Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
Cập nhật lúc: 15/12/2014

Tử tế ngoài đường cũng cần kỹ năng

Rác bị các cổ động viên Việt Nam bỏ lại tại Nhà văn hóa Thanh niên, Q.1, TP.HCM sau trận đấu bán kết lượt về AFF Suzuki Cup 2014 giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia tối 11-12

     Diễn đàn kỳ này chia sẻ ý kiến của các chuyên gia xã hội học, luật sư...về điều băn khoăn trên của rất nhiều bạn trẻ.

     Cần lên án hành vi không giúp người khác

     Diễn đàn của báo Tuổi Trẻ đã phản ánh đúng thực trạng hiện nay trong xã hội ta - làm người tốt không dễ. Đó là điều đáng buồn trong một xã hội văn minh, khi ra đường bắt gặp những chuyện bất trắc nhưng không ai dám làm người tốt mà chỉ đứng nhìn, bàn tán...

     Tại sao lại có tình trạng này? Chắc chắn đó không phải là sự vô cảm từ trong bản tính, mà chỉ do một số người có tâm lý lo an toàn, ai cũng sợ liên lụy đến bản thân.

     Vì thực tế phần lớn những chuyện làm ơn thường... mắc oán: đưa người bị nạn đi cấp cứu tại bệnh viện hay đến công an không được cảm ơn, khen ngợi mà ngược lại bị hạch hỏi, giữ lấy lời khai... vừa mất công sức, thời gian, thậm chí bị làm khó dễ nên ai cũng làm ngơ, bỏ đi cho xong!

     Pháp luật hình sự cũng có quy định: “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” được quy định tại điều 102 Bộ luật hình sự. Tội này có hình phạt thấp nhất là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nhưng tội danh này trên thực tế rất ít xảy ra và rất khó áp dụng, khi xảy ra tai nạn nhiều người tham gia giao thông thường chỉ đứng xem rồi bỏ đi.

     Không cứu giúp người bị nạn rõ ràng là hành vi cần phải lên án. Để chấn chỉnh vấn đề này, theo tôi cần tuyên truyền và giới thiệu những trường hợp điển hình giúp người khi hoạn nạn, các cơ quan có thẩm quyền khi giải quyết, xử lý công việc tuyệt đối không làm khó người giúp đỡ, đồng thời kiến nghị khen thưởng (nếu có) như vậy mới xóa bỏ tâm lý ngại bị liên lụy.

Luật sư PHẠM VĂN THẠNH  (Đoàn luật sư TP.HCM)

     Của cho không bằng cách cho

     Lòng tốt không dễ được chấp nhận nếu không biết cách bày tỏ phù hợp. Trong xã hội hiện đại, khi các mối quan hệ ngày càng phức tạp, đa dạng, tính gắn kết giữa các cá nhân lỏng lẻo thì sự đề phòng tăng lên, vì thế lòng tốt càng khó thể hiện.

     Ai cũng muốn được đối xử tốt, nhưng hầu hết mọi người đều có tâm trạng đề phòng khi nhận lòng tốt của ai đó, hay nghi ngại khi nhìn thấy một hành động tử tế nào đó. Họ sẽ đặt câu hỏi liệu có tử tế thật lòng?

     Đằng sau sự tử tế đó là gì? Cũng không trách những hoài nghi đó được khi chúng ta từng biết nhiều hành vi giả tử tế để trục lợi. Hơn nữa thói ghen tỵ khi người tử tế được ca ngợi, được nhắc đến... cũng làm nhiều người e ngại khi muốn sống tử tế.

     Tôi tâm đắc nhất câu nói của người xưa: “Của cho không bằng cách cho”. Sống tử tế là ta đang “cho” người khác sự quan tâm, sự hết lòng, sự chu đáo, tính trách nhiệm... Nhưng nếu ta không biết cách cho sẽ gây phiền toái cho cả người nhận lẫn người cho. Cho đúng người cần nhận, cho đúng lúc, đúng chỗ là một nghệ thuật cần cân nhắc. Kỹ năng ứng xử khi thể hiện một hành vi tử tế là rất quan trọng.

     Ví dụ, chúng ta muốn giúp một gia đình hàng xóm gặp khó khăn, nếu ta giúp không khéo họ sẽ không nhận mà còn tự ái vì sự chênh lệch giữa ta và họ, họ có thể hiểu lầm là ban ơn, ra vẻ, làm màu... Khi muốn sống tử tế, cần chú ý đến thái độ ứng xử của ta và người, sự tôn trọng lẫn nhau là thái độ quan trọng nhất để lòng tốt, sự tử tế được thấu hiểu, chấp nhận và lan tỏa.

Thạc sĩ xã hội học PHẠM THỊ THÚY
 (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia)

     Cần tử tế một cách thông minh!

     Tự thấy mình hay làm những “chuyện bao đồng”, đã từng bị thương khi giúp một đứa bé, nhiều lần bị người thân mắng là “rảnh hơi” đi làm chuyện không phải của mình... nhưng từ đó tôi nhận ra sống tử tế tức là sẵn lòng giúp người khác. Tuy nhiên cũng phải biết tự bảo vệ chính mình khi... thực thi tử tế, với sự hiểu biết để giải quyết “sự cố” phát sinh sau hành vi tử tế đó! Nôm na là cần phải biết tử tế một cách thông minh!

     Khi đọc một bài trong diễn đàn “Đâu rồi, chuyện tử tế?” trên báo Tuổi Trẻ, tôi nhận thấy mình từng gặp cảm giác như một nhân vật: sợ hãi với ánh mắt dửng dưng của những người xung quanh, mơ hồ nhận ra “lòng quả cảm gầy gò” của mình, “cái tốt được đáp trả bằng cái tốt” đã không còn nhiều nữa. Chính sự thiếu hiểu biết và môi trường xã hội tác động khiến con người ta ngày càng thiếu tử tế với nhau, ích kỷ và lãnh đạm hơn với người khác.

    Để làm việc tốt một cách thông minh, theo tôi cần nâng cao sự hiểu biết, để lòng tốt của mình giúp đúng đối tượng. Vận dụng kỹ năng giải quyết vấn đề và kêu gọi mọi người xung quanh cùng hành động với mình trong những trường hợp nguy hiểm.

HUỲNH PHAN ANH SA (PR manager UNESCO-CEP)

     “Lòng tốt lơ ngơ có thể lạc đường”

     Tôi tâm đắc câu thơ “Lòng tốt lơ ngơ có thể lạc đường” của nhà thơ Nguyễn Duy. Bởi sự nhẹ dạ cả tin của mình khiến lòng tốt “lơ ngơ” trao cho nhiều người không cần đến, và điều tất yếu xảy ra là sự tử tế của mình bị “lạc đường”. Đó là những điều đang xảy ra trong xã hội hiện nay.

     Với tôi, tử tế là chỉ cần làm cho một ai đó mỉm cười hoặc giúp tâm trạng họ thoải mái hơn. Có vô số cách để bạn thể hiện sự tử tế với người xung quanh. Nhường ghế xe buýt cho người già, trẻ em, là người mở lời chào hỏi trước, giúp một người ăn xin... là những điều đơn giản ai cũng có thể làm.

     Nhưng khi có những việc tử tế cần đến nhiều người trợ giúp thì không e ngại, mà dùng mọi cách để thu hút sự chú ý của mọi người giúp mình một tay. Và phải cần lòng dũng cảm, đối diện với nỗi sợ của bản thân khi làm việc tốt đơn độc, như khi cứu người đang gặp nguy cấp chẳng hạn.

NGUYỄN XUÂN THÙY (Saigon South International School)

TheoTuoitre (NM)

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready