Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 28 Singapore (ảnh: thethaovanhoa.vn)

Trong quá khứ, kể từ khi Việt Nam trở thành một trong sáu thành viên sáng lập Liên đoàn thể thao Đông Nam Á, ở cả khu vực và quốc tế, thể thao nước nhà đã ghi dấu ấn bằng những thành tích ấn tượng. Liên tục góp mặt ở các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á từ trước khi đất nước thống nhất năm 1975, thể thao Việt Nam từng được xem là lá cờ đầu ở những môn thế mạnh như bóng bàn, bơi, xe đạp, Judo, bóng chuyền nam, bắn súng, và cả bóng đá nam. Tại châu Á, Việt Nam đã đạt được những kết quả xuất sắc từ lần đầu dự ASIAD năm 1954 tới năm 1974. Cũng trong thập niên 50, thể thao Việt Nam đã có mặt tại đấu trường Olympic và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, những bước tiến của Thể thao nước nhà cũng rất đáng ghi nhận. Tại Đông Nam Á, từ xuất phát điểm khá thấp, Việt Nam đã giành vị trí số 1 tại SEA Games 22 năm 2003, và luôn có mặt trong top 3 khu vực kể từ đó tới nay. Ở châu Á, rất đáng ghi nhận khi Việt Nam lần đầu tiên đã có những tấm huy chương Vàng ở các nội dung được đầu tư mạnh như Taekwondo, Karatedo hay Thể hình. Sau khi các VĐV có huy chương tại Olympic Sydney năm 2000 và Bắc Kinh năm 2008, Việt Nam cũng đã được ghi nhận nằm trong nhóm 70/204 quốc gia có huy chương tại các Thế vận hội. Theo thống kê từ Tổng cục Thể dục thể thao, hiện Việt Nam có khoảng trên 100 vận động viên đủ sức giành thành tích cao ở đấu trường quốc tế.

Những sự quan tâm, đầu tư đúng hướng của Nhà nước đã giúp Thể thao nước nhà gặt hái được nhiều thành quả. Nhưng cũng phải thừa nhận những nỗ lực rất lớn của các HLV, vận động viên, cũng như những nhà hoạch định chiến lược cho thể thao Việt Nam. Kể từ khi hoàn thành mục tiêu phát triển thể thao đỉnh cao năm 2005, Việt Nam cũng đã xác định rõ hơn các đích ngắm về Olympic, thay vì chạy theo những thành tích không quá quan trọng tại SEA Games.

Bên cạnh thể thao thành tích cao, Thể dục Thể thao quần chúng cũng đã được ngành Thể thao phát triển đồng bộ, sâu và rộng. Với mục tiêu đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", thể thao phong trào đã phát triển mạnh mẽ từ các phường, xã, trường học tới các cơ quan nhà nước. Có thể thấy, việc phát triển nền Thể thao quần chúng chính là một nhiệm vụ chính trị quan trọng không chỉ giúp Việt Nam gìn giữ bản sắc và văn hóa dân tộc, mà còn tạo ra động lực thúc đẩy thể thao nước ta vươn lên tầm quốc tế.

70 năm, một chặng đường dài của thể thao Việt Nam đã chứng kiến rất nhiều vinh quang, nhưng cũng không ít thất bại. Tự hào về những gì ngành Thể thao làm được, nhưng chúng ta cũng không quên những thách thức rất lớn đang đợi chờ phía trước. Hiện tại, các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới đều đầu tư rất bài bản và có trọng điểm cho các môn Olympic. Cuộc cạnh tranh thành tích và thực lực sẽ còn khốc liệt và gian nan hơn nữa, đòi hỏi những suy nghĩ đúng đắn và chiến lược hiện đại. Vấn nạn dopping hay văn hóa nhà nghề trong thể thao cần được xem xét nghiêm túc. Song song với rèn luyện và nâng cao thành tích VĐV, việc bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực trong khoa học kỹ thuật và y tế cũng rất quan trọng. Để tạo ra một nền thể thao mạnh và có chiều sâu, chúng ta cần có sự chung sức, đồng lòng từ các cơ quan quản lý Nhà nước về TDTT, từ cộng đồng, cũng như toàn xã hội.

Năm 2011, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 08-NQ/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát triển mạnh mẽ về Thể dục, Thể thao cho đến năm 2020. Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm cũng như các giải pháp đã được đưa ra một cách cụ thể để phát triển và nâng tầm cả Thể thao thành tích cao và Thể dục Thể thao phong trào. Trong năm 2016, bên cạnh dấu mốc 70 năm tồn tại và phát triển, Thể thao Việt Nam cũng đứng trước những vận hội mới để thể hiện mình. Đó là Olympic Rio 2016 tại Brazil, là Đại hội thể thao bãi biển châu Á tại Đà Nẵng, và đặc biệt là ngày hội AFF Cup của khu vực. Trong giai đoạn phát triển và hội nhập toàn diện với thể thao quốc tế, người hâm mộ Việt Nam có quyền hy vọng vào một tương lai không xa để thể thao nước nhà có những bước tiến vượt bậc.

Theo dangcongsan