Thế hệ vàng cầm quân tại V-League
HLV Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng và Trương Việt Hoàng (từ trái sang phải) - Ảnh: Khả Hòa - Minh Tú |
Hai chức vô địch V.League mà Huỳnh Đức đem lại cho bóng đá Đà Nẵng và cái ghế chủ tịch Hội đồng HLV Đà Nẵng đủ cho thấy sự nghiệp huấn luyện của Đức ở thành phố miền Trung lẫy lừng ra sao. Còn với Nguyễn Hữu Thắng, chức vô địch quốc gia năm 2011 mà Thắng đem lại cho Sông Lam, cũng là cái chức vô địch mà với nó Thắng có thể hãnh diện nói với phần còn lại của làng bóng: "Tôi đã đứng dậy ở nơi mình vấp ngã" đã chứng tỏ tài năng đặc biệt của con người này.
Hồi còn đá trong màu áo đội tuyển quốc gia, nếu Đức đá tiền đạo và tạo ấn tượng mạnh mẽ bởi hình ảnh một chân sút giỏi càn lướt, giỏi biến các cơ hội thành bàn thì Hữu Thắng lại đá trung vệ và được xem như một trung vệ "thép" điển hình. Hai người đá ở hai vị trí rất khác nhau nhưng đều thể hiện rất rõ cá tính của mình. Và khi chuyển sang làm công tác huấn luyện thì cái cá tính từ thời đá bóng đều được cả hai thể hiện rõ ràng.
Không hẹn mà gặp, đến trước thềm V-League năm nay thì Hữu Thắng tạm rời Sông Lam còn Huỳnh Đức lại đang bất ngờ với một cuộc khủng hoảng khát vọng (cá nhân tôi nghĩ vậy, chứ không phải cuộc khủng hoảng lực lượng như chính Đức giãi bài) ở đội bóng của mình.
Điều đó dự đoán 2015 có thể sẽ là một mùa giải vắng bóng Hữu Thắng (nếu anh không tình cờ xuất hiện trở lại ở một đội bóng phía Nam như câu chuyện mà tôi mới thoáng nghe trên bàn nhậu) và cũng là một mùa giải nhạt nhòa của Đức (nếu anh không vượt qua cả núi lực cản phía sau lưng mình).
Nhưng thật ngẫu nhiên khi Thắng đang tạm vắng, Huỳnh Đức đang khốn khổ thì Trương Việt Hoàng lại nổi lên. Ai cũng biết Hoàng chỉ là "phương án 2 của phương án 2" ở bóng đá đất Cảng mùa này. Nói cho chính xác thì Hoàng chỉ được ký hợp đồng khi bóng đá Hải Phòng bị những cái tên gạo cội khác liên tiếp lắc đầu từ chối.
Thế mà bây giờ Việt Hoàng đang lái Hải Phòng trở thành đội bóng bất bại và hiên ngang dẫn đầu V-League sau 5 vòng đấu. Xem lại cả 5/5 trận đấu của Hải Phòng có thể thấy rõ một thứ bóng đá khiêm tốn, biết mình biết ta. Cái thứ bóng đá mà bất luận làm khách hay khi tiếp khách thì Việt Hoàng cũng chủ trương cho học trò "chịu trận" trước khi phất bóng dài lên trên cho hai cầu thủ người Jamaica tỏa sáng.
Lối chơi thực dụng ấy có thể là lựa chọn khả dĩ duy nhất của Việt Hoàng hiện nay. Nhưng lối chơi thực dụng đến mức đơn giản ấy chắc chắn không phải là thứ vũ khí hữu hiệu để đội bóng phát triển đường dài. Chỉ sợ là khi đã đánh mất đi yếu tố bất ngờ, đã trở thành trung tâm chú ý và bị các đối thủ "giải mã" cặn kẽ thì lối chơi này sẽ bị phá và Việt Hoàng có thể sẽ phải đối diện với một giai đoạn cực kỳ khó khăn.
Trong số các ông thầy thuộc thế hệ vàng, nhìn ở cả phương diện hình thức lẫn chiều sâu tính cách không khó thấy Huỳnh Đức, Hữu Thắng vẫn "ăn người" hơn cả. Tầm tầm bậc trung thì có Văn Sỹ - một nhân vật mà dường như luôn để cái tình cao hơn cái lý và đã nhiều phen phải... trả giá vì tình.
Cũng có một người từng được kỳ vọng lớn, đó là Trần Công Minh - người từng hơn một lần cầm cương Đồng Tháp, và cũng từng lên tuyển làm trợ lý cho Alfred Riedl, nhưng chẳng phải đợi tức lúc Công Minh rút về "ở ẩn" người ta đã dần nhận ra tính cách "thầy giáo" với rất nhiều sự sợ hãi thái quá của Công Minh không phải là tính cách một vị tướng cầm quân giữa trận.
Bây giờ thì Trương Việt Hoàng đang tạm thời ghi điểm. Và người ta lại hồi hộp chờ xem rốt cuộc Việt Hoàng sẽ ghi những dấu ấn nào vào một câu chuyện dài mang tên "thế hệ vàng cầm quân"?
Theo thanhnien