Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 20/10/2014

Chiều qua, 19/10, Quốc hội đã họp phiên trù bị, thông qua chương trình kỳ họp. Các vị Quốc hội cũng đã dành thời gian mặc niệm Đại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An).

Ngay sau tuyên bố khai mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.

Khái quát chung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, đến thời điểm này, trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội đề ra, 12 chỉ tiêu có triển vọng đạt và vượt kế hoạch, 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạc là chỉ tiêu tạo việc làm và 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Thủ tướng trực tiếp báo cáo tình hình đất nước trước Quốc hội

Thủ tướng trong lần thị sát Nhà Quốc hội trước cuộc họp đầu tiên thử "nhà mới" của UB Thường vụ Quốc hội.

9 tháng qua, tình hình kinh tế được đánh giá là tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực, tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Khu vực dịch vụ phát triển khá, Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng, tiếp tục có xuất siêu. Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm…

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Tổng cầu của nền kinh tế còn yếu, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, xử lý nợ xấu chậm, hiệu quả chưa cao. Nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng thương mại còn chậm…

Báo cáo của Thủ tướng đưa ra một số giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong những tháng cuối năm 2014 như điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý; thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội; đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA…

Sau báo cáo của Thủ tướng, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu có báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế xã hội.

Một báo cáo quan trọng khác được trình Quốc hội ngay trong phiên khai mạc là báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2014 do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày.

Bộ trưởng GD-ĐT chốt lại buổi làm việc đầu tiên của kỳ họp với tờ trình về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đây đều là những vấn đề lớn, những báo cáo, đề án quan trọng Quốc hội sẽ dành thời lượng xứng đáng để thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp này.

Theo thông lệ, các kỳ họp  của Quốc hội diễn ra vào cuối năm thường tập trung thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các báo cáo về công tác của ngành tư pháp. Tuy nhiên, là một kỳ họp tiếp nối không khí khẩn trương triển khai thi hành Hiến pháp mới 2013, tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật để sớm đưa các quy định của Hiến pháp đi vào cuộc sống.

Với 2/3 thời lượng bố trí cho công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến đối với 12 dự án luật khác.

Việc sửa đổi Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sẽ được chốt trong kỳ họp này. Phương án lấy phiếu với 3 mức đánh giá như hiện nay hoặc chỉ lấy với 2 mức vẫn được mở để thảo luận, dù UB Thường vụ Quốc hội đã nêu quan điểm giữ quy định như hiện nay. Việc lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2 tại kỳ họp này cũng được tiến hành theo phương thức cũ, với 50 chức danh được đưa ra lấy phiếu.

 

Trước phiên khai mạc, Nhà Quốc hội chưa được bàn giao đầy đủ các hạng mục để sử dụng cho kỳ họp thứ 8. Tuy nhiên, các hạng mục cơ bản, cần thiết cho hoạt động của 500 đại biểu trong hơn 1 tháng đã sẵn sàng, vận hành trơn tru qua các lần kiểm tra, thử nghiệm. Ngoài phòng họp chính (phòng họp Diên Hồng), hơn 80 phòng họp khác có thể đồng thời khai thác để phục vụ các phiên họp đoàn, họp tổ. Có “nhà mới”, Quốc hội không phải chia về nhiều địa điểm khác nhau để làm việc như các kỳ họp vừa qua.

Để đảm bảo an ninh, trật tự và trật tự an toàn giao thông phục vụ công tác bảo vệ kỳ họp lần thứ 8, nhiều tuyến đường quanh khu vực Nhà Quốc hội cũng đã được tổ chức phân luồng, cấm xe như đường Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, Bắc Sơn, Hùng Vương (từ Hoàng Văn Thụ đến Phan Đình Phùng), Phan Đình Phùng (từ Hùng Vương đến Nguyễn Tri Phương), Hoàng Diệu (từ Phan Đình Phùng đến Điện Biên Phủ), Điện Biên Phủ (từ Hoàng Diệu đến Độc Lập), Lê Hồng Phong, Chu Văn An (từ Trần Phú đến Điện Biên Phủ).

Đặc biệt, trên 2 tuyến đường Độc Lập, Bắc Sơn sẽ tổ chức cấm triệt để phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

 
Theo dantri.com.vn

 


Có thể bạn quan tâm :

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready