TUỔI TRẺ TIÊN PHONG CHUYỂN ĐỔI SỐ
Cùng với sự phát triển của đất nước, tuổi trẻ Đắk Lắk luôn đi đầu, xứng đáng là lực lượng xung kích, tiên phong trong xây dựng và thực hiện các phong trào hành động của Đoàn gắn với chuyển đổi số.
Xung kích trong nhiều lĩnh vực
Từ năm 1965 - 1975, Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk nằm tại sườn núi Cư Yang Sin đã trở thành căn cứ địa cách mạng, trung tâm đầu não của tỉnh. Ngày nay, địa danh này là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho nhiều thế hệ thanh thiếu niên không chỉ ở Đắk Lắk mà nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trong hành trình về với địa chỉ đỏ năm 2022 tại xã Cư Pui (huyện Krông Bông), nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của lịch sử, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với các đơn vị thực hiện công trình số hóa Di tích lịch sử quốc gia Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 – 1975). Bảng số hóa được gắn tại Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Y Ơn Niê.
Là hoạt động ý nghĩa trong chuỗi hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027, Đoàn Khối doanh nghiệp Trung ương cũng đã phối hợp với Tỉnh Đoàn Đắk Lắk thực hiện công trình thanh niên “Tuổi trẻ xung kích số hóa Di tích lịch sử quốc gia bia Nam tiến”. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng trong ứng dụng công nghệ vào việc bảo tồn di tích quốc gia, là cây cầu kết nối các thế hệ trong việc bảo tồn, lưu giữ di tích của cha ông gắn với sự phát triển kinh tế từ du lịch và giáo dục truyền thống cách mạng.
Cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên tra cứu thông tin từ mã QR tại công trình “Tuổi trẻ xung kích số hóa di tích lịch sử quốc gia bia Nam tiến”.
Chị Phan Thị Trinh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho hay, các nội dung sử dụng để giới thiệu về di tích được các cấp chính quyền thẩm định và được đơn vị phối hợp ứng dụng công nghệ chuẩn hóa nội dung số để tổng hợp tư liệu. Công trình này được coi là bước "đột phá" của công tác bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống. Với những công trình như thế này, người dân như có thêm cuốn cẩm nang du lịch số rất tiện lợi và hữu ích, vừa bảo đảm việc tra cứu, tìm hiểu thông tin nhanh chóng, dễ dàng, đầy đủ, vừa giúp quảng bá giá trị văn hóa lịch sử.
Cùng với việc hoàn thiện số hóa khu di tích lịch sử, Tỉnh Đoàn đã triển khai một số mô hình chuyển đổi số trong công tác giáo dục Đoàn; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị. Để thay thế phương thức quản lý các hoạt động công tác Đoàn truyền thống, từ cuối tháng 2/2022, sau khi Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh ra mắt phần mềm Quản lý nghiệp vụ công tác đoàn viên, Tỉnh Đoàn đã có văn bản hướng dẫn đến các tổ chức cơ sở đoàn để tạo lập tổ chức, truy cập và thực hiện các nghiệp vụ về công tác đoàn viên thuộc thẩm quyền xử lý. Theo đó, phần mềm số hóa 12 nghiệp vụ công tác Đoàn đã và đang được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh làm quen, sử dụng.
Nâng cao năng lực số cho thanh niên
Xác định thanh niên là lực lượng quan trọng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, Tỉnh Đoàn đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu của các cấp bộ Đoàn trong thực hiện nhiệm vụ này. Hiện nay, các huyện, thị, thành đoàn và đoàn trực thuộc đã chỉ đạo, hướng dẫn thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương. Mỗi tổ có tổ trưởng là bí thư Đoàn Thanh niên cấp xã, phường, thị trấn và từ 4 - 5 tổ viên là đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Thành viên của tổ có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình; có tư duy và kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số; có khả năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số.
Đoàn viên, thanh niên hỗ trợ người dân cài đặt các ứng dụng thanh toán điện tử.
Thời gian qua, các tổ chức cơ sở Đoàn trong tỉnh cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền về xu hướng chuyển đổi số, trong đó tập trung hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử. Cụ thể, các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan hướng dẫn cài đặt, mở tài khoản thanh toán điện tử đến đoàn viên, thanh niên, học sinh, người dân, từng bước hình thành thói quen thanh toán các khoản chi phí qua công nghệ số. Đây cũng là lực lượng xung kích trong đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm căn cước công dân gắn chíp điện tử; hướng dẫn người dân làm quen, sử dụng thành thạo dịch vụ công trực tuyến.
Tuy nhiên, việc nâng cao năng lực số cho thanh niên còn gặp khó khăn do hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh chưa đồng bộ, cơ hội tiếp cận với mạng Internet tốc độ cao của thanh thiếu niên ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, phổ cập, nâng cao trình độ công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin cho cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi ở nhiều địa phương, đơn vị vẫn chưa được tổ chức bài bản, thường xuyên, dẫn đến hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng chưa thực sự hiệu quả.
Trong nhiệm kỳ 2022 - 2027, Tỉnh Đoàn xác định phải phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo chuyển đổi số với các chỉ tiêu cụ thể như: 60% thiếu nhi được tiếp cận các hoạt động nâng cao năng lực số do tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp triển khai thực hiện; 50% thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 70% thanh niên sử dụng tài khoản thanh toán điện tử.
Theo: baodaklak.vn