U23 Việt Nam: Từ trái tim đến lý trí
ĐT U23 Việt Nam thi đấu đầy nỗ lực và có được thành công lớn tại giải U23 châu Á, nhưng điều đó chưa đủ để khẳng định bóng đá Việt Nam đã được nâng lên một tầm cao mới. Ảnh: Hữu Phạm.
Hãy nói về chuyên môn trước
Việc giành ngôi Á quân giải đấu cấp châu lục là thành tích đáng khen ngợi và tưởng thưởng của thầy trò HLV Park Hang Seo. Về vật chất, đó là hơn 26 tỷ đồng tiền thưởng từ các đơn vị, tổ chức và cá nhân khác nhau. Về tinh thần, U23 Việt Nam đang nhận được tình cảm yêu mến cuồng nhiệt của công chúng. Quang Hải, Tiến Dũng…trở thành những ngôi sao, có sức hút với cả triệu người.
Nhưng nếu lắng lại để đánh giá hành trình của U23 Việt Nam thuần tuý ở khía cạnh chuyên môn, chúng ta có thể thấy gì?
Trên thực tế U23 Việt Nam đã chơi cả 6 trận đấu tại VCK U23 châu Á 2018 ở thế “kèo dưới”, với chiến thuật phòng ngự-phản công. Đây là chiến thuật quen thuộc của các đội bóng yếu hơn ở một trận đấu bóng đá. Đội bóng của HLV Park Hang Seo chấp nhận nhường quyền kiểm soát bóng cho đối phương, chấp nhận nhún mình để chờ cơ hội phản công. Tỉ lệ kiểm soát bóng phản ánh cụ thể hơn điều này. Trận đấu với Syria ở lượt cuối vòng bảng, U23 Việt Nam nắm quyền kiểm soát bóng nhiều nhất nhưng cũng chỉ 41%, và rơi xuống 28% khi gặp Hàn Quốc. Thời lượng kiểm soát bóng trung bình chỉ 34,4%, tức chỉ nhỉnh hơn 1/3 thời gian thi đấu.
Thống kê về chuyên môn ở trận chung kết với Uzbekistan đều chênh lệch rất lớn, phần nào cho thấy đội bóng Trung Á xứng đáng giành chức vô địch, dù màn trình diễn của U23 Việt Nam đầy quả cảm. Tỉ lệ sút bóng giữa U23 Việt Nam-Uzbekistan là 8-20, sút bóng trúng mục tiêu 3-9, hay số lần phạt góc là 2-12. Quang Hải đã ghi những bàn thắng rất đẹp mắt, nhưng hầu hết trong số đó đều đến từ nỗ lực cá nhân hoặc mang tính thời điểm.
U23 Việt Nam đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi của báo chí châu lục, với những cụm từ như “gây sốc” hay “địa chấn”, “bất ngờ”. Nhìn ở góc độ khác, điều này phản ánh đánh giá của châu lục về trình độ chuyên môn bóng đá Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên HLV Park Hang Seo được đánh giá cao. Ông Park đã cho thấy tài cầm quân, khả năng “liệu cơm, gắp mắm”, điều chỉnh chiến thuật và nhân sự linh hoạt, hợp lý trước từng đối thủ.
Một giải đấu chưa đủ nâng tầm cả nền bóng đá
Quá trình chuẩn bị cho VCK U23 châu Á 2018 của thầy trò ông Park Hang Seo nhận được khá ít sự chú ý, cả với truyền thông và công chúng. Vỏn vẹn, chỉ 10 phóng viên theo chân U23 Việt Nam sang Trung Quốc. Mục tiêu Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đặt ra cũng chỉ giới hạn ở “cọ xát”, tích luỹ kinh nghiệm. Đây là một góc độ khác phản ánh thực chất đánh giá của số đông về trình độ của U23 Việt Nam. Có lẽ ngay lúc này, ít ai dám nghĩ U23 Việt Nam có thể lặp lại kỳ tích hay không, nếu đụng phải vẫn những đối thủ vừa gặp.
Sau giải đấu ở Trung Quốc, bóng đá Việt Nam sẽ trở lại với “món ăn” trường kỳ, là V-League. Từ lâu chúng ta đã hiểu rằng, một giải VĐQG tốt là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của nền bóng đá. Số lượng khán giả ở V-League mùa giải trước đang sụt giảm. CLB Hà Nội của Quang Hải, chơi rất tốt và gặt hái nhiều thành tích nhất 10 năm trở lại đây, lượng khán giả vẫn lèo tèo. Sự toả sáng của cầu thủ sinh năm 1997 không khoả lấp được băn khoăn và lo lắng do việc bầu Hiển có ảnh hưởng tới nhiều đội bóng, vấn đề then chốt khiến khán giả quay lưng với V-League….
Chỉ ra những vấn đề trên không phải để tạo nên sự bi quan. Trái lại chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng thành tích của U23 Việt Nam sẽ mở ra một giai đoạn mới của bóng đá Việt Nam, nhưng khi và chỉ khi đánh giá nó một cách tỉnh táo. Người hâm mộ có quyền yêu đội tuyển bằng trái tim, nhưng phát triển bóng đá bằng lý trí là trách nhiệm của những người làm bóng đá.
Theo tienphong