U23 Việt Nam: Khi cầu thủ 'không chịu nói'
Cuối tháng 7 vừa rồi, xuất hiện trong hội thảo tổ chức giáo dục quốc tế Langmaster, TS Lê Thẩm Dương giải thích lý do vì sao một người Việt Nam làm việc hơn một người Nhật, nhưng ba người Việt Nam hợp lại làm việc thì thua ba người Nhật. Đó là do người Nhật biết cách quản lý thời gian và làm việc nhóm hiệu quả, còn người Việt thì không.
Liệu có cách lý giải rằng một cầu thủ của U23 Việt Nam thì không thua một cầu thủ của CLB JFL Selection của Nhật Bản, nhưng tập thể 11 cầu thủ của U23 Việt Nam thì thua 11 cầu thủ của CLB JFL Selection hay không?
Trước hết chúng ta hãy nhìn trên khán đài A sân Hàng Đẫy trong chiều 12/12. Chỉ có gần chục CĐV Nhật cổ động cho CLB JFL Selection trong trận giao hữu với đội tuyển U23 Việt Nam mà họ biến sân Hàng Đẫy thành sân nhà. Về mặt “văn hóa cổ động”, người Nhật Bản dù không chuyên đã khiến đối thủ nể phục.
Nhìn cái cách “Ultras xứ mặt trời mọc” cổ vũ, hò hét không biết mệt mỏi khiến nhiều người lầm tưởng rằng trận giao hữu U23 VN – FLC Selection là một trận đấu thuộc J-League chứ không phải 90 phút giao hữu của một CLB tập hợp những cầu thủ hạng 4 của bóng đá Nhật. Còn các CĐV Việt Nam khi chứng kiến đội nhà thất bại, một số có cảm xúc tiêu cực như la ó, phản đối và bỏ về khi trận đấu chưa kết thúc. Xem ra, về mặt CĐV thì đội bóng JFL Selection không chuyên ăn đứt U23 Việt Nam chuyên nghiệp hẳn hoi.
Về mặt lực lượng, theo HLV Miura, CLB JFL Selection được tuyển chọn từ các cầu thủ tốt nhất giải hạng 4 Nhật Bản sau mùa giải 2015. Tuy nhiên, tập thể “ô hợp” ấy lại dễ dàng đè bẹp U23 Việt Nam 4-0, trong lúc họ thắng ĐTQG Lào 3-0, thắng ĐT U23 Myanmar cũng với tỷ số 3-0 và hòa ĐTQG Campuchia với tỷ số 2-2.
Giao tiếp có vai trò quan trọng trong bóng đá
Sau trận đấu, HLV Miura cho rằng một trong những lý do thua trận là các cầu thủ U23 Việt Nam không chịu giao tiếp trên sân. “Trước khi bắt đầu trận đấu, tôi đã yêu cầu các học trò tích cực giao tiếp với nhau trên sân. Tuy nhiên sau bàn thua, họ lại bị “khớp” và không làm điều này. Việc bế tắc và thất bại là điều dễ hiểu”, HLV Miura nói.
Có một sự đối lập không hề nhỏ, trong khi đối thủ JFL Selection thường xuyên trao đổi với nhau ở từng tình huống bóng, điều đó giúp họ kiểm soát thế trận cực tốt. Còn U23 Việt Nam thì không hoặc rất hạn hữu giữ liên lạc bằng giao tiếp trên sân.
Không chỉ trong bóng đá mà với bóng chuyền cũng vậy. Người hâm mộ khi theo dõi các giải đấu quốc tế tại VN đều có chung nhận xét: Đội tuyển nữ Úc là một tập thể có trình độ yếu so với… tuyển VN. Thế nhưng sự hiểu biết về cách ứng xử của họ lại hơn hẳn, luôn có thái độ phục vụ một cách lăn xả trên sân. Ngược lại, đa phần HLV, cầu thủ VN thì hành xử theo hướng “Thắng thì do công sức của mình, thua là do công sức của… trọng tài giúp đối thủ”!
Ở trung tâm bóng đá Arsenal Soccer School VN, từ 7-8 tuổi các cầu thủ đã tiếp thu và cải thiện các nội dung chơi bóng đồng đội và cách truyền đạt với các cầu thủ khác trong đội bóng. HLV Wenger nói rằng: “Hồi tôi mới tới Premier League, tôi nhận thấy tất cả các cầu thủ có cách giao tiếp tương đối vì văn hóa bóng đá của họ giống nhau, cách họ nhìn nhận trận đấu giống nhau và cách họ được đào tạo để chơi bóng cũng giống nhau. Giao tiếp có vai trò quan trọng trong bóng đá”.
Tuyển sinh lớp bóng đá trẻ em cơ bản hàng đầu Hà Nội cũng đề cao văn hóa trong ứng xử, giao tiếp trong quá trình luyện tập, phương châm của họ là “Dạy bóng đá – Rèn kỷ luật – Học làm người”.
Tại Học viện Bóng đá HA.GL Arsenal JMG, mục đích của họ trong việc đào tạo cầu thủ tài năng là điều đầu tiên phải được học hành tử tế. Học không những để hình thành đạo đức trên sân cỏ mà còn tạo nên phong cách giao tiếp lịch thiệp trong bóng đá và cả sinh hoạt đời thường, thứ mà bóng đá Việt Nam đang thiếu.
Theo tienphong.vn