Tuổi trẻ Đắk Lắk với Hành trình đến các di tích, địa chỉ đỏ "Côn Đảo"
Đoàn đã đến tham quan, viếng và thắp nhang tại một số địa điểm như Nghĩa Trang Hàng Dương, Nghĩa trang Hàng Keo, Trung tâm cai huấn - Trại Phú Hải, Trại Phú Tường, khu biệt lập Chuồng bò... Mỗi địa danh lịch sử nơi đây đều gợi nhớ đến những câu chuyện anh hùng của lớp lớp thế hệ Việt Nam.
Đoàn dâng hương và dâng hoa tại nghĩa trang liệt sỹ Hàng Dương
Để tri ân các anh hùng đã ngã xuống, điểm đầu tiên đoàn đến là Nghĩa trang liệt sỹ Hàng Dương - nơi yên nghỉ của hàng ngàn chiến sỹ cách mạng và đồng bào yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày, hy sinh dưới sự tàn ác của thực dân và đế quốc. Lễ tri ân tại Nghĩa trang Hàng Dương đã để lại nhiều cảm xúc, mỗi thành viên như cảm nhận sâu sắc hơn về sự tàn ác của chế độ nhà tù thực dân, đế quốc và sự hy sinh của những chiến sĩ tù cách mạng.
Thắp nhang tại nghĩa trang Hàng Keo
Trong chuỗi hành trình, đoàn đã được đến tham quan “Địa ngục trần gian”. Những cái tên trại Phú Hải, trại Phú Tường hay còn gọi chuồng cọp Pháp, trại giam Phú Bình hay còn gọi chuồng cọp Mỹ, khu biệt lập chuồng bò... vẫn như hiện hữu những tội ác mà thực dân và đế quốc gây ra. Trong đoàn đi ai cũng xúc động và lặng người khi tận mắt nhìn thấy nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng bằng một hệ thống các nhà tù hết sức dã man của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hình ảnh những phòng giam tập thể, phòng giam biệt lập với cùm sắt, xà lim, dây thép gai, hầm xay lúa... những đòn tra tấn dã man, khiến ai chứng kiến đều phải rùng mình. Nhưng điều làm mỗi thành viên cảm phục hơn đó chính là tinh thần chiến đấu, ý chí, niềm tin của những người chiến sỹ cách mạng yêu nước vẫn không hề bị khuất phục.
Tham quan và tìm hiểu di tích trại Phú Tường - hệ thống chuồng cọp kiểu Pháp
Lắng nghe hướng dẫn viên chia sẻ về sự tàn bạo trong nhà tù
Thăm khu biệt lập Chuồng bò
Đoàn chụp hình lưu niệm tại Trung tâm cai huấn - Trại Phú Hải
Bên cạnh đó, đoàn cũng đã được đến thăm An Sơn Miếu – nơi thờ phụng bà Phi Yến, cung phi của chúa Nguyễn Ánh, người dân địa phương tôn sùng như bậc thánh nữ thiêng liêng và Chùa Núi Một (Vân Sơn Tự) - công trình kiến trúc văn hóa, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, thể hiện được tinh thần dân tộc Việt, kiên định, vững vàng, bất khuất vượt qua mọi thử thách.
Đoàn viếng và thắp nhang tại tượng đài chị Võ Thị Sáu
Rời Côn Đảo, đoàn trở về thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ - quê hương của chị Võ Thị Sáu. Tại đây, đoàn đã đến dâng hương tại tượng đài chị Võ Thị Sáu và thăm Ngôi nhà lưu niệm nữ liệt sỹ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nơi lưu dữ những hiện vật như hình ảnh, tranh vẽ, tư liệu về chị Võ Thị Sáu và gia đình. Ngoài ra, đoàn đã đến tham quan khu hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu và gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm với Tỉnh đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đồng chí Y Nhuân Byă - Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Lắk tặng quà lưu niệm cho Tỉnh đoàn Bà Rịa - Vũng tàu
Anh Bùi Thanh Trung - Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Krông Bông chia sẻ: “Lần đầu tiên ra thăm Côn Đảo, được tận mắt chứng kiến và sống lại những năm tháng khốc liệt, hiểu biết hơn về những gì mà thế hệ cha ông ta trải qua, thêm biết ơn và tự hào về những con người đã hy sinh vì nền độc lập hôm nay. Đây là chuyến đi vô cùng ý nghĩa, đây như một bài học lịch sử có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về tinh thần đấu tranh cách mạng anh dũng của dân tộc ta”.
“Chuyến hành trình về Côn Đảo là bài học lịch sử hết sức quý báu để thế hệ trẻ Đắk Lắk hôm nay càng thêm trân trọng sự hy sinh của cha ông, thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với quê hương đất nước. Chuyến đi đã để lại những ấn tượng sâu sắc, giúp cho mỗi thành viên bồi đắp thêm về lý tưởng sống, tình yêu quê hương đất nước và để tự hào về lịch sử đấu tranh hào hùng của các thế hệ cha anh đi trươc. Côn Đảo chính là nơi giáo dục truyền thống yêu nước một cách thiết thực, những cán bộ Hội tiêu biểu tham gia cuộc hành trình sẽ là những hạt nhân truyền ngọn lửa cách mạng đến với thế hệ trẻ Đắk Lắk” - Anh Võ Văn Dũng, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk cho biết.
Nguyễn Mai