Chủ nhật, ngày 05 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 16/03/2023

THƯ VIỆN SỐ LAN TỎA VĂN HÓA ĐỌC

 

Chỉ với chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng internet, bạn trẻ quét mã QR có thể lựa chọn những cuốn sách mình yêu thích trong kho sách của “Thư viện số”. Mô hình do Đoàn Thanh niên phường An Bình (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) thực hiện đang nhận được sự hưởng ứng của nhiều bạn trẻ.

Thêm nhiều đầu sách trong Tháng Thanh niên

Tại một quán cà phê trên địa bàn phường An Bình, nhiều bạn trẻ chăm chú vào điện thoại. Bạn Nguyễn Thị Trang (đoàn viên phường An Bình) cho biết, với thao tác đơn giản, quét mã QR, vào thư viện ảo có thể tìm được những cuốn sách ở lĩnh vực mình quan tâm một cách dễ dàng. Với thư viện ảo này, mọi người có thể tranh thủ đọc sách ở quán cà phê, không gian công cộng rất thuận lợi.

Mô hình Thư viện số được Đoàn phường An Bình triển khai từ tháng 7/2022. Các bạn đoàn viên, thanh niên cùng lên ý tưởng trên nền tảng trang web có sẵn. Đoàn phường liên hệ với các trang web lớn về ebook, sách miễn phí để liên kết. Đối với đầu sách mất phí, Đoàn phường sẽ liên hệ để được mua với giá thấp nhất nhằm làm phong phú thêm đầu sách cho thư viện.

anh-2-41-2317

Mô hình “Thư viện số” của Đoàn phường An Bình (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk)

Để lan tỏa văn hóa đọc đến với nhiều người trẻ hơn, Đoàn phường An Bình liên kết với các quán cà phê ưa thích của giới trẻ trên địa bàn, bố trí mã QR giới thiệu “Thư viện số".

Vừa qua, khởi động Tháng Thanh niên, Đoàn phường An Bình phối hợp với UBND phường triển khai mô hình “Ngày thứ 5 trực tuyến, ngày không hẹn và ngày không viết”, giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân tại bộ phận một cửa. Vào ngày thứ 5 hàng tuần, người dân sẽ được các đoàn viên hướng dẫn, cài đặt cách nộp hồ sơ trực tuyến và hỗ trợ nộp hồ sơ. Mô hình đã góp phần thực hiện tốt công tác cải cách hành chính tại địa phương, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Anh Nguyễn Văn Trung, Bí thư Đoàn phường An Bình cho biết, Thư viện số hiện có khoảng 150 đầu sách với nhiều lĩnh vực như: văn hóa, địa lý, lịch sử - chính trị, pháp luật, công nghệ - thông tin, y học - sức khỏe, tâm lý - kỹ năng sống - khởi nghiệp, truyện thiếu nhi… Đoàn phường đang tiếp tục mở rộng thêm nhiều đầu sách phục vụ nhu cầu đọc của bạn trẻ. Dự kiến cuối tháng 3 sẽ có 300 đầu sách.

Phù hợp với xu thế đọc của người trẻ

Bạn Trần Kiên (thị xã Buôn Hồ) ôm chiếc điện thoại chăm chú đọc sách tại quán cà phê. Kiên thích tìm hiểu lịch sử nên hay chọn sách lịch sử Việt Nam để đọc. Từ ngày có Thư viện số, Kiên thường xuyên vào đọc để bổ sung thêm kiến thức lịch sử cho mình.

“Các đầu sách trên Thư viện số rất đa dạng, phong phú, phù hợp nhu cầu của nhiều lứa tuổi. Mô hình này của Đoàn phường An Bình không chỉ góp phần cung cấp những kiến thức hữu ích cho giới trẻ mà còn kích thích văn hóa đọc trong cộng đồng”, Kiên nói.Để mở rộng và tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu đọc sách, Đoàn phường đã in các mã QR của Thư viện số dán ở trụ sở UBND phường, nhà văn hóa cộng đồng và nhiều quán cà phê trên địa bàn phường. Mới đây, Đoàn phường An Bình phối hợp với Thị Đoàn Buôn Hồ nhân rộng mô hình đến các trường cấp 2, cấp 3 và các xã phường trên địa bàn.

“Chúng tôi phối hợp với Thị Đoàn làm bảng tặng cho 5 trường học, chuyển giao mã QR cho các xã, phường để làm bảng và trao tặng các trường ở địa phương. Cuối tháng 3, dự kiến sẽ tặng các bảng số hoá di tích lịch sử ở giáo xứ Buôn Hồ, hiện đang xin chủ trương và thu thập thông tin”, Bí thư Đoàn phường An Bình cho biết.

Theo anh Nguyễn Văn Trung, Thư viện số đã khắc phục được những hạn chế của thư viện truyền thống và đem lại khá nhiều tiện lợi, như nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, cung cấp các nguồn tư liệu học tập có chất lượng cho thanh niên, học sinh... Trong thời đại công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực thư viện sẽ phát triển văn hóa đọc và kỹ năng đọc. Điều này cũng phù hợp với xu thế đọc của người trẻ hiện nay.

Theo Tienphong.vn

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready