau đó trở thành đảng viên, thành cán bộ chủ chốt, cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Xâu chuỗi, kết nối những dấu mốc quan trọng trong chặng đường tìm chọn lý tưởng, con đường cứu nước của đồng chí Tôn Đức Thắng có thể thấy rất rõ sự chuyển tiếp rất tự nhiên, bắt đầu từ người thanh niên giàu nhiệt huyết yêu nước - trở thành người công nhân yêu nước - người công nhân quốc tế - ngừời công nhân cách mạng - người cộng sản. Sự chuyển biến này không diễn ra theo sự định hướng của một lý luận có sẵn hoặc một sự dẫn dắt từ bên ngoài mà là một sự tự tìm chọn, tự trải nghiệm, tự khẳng định theo sự mách bảo của một trái tim nồng nàn yêu nước, sự chỉ dẫn của một khối óc thông tuệ, mẫn cảm Tôn Đức Thắng.
Điều kỳ diệu và độc đáo chính là, sự tìm chọn, trải nghiệm, khẳng định của cá nhân Ông lại phản ánh và phù hợp với sự vận động khách quan, mang tính qui luật của cách mạng Việt Nam, mà điểm mấu chốt là sự thống nhất biện chứng lợi ích giai cấp công nhân với lợi ích dân tộc, lợi ích của giai cấp vô sản quốc tế; sự gắn bó, phát triển tất yếu phong trào yêu nước với phong trào công nhân để đi vào quĩ đạo cách mạng vô sản một khi có sự soi rọi của lý luận cách mạng khoa học.
Đồng chí Tôn Đức Thắng không phải nhà lý luận, Ông không có điều kiện đi sâu nghiên cứu và xây dựng các trước tác về lý luận, nhưng cuộc đời Ông là một tập đại thành tràn đầy tính lý luận - một loại hình lý luận thực hành, lý luận hồn nhiên, tự nhiên chắt lọc từ đời sống và chuyển hóa thành hành động cách mạng. Như sau này, nhớ lại sự kiện kéo cờ đỏ trên chiến hạm ở Hắc hải phản đối chiến tranh đế quốc, ủng hộ nước Nga Xô viết, Ông khiêm nhường tự bạch, bất cứ ai là người yêu nước chân chính, người công nhân chân chính cũng đều phải hành động như vậy. Cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh và thế hệ cách mạng tiền bối thời dựng Đảng, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những người xuất hiện đúng thời điểm lịch sử, mang dấu ấn lịch sử, lãnh nhận sự giao phó của lịch sử dân tộc để nhận thức và giải quyết những đòi hỏi cấp thiết của dân tộc trên con đường phát triển.
2. Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người cộng sản tiêu biểu của giai cấp công nhân tiên phong
Trong lịch sử công nhân và phong trào công nhân Việt Nam, trước khi tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên có chủ trương “vô sản hóa”, người thanh niên Việt Nam từ rất sớm tự nguyện từ bỏ các con đường đi đến danh lợi để dấn thân vào con đường vô sản chính là đồng chí Tôn Đức Thắng. Đó là một cơ duyên lịch sử mở đầu cho chặng đường gần 20 năm Ông trực tiếp gắn bó với đội ngũ công nhân Sài Gòn, công nhân Pháp. Tắm mình trong môi trường thợ thuyền, cùng chung cảnh ngộ, cảm thông và chía xẻ đã giúp Ông thấu hiểu sâu sắc bản chất tốt đẹp, sức sống và sức mạnh của giai cấp công nhân; giúp Ông rèn luyện phẩm chất, bản lĩnh để trở thành người khởi xướng thành lập Công hội bí mật - tổ chức tiền thân của Công đoàn Việt Nam.
Ông trở thành người công nhân thực thụ, người công nhân chân chính với sự kiên định, vững vàng về lập trường, tư tưởng; với tinh thần kiên cường, triệt để trong đấu tranh cách mang; với ý thức tổ chức, kỷ luật cao; với tấm lòng tương thân tương ái và tinh thần quốc tế vô sản trong sáng; với phong cách lao động cần cù, sáng tạo… Chính phẩm chất, bản lĩnh cao quí của người công nhân tiên phong đã giúp Ông vượt qua những thách thức, hiểm nguy trong những ngày hoạt động bí mật; chiến thắng sự tra tấn tàn bạo của kẻ thù qua hơn 15 năm bị giam cầm trong lao tù đế quốc; hoàn thành xuất sắc những trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó, đóng góp to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp trường kỳ giành và giữ chính quyền cách mạng, tiến hành các cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng đất nước thống nhất trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong cuộc đời mình, đồng chí Tôn Đức Thắng đã kinh qua nhiều cương vị, từ người công nhân bị áp bức bóc lột, người cán bộ công đoàn bí mật, người cán bộ đảng ở địa phương đến cán bộ lãnh đạo cấp cao của hệ thống chính trị cấp trung ương và trở thành nguyên thủ quốc gia. Nhưng thủy chung, về tư tưởng, tâm hồn, phong cách, Ông vẫn là, luôn luôn là Người Công nhân đích thực. Ông vĩ đại trong sự bình thường; Ông cao quí trong sự dung dị. Ông là niềm tin yêu, kính trọng của nhân dân Việt Nam, sự ngưỡng mộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ thế giới, trước hết Ông là niềm tin yêu, tự hào của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng với các đại biểu tham dự Đại hội Ba sẵn sàng toàn miền Bắc. Ảnh: T.L
3. Chủ tịch Tôn Đức Thắng - một nhân cách lớn, một tấm gương sáng ngời về thực hành đạo đức
Trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhân dân Việt Nam luôn dành sự tôn kính, biết ơn đối với những anh hùng, nghĩa sĩ, những nhà cách mạng tiền bối có công lao to lớn với đất nước, đặc biệt là tình cảm kính yêu đối với Chủ tịch nước Hồ Chí Minh và người kế nhiệm, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ cả nước thân thiết, kính trọng gọi hai người là Bác Hồ, Bác Tôn - hai người bạn chiến đấu thân thiết, tin cậy; hai nhân cách lớn, hai tấm gương lớn về đạo đức cách mạng.
Bác Tôn không phải là nhà lập ngôn, nhà tư tưởng về đạo đức mà là nhà thực hành đạo đức mẫu mực. Ông thường khiêm tốn tự nhận mình học theo tư tưởng, đạo đức Bác Hồ. Về phần mình, Bác Hồ luôn trân trọng, ca ngợi những phẩm chất cao đẹp của Bác Tôn. Vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Bác Tôn, Bác Hồ thay mặt Đảng, Nhà nước trao tặng đồng chí Tôn Đức Thắng Huân chương Sao vàng. Người dành những lời tốt đẹp nhất chúc mừng nhà cách mạng lão thành: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”; đồng chí là người đầu tiên và là người rất xứng đáng được tặng Huân chương Sao vàng là huân chương cao quí nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa[1].
Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một nhân cách lớn kết tinh những phẩm giá của một con người suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân; lấy độc lập dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu suốt đời. Một con người trọn đời “dĩ công vi thượng”, sống thanh bạch, khiêm tốn, giản dị, nhân hậu, khoan dung. Nhân cách và đức độ của Ông có sức thu hút, tập hợp, cổ vũ nhân dân tham gia sâu rộng vào mặt trận dân tộc thống nhất, vào phong trào thi đua ái quốc; có sức cảm hóa mạnh mẽ đối với cả những người trót lầm đường, lạc lối. Ông trở thành biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có những nhận xét rất tinh tế và sâu sắc về nhân cách Tôn Đức Thắng, tấm gương thực hành đạo đức Tôn Đức Thắng: “Di sản quí nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng - sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người. Đó là chất cách mạng tinh khiết không gì làm phai nhạt được, từ thủa thanh niên đến cuối đời vượt qua muôn trùng thử thách, ngày càng ngời lên vẻ đẹp đẽ và cao quí”[2].
4. Bài học đúc kết từ cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang của Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng không chỉ là dịp để giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn thành kính tưởng niệm, tri ân những cống hiến to lớn của Ông đối với giai cấp, với dân tộc mà đây còn là dịp để suy ngẫm, đúc kết những bài học quí báu từ cuộc đời vô cùng phong phú, cao đẹp, từ sự nghiệp vô cùng vẻ vang của nhà cách mạng lão thành, nhà lãnh đạo ưu tú, mẫu mực để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn, phát triển phong trào công nhân hiện nay.
Công việc này rất cần thiết và có ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh Đảng ta đang triển khai mạnh mẽ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trong bối cảnh tổ chức công đoàn đang đổi mới mạnh mẽ nội dung,phương thức hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Có thể rút ra nhiều bài học sâu sắc, thiết thực từ cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, trong đó có những bài học sát hợp với công nhân, công đoàn .
Đó là bài học kiên định và kiên trì phấn đấu thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội trong bất cứ hoàn cảnh nào. Bài học giữ gìn, bồi đắp bản chất giai cấp công nhân; giữ vững lập trường giai cấp công nhân; phát huy vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, giải quyết hài hòa quan hệ giai cấp - dân tộc phù hợp với từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng. Bài học về sự gắn bó máu thịt giữa tổ chức công đoàn với công nhân, chú trọng tổ chức, vận động, giáo dục công nhân, lấy việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân làm mục tiêu hành động, làm nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Bài học phát hiện, tham gia đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân ưu tú, tạo nguồn phát triển đảng viên, bổ sung vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Bài học giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ công đoàn toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, kỹ năng vận động, tổ chức hoạt động thực tiễn để hoàn thành xuất sắc trọng trách trước giai cấp công nhân.
Những bài học này có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc cần được nhận thức đúng đắn và chuyển hóa thành những việc làm hằng ngày của tổ chức công đoàn các cấp, của đội ngũ công nhân trong từng doanh nghiệp, trong từng đơn vị lao động. Sự thật, năm tháng qua đi, nhưng cuộc đời, sự nghiệp và những di sản quí báu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng vẫn còn mãi cùng giai cấp, dân tộc trên con đường thực hiện lý tưởng xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa hòa bình, độc lập, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
GS.TS Phùng Hữu Phú
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương
-----------------------------------------
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, t.11, tr. 520.
[2] Tôn Đức Thắng - người cộng sản mẫu mực biểu tượng của đại đoàn kết, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2003, tr. 24.