Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 19/09/2016

Tuổi trẻ xung kích phát triển kinh tế

Chúng tôi gặp anh Y Nô Hwing (buôn Drang Phôk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) đúng vào lúc anh vừa thu hoạch lúa chở về nhà. Anh Y Nô cho biết, để có được thành quả như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân còn có sự giúp sức, hỗ trợ của chính quyền địa phương về kiến thức khoa học kỹ thuật, nguồn vốn… nhờ đó từng bước vượt qua khó khăn, thử thách trên con đường lập thân, lập nghiệp. Khởi nghiệp chỉ với 4 sào đất ruộng trồng lúa, đến nay, anh đã mua thêm được 2,5 ha đất để trồng hoa màu và 20 con bò thịt. Mỗi năm từ chăn nuôi, trồng trọt, gia đình anh thu nhập trên 150 triệu đồng đã trừ chi phí. Anh Y Nô chia sẻ: “Sinh ra trong 1 gia đình thuần nông nên tôi vẫn luôn có ước mơ làm giàu bằng việc phát triển nông nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình. Bước đầu lập nghiệp, không có kiến thức sản xuất và cả kinh nghiệm trồng trọt nên gặp không ít khó khăn. Nhờ được tham dự các lớp tập huấn khuyến nông tổ chức tại địa phương và học hỏi thêm từ các hộ gia đình khác ở trong và ngoài xã mà việc sản xuất của gia đình dần đi vào ổn định. Năm 2009, tích lũy được một số vốn, tôi mua thêm 2 cặp bò về nuôi vừa để tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp lại có phân bón cho cây trồng, giúp giảm chi phí đầu tư rất nhiều”.

Chị Lã Thị Thanh Tuyền đang chăm sóc ruộng lúa của gia đình.

Chị Lã Thị Thanh Tuyền đang chăm sóc ruộng lúa của gia đình

 

Khi đến thăm gia đình chị Lã Thị Thanh Tuyền, Bí thư Chi đoàn thôn Buôn Triết (xã Du Kmăn, huyện Krông Ana), chúng tôi không khỏi khâm phục ý chí, nghị lực của một nữ thanh niên đi lên từ 2 bàn tay trắng. Sinh ra trên một vùng đất khó khăn, kinh tế gia đình chị chủ yếu dựa vào việc làm nương rẫy nhưng không đủ trang trải cuộc sống. Càng thiếu thốn chị Tuyền càng quyết chí phải nỗ lực vươn lên. Theo chị, ở nông thôn bây giờ làm ruộng không phải là hiệu quả nhất nhưng bền vững. Nghĩ là làm nên sau khi lập gia đình rồi dọn ra ở riêng, chị cùng chồng tự vay mượn mua hơn 1,7 ha đất ruộng để trồng lúa. Do vùng đất trũng, thường xuyên ngập nước, cộng thêm thiếu kinh nghiệm sản xuất nên vụ lúa đầu tiên gia đình chị không có lãi. Được sự hỗ trợ của Đoàn xã, từ nguồn vốn vay thanh niên 10 triệu đồng, chị Tuyền đầu tư mua phân bón lót, bón thúc đồng thời điều tiết nước phù hợp, phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên đến vụ thu hoạch sau, trừ chi phí, công lao động chị còn thu lãi trên 30 triệu đồng. Kiên trì áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kết quả  cả 2 vụ lúa mỗi năm đều cho năng suất cao, mỗi vụ thu từ 13-14 tấn. Chị Tuyền tâm sự: “Trong sản xuất nông nghiệp phải thường xuyên học hỏi qua sách báo, các cuộc hội thảo, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì năng suất lúa thu được ở mỗi mùa vụ mới ổn định. Đến nay, tôi đã trả hết số vốn vay, mỗi năm, trừ chi phí, gia đình thu nhập hơn 70 triệu đồng. Trong thời gian tới, tôi dự định sẽ cấy giống lúa mới theo phương thức và kỹ thuật mới để giảm chi phí đầu tư và cho năng suất cao hơn”.

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều thanh niên đã nỗ lực vượt khó vươn lên thi đua lao động sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong cuộc vận động “Thanh niên lập thân, lập nghiệp, vượt khó, làm giàu chính đáng”, toàn tỉnh đã xuất hiện rất nhiều tấm gương điển hình, nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả rõ rệt. Luôn xung kích đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc; thường xuyên đồng hành trong chương trình lập thân, lập nghiệp là nhiệm vụ, mục tiêu mà các tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực thực hiện trong những năm qua. Tính riêng từ đầu năm đến nay, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành tổ chức 72 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật; 62 đợt tư vấn, hướng nghiệp; 18 lớp dạy nghề thu hút hơn 40.000 lượt đoàn viên thanh niên tham gia; giới thiệu, giải quyết việc làm cho 2.650 lượt thanh niên; xây dựng 460 mô hình thanh niên làm kinh tế. Đặc biệt để hỗ trợ thanh niên trong lập thân, lập nghiệp các cấp bộ Đoàn còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai nguồn vốn ủy thác cùng các nguồn vốn khác cho thanh niên vay, đồng thời thành lập tổ vay vốn đôn đốc, hướng dẫn sử dụng vốn vay đúng mục đích và hiệu quả. Đến nay toàn tỉnh có 661 tổ tiết kiệm do đoàn viên thanh niên thành lập với hơn 435 tỷ đồng cho trên 23.000 hộ vay để phát triển sản xuất. Thông qua đó đã có hàng trăm mô hình làm kinh tế giỏi do thanh niên làm chủ có thu nhập đạt từ 40 triệu đồng/năm trở lên, tiêu biểu như: gia đình anh Hồ Văn Mười, ở thôn Hiệp Nhất (xã Quảng Hiệp huyện Cư M’gar), với mô hình chăn nuôi bò và dê mỗi năm cho thu nhập hơn 80 triệu đồng; hay như mô hình chăn nuôi vịt của gia đình đoàn viên Y Thung Ayun (buôn Aring, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar) mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng…

Còn rất nhiều các mô hình thanh niên làm chủ trong phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Mỗi người có một chí hướng, một cách làm khác nhau để có thu nhập và làm giàu chính đáng từ chính sức lao động của bản thân. Hy vọng rằng, với tinh thần xung kích, sự sáng tạo và lòng nhiệt huyết, đoàn viên thanh niên trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy sức trẻ, trở thành những hạt nhân tích cực trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.

Vân Anh

 

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready