Thủ lĩnh tình nguyện Tây Nguyên
Trả nợ nghĩa tình
Chúng tôi gặp anh Trần Đức Hậu, Bí thư Đoàn thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) khi anh đang tất bật chuẩn bị tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu cho trẻ em nghèo trên địa bàn huyện và các địa phương khác. Nói về việc “bén duyên” với hoạt động tình nguyện, từ thiện, Trần Đức Hậu nhớ lại câu chuyện buồn hơn 10 năm trước: năm 2006, từ TP. Hồ Chí Minh trở về sau kỳ thi đại học, anh gặp tai nạn khiến cánh tay trái bị giập nát. Hơn hai tháng điều trị các vết nối gân, vá da đắp thịt từ cẳng chân lên cánh tay tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cánh cửa vào đời tưởng như đóng lại trước mắt. Trong cơn đau đớn, chập chờn lúc tỉnh lúc mê, Hậu vẫn biết rằng có người sẵn sàng cho máu, dúi vào tay mình những ổ bánh mỳ hay một ít tiền. Chứng kiến cảnh đùm bọc, sẻ chia của những người xa lạ đã gieo vào tâm hồn chàng thanh niên hạt giống yêu thương. “Phải sống có ích để trả những món nợ nghĩa tình không tên và giúp đỡ người yếu thế”, sau cơn hoạn nạn, Hậu coi đó là lẽ sống của mình.
Vết thương lành lại, cánh tay trái trở nên yếu ớt, nhưng mùa thi năm sau, Hậu quyết tâm và thi đỗ vào Khoa Công tác xã hội, Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Với chuyên ngành học này đã giúp Hậu tiếp thu được những kiến thức, kỹ năng giao tiếp, hoạt động xã hội. Chàng sinh viên năng động trở thành cán bộ Đoàn, là thủ lĩnh kết nối các bạn trẻ tham gia các hoạt động tình nguyện vì an sinh xã hội như tổ chức Trung thu cho trẻ em nghèo, vui Noel cho học sinh khuyết tật, tiệc tất niên cho người già neo đơn và các em bé mồ côi. Sau khi tốt nghiệp năm 2010, không vội xin việc làm, Hậu tham gia các câu lạc bộ, nhóm từ thiện để có cơ hội thực hiện những chiến dịch tình nguyện trong và ngoài tỉnh. 3 năm như thế đã giúp anh có thêm nhiều trải nghiệm, vốn sống, trau dồi kỹ năng xã hội, già dặn và tự tin hơn.
Anh Trần Đức Hậu trong một chuyến tình nguyện từ thiện. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Bên cạnh các hoạt động Đoàn và thiếu nhi tại sơ sở, người cán bộ đoàn nhiệt huyết ấy cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động vì cộng đồng, huy động các nguồn lực xã hội, xây dựng các công trình, phần việc hiệu quả, đóng góp tích cực vào phong trào tình nguyện tại địa phương.
Hành trình nhân ái
Từ năm 2014, Hậu là Phó Chủ nhiệm Mạng lưới tình nguyện Tây Nguyên (thuộc Trung tâm Tình nguyện quốc gia – Trung ương Đoàn) với nhiệm vụ kết nối, điều hành 30 câu lạc bộ, nhóm tình nguyện trong khu vực. Những ngày cuối tuần hay nghỉ lễ, anh cùng với các tình nguyện viên rong ruổi đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa để thu thập thông tin về đời sống người dân, đặc biệt là trẻ em và người dân tộc thiểu số, từ đó kết nối thông tin với các mạnh thường quân, doanh nghiệp để vận động giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với họ.
Năm 2014, thông tin về 5 em nhỏ người Mông tại huyện Krông Bông bị đuối nước, Hậu đến ngay địa phương để tìm hiểu và nhận ra rằng, nhiều trẻ em ở đây có hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học, địa phương lại thiếu sân chơi nên các em thường rủ nhau ra sông suối tắm dễ dẫn đến tai nạn đuối nước. Từ đó, Hậu xây dựng dự án từ thiện mang tên Cầu vồng, kêu gọi các doanh nghiệp ủng hộ được 20 triệu đồng để xây dựng một khu vui chơi gồm hệ thống xích đu, cầu trượt, bập bênh tại thôn Ea Bar, xã Cư Pui – địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện Krông Bông. Cùng với đó, nhiều công trình tương tự cũng được xây dựng ở huyện Krông Pắc, Ea Súp, Cư M’gar, Krông Năng và Krông Nô (tỉnh Đắk Nông)… Qua đó, góp phần thu hút các em thiếu nhi đến trường, giảm thiểu tai nạn đuối nước và tình trạng học sinh bỏ học.
Nổi bật nhất là gần đây, thông qua nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp Đắk Lắk và TP. Hồ Chí Minh, mạng lưới tình nguyện của Hậu đã đưa hàng trăm bộ thiết bị điện mặt trời, máy lọc nước và công trình nước sạch đến với đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện M’Đrắk, Krông Bông trị giá hàng trăm triệu đồng.
Đi nhiều nơi, tổ chức hàng trăm sự kiện từ thiện xã hội nhưng Hậu nhớ nhất là hành trình lên đỉnh núi Ea Lang vào tháng 8-2016 để tổ chức chương trình Tiếp sức đến trường, tặng 100 thùng mỳ tôm và 100 bộ sách vở cho người dân và các em nhỏ thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông. Dù lúc đó đang là mùa mưa, đường xuyên rừng lầy lội, khó đi, các loại xe cơ giới không đi được, chương trình có nguy cơ “bể”, nhưng với sự giúp sức của địa phương đã huy động người dân dùng xe máy gắn xích ở lốp chở sách vở lên tặng các em nhỏ khi ngày khai giảng đã cận kề. Hậu chia sẻ, niềm vui lớn nhất trên hành trình tình nguyện của mình là chứng kiến những bộ quần áo mới, sách vở, hay ánh sáng điện đến với người nghèo và những em nhỏ bị thiệt thòi đang cần sự nâng đỡ của những tấm lòng nhân ái.
Theo baodaklak