Theo đó, tình hình sốt rét trong những năm qua diễn biến phức tạp, tuy nhiên đến năm 2015 đã ổn định. So sánh kết quả sau 5 năm, bệnh nhân sốt rét giảm 51,95%, bệnh nhân sốt rét ác tính giảm 88,89% và bệnh nhân chết do sốt rét giảm 50%, không có dịch sốt rét xảy ra trong toàn tỉnh.
Sau 5 năm tích cực phòng, chống sốt rét, dân số sống trong vùng sốt rét lưu hành (SRLH) nặng đã giảm đáng kể. Theo phân vùng dịch tễ, năm 2009 có 14 xã với 159.066 người sống trong vùng SRLH nặng thì đến năm 2014 chỉ còn 7 xã với 55.033 người sống trong vùng SRLH nặng đồng thời nâng tổng số người dân sống trong vùng nguy cơ sốt rét quay trở lại từ 143.999 lên 385.303 người.
Đoàn viên, thanh niên hướng dẫn người dân cách phòng, chống sốt rét.
Mục tiêu chung của từng giai đoạn: 2016 - 2018 loại trừ sốt rét tại thành phố Buôn Ma Thuột (gồm 21 xã, phường); 2017-2019 loại trừ sốt rét tại các huyện Krông Pắc, Cư Kuin, Lắk, Krông Ana, Krông Búk, Krông Bông, Cư M’gar, Ea Kar và thị xã Buôn Hồ (gồm 109 xã, phường, thị trấn); 2018-2020 loại trừ sốt rét tại huyện Krông Năng và M’Đrắk (gồm 25 xã, thị trấn); 2020-2022 loại trừ sốt rét tại Ea H’leo, Buôn Đôn và Ea Súp (gồm 29 xã, thị trấn); 2020-2022 đề phòng sốt rét quay trở lại; năm 2025 đề nghị tỉnh Đắk Lắk được công nhận loại trừ sốt rét.
Để thực hiện kế hoạch này sẽ có các giải pháp về: chính sách và xã hội; chuyên môn kỹ thuật; nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả của các nghiên cứu vào hoạt động phòng, chống và loại trừ sốt rét; nguồn lực và hợp tác . Kinh phí thực hiện, tỉnh giao Sở Y tế hằng năm lập dự toán để tỉnh xem xét, đề nghị Trung ương hỗ trợ.
Phương Nam