|
Trả lời câu hỏi về những ảnh hưởng đến ngư dân VN từ việc Cục Hải sự Trung Quốc ngày 24.9 thông báo quân đội nước này sẽ tổ chức diễn tập bắn đạn thật quy mô lớn tại khu vực phía nam đảo Hải Nam và phạm vi diễn tập kéo dài tới tận khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, ông Lê Hải Bình cho biết ngay sau khi nắm được thông tin này, các cơ quan chức năng của VN đã tích cực xác minh đồng thời tiến hành các biện pháp cần thiết để tiếp tục bảo vệ ngư dân VN hoạt động ở ngư trường truyền thống trên biển Đông. “Xin nhắc lại rằng từ trước đến nay Chính phủ VN luôn có những biện pháp cần thiết để bảo vệ ngư dân hoạt động trên ngư trường truyền thống của mình”, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Các hãng thông tấn quốc tế vừa qua đưa tin về việc Trung Quốc đang thay đổi hiện trạng tại các đảo ở quần đảo Trường Sathành đảo nhân tạo, trong đó có đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền VN. Tổng thống Philippines vừa qua cũng bày tỏ lo ngại việc Bắc Kinh có thể kéo giàn khoan đến vùng biển Philippines, như đã từng thực hiện trong vùng biển VN. Hành động này được coi là đi ngược lại với tinh thần Tuyên bố của các bên liên quan ở biển Đông (DOC). Xin cho biết phản ứng của VN?
Mọi hoạt động của các bên liên quan ở biển Đông cần tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia liên quan, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật Biển (UNCLOS) 1982 cũng như DOC và không có bất cứ hành động nào làm phức tạp thêm tình hình. Chúng tôi cho rằng trong tình hình hiện nay tất cả các bên đều có trách nhiệm duy trì hòa bình ổn định ở biển Đông.
Báo chí quốc tế dẫn lời các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết nước này có thể bán máy bay do thám P-3 cho VN để giúp VN tăng cường khả năng theo dõi và bảo vệ bờ biển. Một số chuyên gia quốc tế cho rằng Philippines và VN nên hợp tác trắc địa quần đảo Trường Sa trước khi Trung Quốc hoàn thành việc xây dựng các đảo nhân tạo. Xin cho biết bình luận của ông?
|
Về câu hỏi thứ nhất thì chúng tôi chưa có thông tin này. Tuy nhiên, VN luôn ủng hộ mọi nỗ lực nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa VN và Mỹ vì lợi ích của cả hai nước cũng như vì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới. Về câu hỏi thứ hai, VN hoan nghênh sáng kiến của các bên liên quan nhằm duy trì hòa bình ổn định đảm bảo chủ quyền các bên liên quan ở biển Đông.
Mới đây tại New York (Mỹ), Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã bày tỏ hoan nghênh việc dỡ bỏ cấm bán vũ khí sát thương của Mỹ cho VN nếu việc này được thực hiện. Xin hỏi việc dỡ bỏ lệnh cấm sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ giữa VN và Trung Quốc?
Theo chúng tôi được biết ngay trong cuộc trao đổi giữa Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh tại Mỹ ông cũng đã trả lời một câu hỏi tương tự. Với đường lối ngoại giao độc lập tự chủ của ngoại giao VN và của VN trong thời kỳ đổi mới mọi quan hệ ngoại giao song phương đều không nhằm đến một nước thứ ba.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của VN về việc Mỹ tiến hành không kích Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định: “VN ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm đấu tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức cũng như các hoạt động bạo lực cực đoan, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia liên quan, bảo đảm an toàn cho thường dân”.
Reuters dẫn nguồn tin từ giới quan chức và nhà thầu vũ khí của Mỹ cho hay Washington đang chuẩn bị dỡ bỏ lệnh cấm vận kéo dài 3 thập niên đối với VN. Tổng thống Obama có thể tự ký sắc lệnh hành pháp dỡ bỏ lệnh cấm này, do lệnh cấm vào năm 1984 cũng được ban bố từ sắc lệnh của tổng thống. Hồi tháng 4.2007, chính quyền Tổng thống George W.Bush đã nới lỏng chính sách đối với VN, thông qua việc cho phép xuất khẩu các thiết bị không sát thương, nhưng chưa dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương. Thụy Miên |
Theo thanhnien