Những hệ lụy từ mạng ảo
Hơn 5 năm gắn bó với mạng xã hội, Nguyễn Minh Hải (sinh viên năm thứ ba, Học viện Hành chính Quốc gia) đã chứng kiến không ít phen bạn bè điêu đứng vì những thông tin nhiễu loạn trên thế giới mạng. Hải tâm sự: “Không thể phủ nhận những tiện ích mà mạng xã hội đã mang tới cho đời sống xã hội, tuy nhiên cũng khó chối bỏ được những hệ lụy mà những người sử dụng mạng xã hội gây ra. Nhiều bạn trẻ đã trở thành nạn nhân khi phải gánh chịu những tổn thất khó đo đếm bởi trò bôi nhọ, vu cáo, "bóc phốt" vô căn cứ trên mạng xã hội”.
Hải minh chứng: “Cùng xóm trọ của mình có bạn Hằng khá xinh xắn, cởi mở. Cũng bởi những ưu điểm này, Hằng trở thành tâm điểm được nhiều người chú ý đến. Vô tình, đó lại trở thành một điểm yếu khiến bạn thường xuyên phải gánh chịu những thị phi không đáng có như những lời mỉa mai, xúc phạm về phong cách ăn mặc, trang phục, những đặt điều về các mối quan hệ. Tệ hại hơn, có người còn lấy ảnh của cô ấy đăng thông tin giả mạo lên các trang web khiêu dâm, các hội, nhóm tìm bạn tình”.
Các cấp bộ Đoàn tích cực tuyên truyền, định hướng cho đoàn viên thanh niên cách sử dụng mạng xã hội có văn hóa, đúng quy định của pháp luật
Trò chơi độc ác ấy khiến cô gái trẻ phải gánh chịu những hệ lụy khôn lường khi cuộc sống của mình hoàn toàn đảo lộn. Điện thoại của Hằng thường xuyên phải nhận những cuộc gọi gạ tình, thậm chí là chửi bới. Các bà mẹ bỉm sữa còn lôi cô lên các diễn đàn để bình phẩm nhân cách. Về xóm trọ, cô lại mệt mỏi hơn khi bị mọi người soi mói, đàm tiếu. Hằng phải đóng cửa trang Facebook cá nhân, đổi số điện thoại, chuyển nơi ở nhằm mong cuộc sống được bình yên trở lại.
Từ những hệ lụy từ sự thiếu văn hóa của một bộ phận người sử dụng mạng, Minh Hải cho rằng, việc áp dụng Luật An ninh mạng là vô cùng cần thiết. Minh Hải bày tỏ: “Trên thế giới và ở Việt Nam, khó thể hình thành nên một cộng đồng mạng văn minh bằng những lời nói suông mà thiếu các biện pháp quản lý. Cần quản lý mạng xã hội để đem lại hiệu quả mà vẫn tôn trọng những quyền cá nhân được pháp luật bảo hộ như những điều đề cập trong Luật An ninh mạng vừa được thông qua”.
Đồng quan điểm với Minh Hải, Lý Thị Thu Huyền (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng: “Một tài khoản mạng xã hội với những thông tin cá nhân được kiểm soát chặt chẽ sẽ giúp cho mỗi cá nhân nâng cao ý thức hơn khi sử dụng mạng xã hội. Bằng sự quản lý ấy, mạng không còn là thế giới ảo mà có tư cách pháp nhân của người sử dụng nó. Sự quản lý chặt chẽ ấy giúp cho mỗi người trẻ có ý thức hơn với từng câu, từng chữ, từng dòng trạng thái để giữ gìn nhân cách của bản thân và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Đừng e dè trước Luật
Được Quốc hội thông qua vào ngày 12/6 vừa qua với 86,86% số phiếu tán thành, bắt đầu từ ngày 1/1/2019, Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực và đi vào cuộc sống. Không tránh khỏi những đắn đo, băn khoăn nhưng đa số thanh niên đều bày tỏ sự đồng tình trước những quy định chặt chẽ, nghiêm khắc trong Luật.
Nguyễn Phan Phương Thảo (trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ: “Một người chia sẻ đường dẫn bài viết xúc phạm ai đó thì không chỉ là hành vi thiếu văn hóa nữa, mà có thể trở thành hành vi vu khống hoặc làm nhục người khác. Một người đưa hình ảnh ngụy tạo để quy chụp sai trái về tổ chức, cá nhân nào đó, có thể mang dụng ý làm nhục người khác, bôi nhọ một tổ chức và có động cơ chính trị. Như vậy, thái độ ứng xử trên mạng xã hội có tác động đáng kể đến tình hình an ninh trật tự, quyền tự do cá nhân, các quyền nhân thân của người khác, lợi ích hợp pháp của các tổ chức”.
Từ đó, Thảo cho rằng, người sử dụng mạng xã hội phải đồng thời là người ứng xử có văn hóa và là người hiểu biết pháp luật. “Là người có văn hóa sẽ có sự cân nhắc từng câu, từng chữ, từng hình ảnh để không làm vẩn đục môi trường mạng. Sử dụng mạng xã hội hợp lý không chỉ là hành vi văn hóa, mà còn là hành vi pháp lý, không chỉ là ứng xử mang tính văn minh hay nhân văn, mà còn là ứng xử thượng tôn pháp luật”, nữ sinh trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ.
Cũng đồng tình với những quy định từ Luật An ninh mạng, Đặng Thành Trung (công nhân KCN Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) cho rằng: “Mình nghĩ, các bạn trẻ có tư duy sai lầm khi cho rằng mạng chỉ là thế giới ảo, có thể nói gì, làm gì cũng được mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Suy nghĩ ấy khiến nhiều bạn trẻ dễ dãi trong cách hành xử với nhau trên mạng. Khi các mạng xã hội, mà ở đây là Facebook, được sử dụng để truyền tải những nội dung và quan điểm lệch lạc, dễ dãi, thiếu trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, nó trở thành một công cụ nguy hiểm trong tay của những kẻ xấu”.
Để tuyên truyền đến đông đảo đoàn viên, thanh niên, giúp họ nâng cao ý thức khi sử dụng mạng xã hội và hiểu hơn về Luật An ninh mạng, trong thời gian qua, các cấp bộ Đoàn toàn thành phố đã có nhiều hoạt động tuyên truyền tích cực. Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0 - Thách thức đối với tổ chức Đoàn trong công tác giáo dục thanh niên trước vấn đề an ninh phi truyền thống” giúp đoàn viên có cái nhìn bao quát về an ninh mạng và bảo mật thông tin trên mạng. Ở cấp cơ sở, trên các diễn đàn, các trang fanpage, nhiều cơ sở Đoàn như Quận đoàn Đống Đa, Ba Đình, Hà Đông… đã chia sẻ các bài viết xung quanh Luật An ninh mạng; những việc được làm và không được làm trên mạng để từ đó nâng cao nhận thức, giúp đoàn viên thanh niên không còn e dè, ngần ngại và hiểu rõ hơn về bộ Luật này…
Theo luật sư Hồ Thị Nhàn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): “Luật An ninh mạng hoàn toàn không hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do cá nhân của người dùng. Ở các nước phát triển, mạng xã hội được quản lý bằng luật pháp. Có nhiều luật được áp dụng đối với mạng xã hội như Luật Bản quyền, Luật Chống phân biệt người tàn tật, Luật Chống spam, Luật Bảo vệ dữ liệu, Luật Bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em, Luật Chống lừa đảo và lạm dụng máy tính, Luật Quyền riêng tư trong truyền thông điện tử… Vì vậy, ở Việt Nam, chúng ta có Luật An ninh mạng là điều hoàn toàn phù hợp. Chúng ta hãy cùng cộng đồng trách nhiệm để làm thế giới mạng văn minh, an toàn hơn”.
Theo thanhgiong.vn