Trở về con đường sáng
Trong vòng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, có rất nhiều thanh thiếu niên vì một phút nông nổi, muốn thể hiện bản thân nhưng lại chọn cách thể hiện sai lầm; có những người chưa hiểu hết giá trị của cuộc sống nên đã chọn cách sống vô ích, thậm chí làm những điều trái đạo đức, pháp luật nên để lại nỗi đau cho cha mẹ, vợ con và xã hội. Cũng có trường hợp do hoàn cảnh gia đình không êm ấm, khó khăn, bị bạn xấu rủ rê, lôi kéo dẫn đến phạm pháp; cũng có những thanh thiếu niên sinh ra trong gia đình khá giả, được cha mẹ tạo điều kiện cho ăn học, muốn gì được đấy, thành thử “chiều quá sinh hư”, tụ tập chơi bời, hút chích, từ đó vi phạm pháp luật, phải trả giá cho lỗi lầm sau song sắt nhà tù. Rất nhiều người sau khi mãn hạn tù trở về với cuộc sống do mặc cảm và không tu chí làm ăn nên quay lại “con đường cũ” để rồi có những kết cục không mấy tốt đẹp. Tuy nhiên, cũng có nhiều người đã kịp nhận ra sai lầm của mình, quyết tâm cải tạo tốt để mong có ngày được tự do, làm lại cuộc đời.
Anh Đinh Ái Thương với mô hình trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Con đường hoàn lương của anh Đinh Ái Thương (SN 1979, thôn Ea Tân, xã Ea Púk, huyện Krông Năng) được nhen nhóm từ sự ân hận và khao khát làm lại cuộc đời. Với quyết tâm của mình cùng sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp, ngành, đoàn thể địa phương, bây giờ anh đã có mái ấm gia đình hạnh phúc, chăm chỉ lao động. Đôi mắt anh đượm buồn khi nhớ về những tháng ngày sống trong chốn lao tù chỉ vì lỗi “thiếu hiểu biết”. Anh sinh ra và lớn lên ở huyện Minh Hóa (Quảng Bình), năm 1992 cùng gia đình vào Dak Lak xây dựng kinh tế mới và định cư ở mảnh đất Krông Năng. Đầu năm 2010, nhận thấy tại tiểu khu 333 - 340 thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Krông Năng là vùng đất màu mỡ nên anh đã bàn với vợ và rủ thêm một số hộ dân khác trong thôn đi chặt phá cây rừng, chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy để trồng mì. Những hành vi chặt phá các loại cây rừng, chiếm đất lâm nghiệp nêu trên đã xâm hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng, ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái môi trường, vì vậy anh bị bắt và kết án 4 năm rưỡi tù giam với tội “Hủy hoại rừng”. Cuộc sống gia đình anh vốn đã khó khăn giờ càng khó khăn hơn. Nghĩ thương vợ, thương con nên trong thời gian chịu án anh đã quyết tâm làm lại cuộc đời và chuyên tâm học nghề trồng nấm. Nhờ đức tính thật thà, siêng năng, cần cù, cải tạo tốt nên anh được đặc xá tha tù trước thời hạn 1,5 năm. Trở về nhà, thời gian đầu, anh không tránh khỏi tâm lý mặc cảm, nhưng rồi được gia đình, địa phương quan tâm, động viên anh đã sớm ổn định cuộc sống. Đầu năm 2013, với mong ước phát triển kinh tế gia đình, từ đồng vốn dành dụm được cộng với số tiền vay mượn thêm bạn bè anh mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng để dựng trại nấm, mua bịch giống, máy móc phục vụ tưới tiêu. Lúc đầu cũng như bao người trồng nấm khác, do chưa nắm vững kỹ thuật nên nhiều khi làm cả tuần mà vẫn không đạt kết quả. Không nản chí, anh tìm hiểu thêm trên sách báo cách đóng bịch, làm meo tại chỗ, đồng thời tận dụng những bịch đã cho thu hoạch trước đây nên giảm được nửa giá thành. Hiện tại, trại nấm của anh có trên 1.500 bịch với đầy đủ các giống nấm như: nấm sò, nấm mèo, nấm linh chi... cho thu hoạch quanh năm theo hình thức gối vụ, cứ 7 - 10 ngày/lần. Với giá thành như hiện tại 25 nghìn đồng/kg nấm sò, 80 nghìn đồng/kg nấm mèo... mỗi ngày trừ chi phí anh còn lãi từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng. Hiện đã có nhiều cá nhân trong và ngoài tỉnh ký hợp đồng với anh để bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, cuộc sống gia đình anh đã ổn định và được mọi người tin tưởng.
Tương tự, con đường hoàn lương của thanh niên Nguyễn Đình An (SN 1989, khối 2, tổ dân phố 2, thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng) cũng được nhiều người biết đến bởi trước đây An từng là đối tượng cộm cán ở địa phương với biệt danh “Tý giang hồ”. Từ nhỏ An từng được biết đến là tay “anh chị” có máu mặt với những hành động ngỗ ngược khiến bà con khối phố phải mất ăn, mất ngủ, thậm chí có người không dám giáp mặt bởi họ sợ bị đánh. Thế rồi, trong một phút dại dột theo nhóm bạn đánh nhau khiến An phải trả giá đắt khi bị kết án 18 tháng tù giam cho hành động “Cố ý gây thương tích”. Ngày đầu vào trại, tâm trạng An rối bời: xấu hổ, ân hận xen lẫn sợ hãi, lo lắng bị cán bộ trừng phạt. Tuy vậy, mọi sợ hãi, lo lắng của An dần tan biến khi anh không bị một hình phạt nào hết mà thay vào đó là sự quan tâm, động viên của cán bộ quản giáo và một số tù nhân tốt bụng khuyên nên cải tạo tốt. Dần dần, sự chân tình của cán bộ quản giáo đã giúp An ăn năn hối cải, quyết tâm cải tạo tốt để được sớm được tự do. Và cái ngày được trở về trong vòng tay của cha mẹ cũng đến sau 18 tháng ròng rã trong trại giam. Sau đó An xây dựng gia đình với 1 cô gái trẻ cùng huyện. Giờ đây, An đã có 2 đứa con ngoan, có 1 công việc để kiếm sống lương thiện, là ông chủ một cửa hàng tạp hóa ở chợ Krông Năng và mới đây anh “tậu” được chiếc ô tô tải trị giá gần 300 triệu đồng để chở hàng tuyến cố định Krông Năng - Buôn Ma Thuột. Nguyễn Đình An tâm sự: “Khi mới về em còn mặc cảm lắm, nhưng rồi được mọi người giúp đỡ, động viên nên em đã tự tin hơn. Mới đầu bước vào nghề nên còn ít bạn hàng, cuộc sống vất vả song kiếm được đồng tiền từ mồ hôi, nước mắt của mình em thấy cuộc sống thật ý nghĩa”.
Anh Nguyễn Đình An bên chiếc xe ô tô tải mới sắm. |
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều thanh niên đã vượt qua mặc cảm tội lỗi làm lại cuộc đời, sống có ích cho gia đình và xã hội. Trong cuộc trò chuyện, tôi nhận thấy họ rất ân hận về quá khứ lỗi lầm của mình và thực tâm mong muốn mọi người hãy mở rộng vòng tay nhân ái với những người đã từng lầm lỡ, bởi chỉ khi được sống giữa những tấm lòng khoan dung của mọi người thì những người đã trót một thời lầm lỡ mới sớm tìm được lại “Con đường sáng” của chính mình. Trong cuộc đời của mỗi con người, không thể tránh khỏi những lần vấp ngã, nhưng điều quan trọng là họ đã đứng dậy và bước đi như thế nào? “Đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người chạy lại”...
Thế Hùng - baodaklak.vn (VN)