Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 21/01/2015

Văn hóa Đông Sơn: Mộ thuyền chở tâm thức Việt

Bảo vật quốc gia Mộ thuyền Việt Khê - một mộ thuyền Đông Sơn nổi tiếng - Ảnh: Ngọc Thắng
Bảo vật quốc gia Mộ thuyền Việt Khê - một mộ thuyền Đông Sơn nổi tiếng - Ảnh: Ngọc Thắng
Khi mộ thuyền Việt Khê trở thành bảo vật quốc gia, các chuyên gia văn hóa Đông Sơn hoàn toàn không ngạc nhiên. “Việt Khê mang nhiều câu chuyện thú vị của mộ thuyền Đông Sơn. Còn mộ thuyền Đông Sơn lại mang tâm thức Việt rất rõ”, PGS-TS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ cho biết.
Thuyền gỗ chở đồ quý
Theo ông Liêm, mộ thuyền được chôn trong huyệt khá sâu, không còn rõ gò mộ. Một số mộ có cọc ghìm định vị quan tài. Quan tài mộ là một đoạn thân cây gỗ tròn hoặc gần tròn, khoét rỗng hình lòng máng, hai đầu chừa lại (hoặc ghép thêm ván) làm vách ngăn. Liên kết tấm thiên và tấm địa là những lỗ chốt hoặc mộng khớp, một số áo quan có 4 tay khiêng 4 góc của tấm thiên và tấm địa.
Người ta cũng sử dụng vải, chiếu cói, lá cây để khâm liệm tử thi. Họ đặt tử thi nằm ngửa, đầu cao, chân tay duỗi thẳng. Những táng thức cơ bản của chủ nhân mộ thuyền Đông Sơn là vậy.
Trong lòng những con thuyền đầy tính tâm linh ấy, người Đông Sơn đặt vào đó rất nhiều đồ quý. Khảo cổ học cho thấy đại đa số đồ tùy táng là di vật điển hình của văn hóa Đông Sơn.
“Một số di vật trong mộ thuyền có đặc trưng riêng như đồng lưỡi xéo gót nhọn, cuốc sắt, công cụ xới đất bằng gỗ... là những nông cụ thích ứng canh tác ruộng trũng”, PGS-TS Bùi Văn Liêm cho biết. “Còn có cả bộ vũ khí với số lượng nhiều nhất là lao thích ứng với thủy chiến trên thuyền vùng sông nước. Những trống đồng, thạp đồng hoa mỹ cũng thấy trong mộ thuyền. Đặc biệt là những di vật tre, gỗ, nứa, lá và vỏ quả bầu”.
Cũng theo ông Liêm, ngoài di vật bản địa, trong mộ thuyền còn có một số di vật khác phản ánh mối giao lưu, tiếp xúc, trao đổi bảo lưu và cách tân văn hóa của cư dân Đông Sơn vùng châu thổ sông Hồng.
Chẳng hạn, trong mộ thuyền Việt Khê, các nhà khoa học tìm thấy tới 107 hiện vật, gồm: giáo, lao, dao găm, kiếm, ống bịt đầu cán giáo, rìu, đục, nạo móc, đũa, dao gọt, thạp, thố, bình, âu, đỉnh, khay, ấm, muôi, đèn, trống, chuông, chuông dẹt, chuông có núm... Các hiện vật gỗ có: mái chèo, cán giáo, đồ sơn, khuy áo.
Đặc biệt, trong mộ thuyền này còn có cả thạp Việt Khê - một chiếc thạp quý, và trống đồng Việt Khê. Một hiện vật khác cũng khá lạ lùng là tiêu bản giũa đồng. Giũa có hình dáng gần giống chiếc bàn chải hiện đại, dài 19 cm.
Những hiện vật trong mộ thuyền Đông Sơn, theo PGS-TS Liêm, cho thấy luyện kim màu của người thời Đông Sơn khá đa dạng về loại hình. Nó cũng phong phú về kiểu dáng và đạt đến trình độ khá cao về thành phần hợp kim và kỹ thuật chế tạo. Luyện kim đen chủ yếu là luyện rèn sắt và sử dụng đồ sắt trong hoạt động sống hằng ngày cũng như làm vật tùy táng trong các mộ thuyền.
Chỉ báo văn hóa
Các nhà nghiên cứu cũng căn cứ vào những hiện vật trong mộ để hình dung cuộc sống của người trong mộ. Thân phận của họ được thể hiện rất rõ nét. Chẳng hạn, khu mộ táng Việt Khê có nhiều mộ, song bảo vật quốc gia mộ Việt Khê là mộ của người giàu nhất. Trong khi đó, 4 ngôi mộ nhỏ còn lại hiện vật không có gì. “Rõ ràng, các ngôi mộ thuyền Đông Sơn đã cho thấy sự phân hóa xã hội trong thời Đông Sơn, dẫn tới hình thành các tầng lớp xã hội khác nhau. Sau đó, chúng ta đã thấy việc hình thành các giai cấp đầu tiên trong xã hội”, ông Liêm phân tích.
 
Mộ thuyền Đông Sơn có nét chung và có cái riêng so với cư dân cổ ở Đông Nam Á và nam Trung Quốc. Nét chung thể hiện ở việc sử dụng quan tài hình thuyền như một truyền thống văn hóa khu vực Đông Nam Á. Con thuyền gắn bó hữu cơ với đời sống thường nhật của con người vừa là phương tiện chở linh hồn người chết về cõi vĩnh hằng.
Tuy nhiên, mộ thuyền Đông Sơn vẫn có nét khác cơ bản với mộ thuyền và mộ thân cây khoét rỗng ở nam Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Quan tài mộ thuyền Đông Sơn được tạo tác gần với con thuyền độc mộc hơn. Nó được sử dụng chôn người chết ở vùng lầy trũng, theo phương thức hung táng. Chưa kể, nếu như mộ thuyền Đông Sơn và hai khu mộ ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) chôn trong huyệt đất, thì phần lớn mộ thuyền các nước thuộc Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, Thái Lan... được đặt, treo trong hang động hoặc mái đá. “Điều đó gợi ý rằng việc sử dụng mộ thuyền trong mai táng của cư dân văn hóa Đông Sơn gần như là một tập tục”, PGS-TS Bùi Văn Liêm kết luận.

Theo thanhnien

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready