Tôi là nạn nhân của bạo lực học đường
Bị những người bạn thân bắt nạt
Sau này, khi cơn ám ảnh đã lùi vào quá khứ, mọi người thường hỏi tôi những câu hỏi như: “Ai là kẻ bắt nạt bạn, những người bạn của bạn à?”, “Bạn bị bắt nạt ở đâu?”, “Lý do bạn bị bắt nạt?”, “Làm thế nào bạn đối phó với các hành vi đó?” hoặc “Đã bao giờ bạn nghĩ về tự tử?”
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet. |
Tôi bị bắt nạt từ năm lớp tám, đến khi học năm nhất trung học, cơn ác mộng đó mới chấm dứt. Đau đớn hơn, kẻ bắt nạt tôi lại là những người bạn thân nhất của tôi. Nếu bạn không ở trong tình cảnh của tôi, bạn không bao giờ biết được nỗi ê chề, đau đớn mà “kẻ bị ruồng bỏ” phải hứng chịu.
Khi người ta nhắm vào bạn, có vô vàn lý do để họ thực hiện được mục đích. Với tôi, “những người bạn” gắn cho tôi cái mác “gay” và làm đủ trò để nhấn mạnh điều đó.
Lúc chúng tôi trong phòng thay đồ, họ nói bóng gió hoặc làm vẻ thận trọng, ngụ ý tôi đang nhìn chằm chằm vào cơ thể người khác, chờ cơ hộ quấy rối. Nếu tôi nhìn vào người cùng giới, họ cố ý lớn tiếng nói tôi có ý với người đó… Ai có thể chấp nhận bị sỉ nhục như vậy chứ? Tôi là đứa con trai bình thường. Tôi thích các cô gái, mặc dù nhiều lúc họ thật phiền phức.
Tôi thường xuyên bị đẩy vào các tình huống oái oăm, càng giải thích, càng phải hứng chịu những cái nhìn kì thị, thiếu thiện cảm, thậm chí ghê tởm. Họ đổ lên người tôi lời bịa đặt vô căn cứ, rồi cười nhạo, xem tôi như thú vui tiêu khiển.
Họ thấy thích thú mỗi lần tôi lâm vào hoàn cảnh khó xử. Với họ, mọi thứ là trò đùa. Nhưng, tôi cảm thấy bản thân bị xúc phạm nặng nề, lòng tự trong không đáng một xu. Đó là tra tấn, là bạo lực học đường, dù tôi chưa bao giờ bị đánh, nặng nhất cũng chỉ huých vai mỗi lần lướt qua nhau.
Nếu tức giận, hãy bày tỏ
Nhiều lần, tôi yêu cầu họ dừng lại trò đùa quá trớn, nhưng họ đáp lại bằng cái nhìn phớt lờ, không quan tâm. Tôi phải chịu đựng sự giày vò hơn một năm, đến khi, một thành viên nhóm tình nguyện SOS can thiệp, mọi thứ mới lắng xuống.
Nhờ đó, tôi biết đến sự tồn tại của nhóm chuyên giải quyết các vấn đề rắc rối trong trường học. Một ngày, tôi tham gia buổi tư vấn nhóm tổ chức. Tại đây, những rắc rối tôi gặp phải được đưa ra thảo luận. Tôi nhớ, một trong số người có mặt tại buổi tư vấn đã nói: “Đừng kìm nén, tôi muốn bạn bùng nổ. Bạn cứ thể hiện sự tức giận bằng cách bạn cảm thấy thoải mái, thậm chí hét to lên”.
Người bạn đó nói đúng. Tôi đã câm lặng chịu đựng hơn một năm và tôi nhận lại được những gì? Tinh thần của tôi bị xuống cấp trầm trọng, cảm giác như nuôi mối mọt, từng ngày qua đi ăn tàn phá hại tâm hồn. Những người bạn từng thân thiết như anh em, bỗng dưng quay ngoắt 360 độ, đối xử tồi tệ với tôi.
Mọi thứ sụp đổ. Việc hàng ngày đến trường trở thành nỗi ám ảnh. Tôi sợ đối mặt với bạn học, với mọi người trong trường. Tôi cô lập mình trong vỏ kén, một mình chịu đựng tất cả mà không dám nói với thầy cô, bố mẹ. Bởi lẽ, tôi sợ mang thêm một số biệt danh khác như “đồ mách lẻo”, “kẻ phản bội”…
Nhưng, sau những lời của người bạn trong nhóm SOS, tôi biết mình phạm sai lầm. Sự nhu nhược của tôi tạo điều kiện cho những kẻ bắt nạt được nước lấn tới, không sợ tôi có hành động phản kháng gây tổn hại tới chúng. Bọn họ biến tôi thành công cụ để nổi tiếng, mà không mảy may quan tâm, tôi bị tổn thương ra sao.
Tôi biết, không phải tất cả mọi người đều quay lưng lại với tôi. Nhiều bạn học hiểu rõ sự việc, muốn hỗ trợ. Nhưng làm sao họ có thể giúp đỡ khi người trong cuộc không đưa tay ra cầu cứu, lên tiếng tự bảo vệ mình? Thay vì cầu mong ông Trời hé mắt nhìn, tôi phải hành động ngăn chặn bạo lực tinh thần đang xảy ra với bản thân và nhiều người khác.
Mọi việc đều có cách giải quyết
Dù ở thời điểm tuyệt vọng nhất, tôi chưa bao giờ suy nghĩ đến cái chết. Tôi được dạy rằng, mọi chuyện tồi tệ đến đâu đều có cách giải quyết. Tự tử không phải là giải pháp đối phó bắt nạt. Bạn đừng trông chờ việc những kẻ bắt nạt sẽ suy sụp, hối hận khi nhận được tin “trò đùa” của họ vừa chạy trốn sang thế giới khác. Việc bạn lựa chọn ra đi giống như việc bạn cầm một con dao sắc cứa vào trái tim bố mẹ người thân, những người yêu quý bạn thật lòng.
Tôi cũng không muốn chuyển trường vì nếu tiếp tục bị bắt nạt thì tôi sẽ chuyển đi đâu? Thà rằng, tôi nói chuyện với người lớn và nhận danh “kẻ mách lẻo”, còn hơn thấy vẻ đắc chí của lũ bạn. Tuy vẫn lo âu, trầm cảm, nhưng cảm giác được trò chuyện, được chia sẻ và có cơ hội được giúp đỡ người khác cùng cảnh ngộ thật tốt.
Từ một đứa bị bắt nạt, một đứa thậm chí từng nghĩ bản thân vô dụng, tôi đủ khả năng vượt qua bóng ma quá khứ và giúp đỡ nhiều người. Từ chỗ ác cảm, dị ứng mỗi khi nghe thấy những từ liên quan đến chủ đề đồng tính, tôi trở thành tư vấn viên cho anh - một người đồng tính.
Tôi và anh không gặp mặt trực tiếp, chỉ liên lạc qua tin nhắn trong suốt một năm. Tôi cố gắng nhắn cho anh những lời khuyên chân thành, lời động viên kịp thời nhất, như sự tận tâm tôi từng nhận được trước đó.
Cuối cùng, vượt qua bốn năm bị bắt nạt, các vấn đề gia đình và bệnh tật, anh công khai giới tính thật trong trạng thái tinh thần tốt nhất. Đồng thời, nhờ anh, tôi thoát khỏi nỗi ám ảnh đồng tính. Họ bình thường, không đáng bị kì thị, chối bỏ.
Cuộc sống của tôi thực sự bắt đầu. Tôi biết ơn ngôi trường tôi theo học tẩy chay bạo lực học đường dưới mọi hình thức. Mọi người từ lãnh đạo nhà trường, giáo viên, các thành viên SOS đến bạn bè tốt của tôi đều giúp tôi vượt qua khó khăn ban đầu.
Giờ đây, nhóm tình nguyện SOS lớn mạnh hơn xưa và tôi trở thành thành viên phụ trách nhóm nhỏ “Sticks và Stones: Phòng chống bắt nạt”. Các bạn học sinh tìm đến chúng tôi sẽ nhận được sự lắng nghe, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, thậm chí, can thiệp nếu việc bắt nạt đi quá giới hạn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có nhiều nhóm nhỏ khác “Trầm cảm”, “Áp lực học tập”, “Giáo dục giới tính”, “Không kì thị đồng tính”…
Sau tất cả, tôi khuyên những ai đang và có dấu hiệu bị bắt nạt, đừng im lặng chịu đựng. Bạn phải lên tiếng đấu tranh cho quyền lợi bản thân. Chỉ khi bạn chịu cầu cứu, người khác mới có cơ hội giúp đỡ bạn.
theo: tienphong.vn