Thanh niên nông thôn với sáng tạo khởi nghiệp
Thông qua các hoạt động tuyên dương các gương thanh niên làm kinh tế giỏi, giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn, các cấp bộ Đoàn đã phát hiện, nhân rộng nhiều điển hình tiên tiến, cổ vũ và thúc đẩy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp của thanh niên nông thôn.
|
Trao vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tại lễ ra quân Tháng Thanh niên 2018
|
Vũ Việt Dũng (sinh năm 1992) hiện trú tại thôn 7, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar. Năm 2016, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Dũng đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng nấm bào ngư, nấm linh chi, nấm mèo. Với 10.000 bịch nấm trong một vụ từ 4 - 5 tháng, sản lượng đạt hơn 2 tấn, anh thu về khoảng 40 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Tháng 8/2017, anh Dũng được vay thêm 100 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp của Đoàn Thanh niên để mở rộng quy mô sản xuất. Số vốn này giúp anh xây dựng thêm lò hấp, nhà trại và đầu tư thiết bị kỹ thuật để phát triển sản xuất. Mô hình trồng nấm của anh Dũng còn đem lại việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với mức lương từ 7 - 9 triệu đồng/tháng.
Với anh Lê Huy Hiệp (xã Ea Lê, huyện Ea Súp) sau khi tham gia lớp tập huấn Khởi sự doanh nghiệp do Tỉnh Đoàn tổ chức, với nghị lực và khát khao làm giàu anh đã học tập mô hình trồng nấm rơm tại địa phương và đăng ký tham gia làm thành viên Hợp tác xã trồng nấm. Được hỗ trợ vay 50 triệu đồng vốn giải quyết việc làm, anh Hiệp đã mạnh dạn xây dựng 01 nhà nấm với diện tích 50m2 và hiện nay đang đi vào hoạt động.
Với vai trò là Bí thư Chi đoàn thôn, anh đã tạo điều kiện và giúp đỡ được 05 thanh niên thực hiện mô hình trồng nấm rơm, đồng thời phát triển thành Tổ hợp tác sản xuất nấm rơm tại xã Ea Lê. Doanh thu hàng năm của tổ đạt hơn 300 triệu đồng, thu nhập hàng tháng trừ chi phí bình quân 7 triệu đồng/01 thành viên. Ngoài ra, anh còn tiếp tục trồng thử nghiệm 5 héc ta cây sả Java lấy tinh dầu tại địa bàn xã Ea Lê.
Tiêu biểu cho mô hình hợp tác xã của thanh niên có thể kể đến mô hình hợp tác xã giống cây trồng của anh Phùng Văn Nghĩa tại thôn 10 xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột. Với vai trò là Bí thư Chi đoàn, anh Nghĩa đã mạnh dạn đề xuất với Ban Chấp hành Đoàn xã và vận động đoàn viên thanh niên thành lập hợp tác xã giống cây trồng thanh niên.
Hợp tác xã ra mắt với 08 xã viên, vốn điều lệ hoạt động 700 triệu đồng và tổng diện tích đất sản xuất 4 hécta. Sau khi đi vào hoạt động, lợi nhuận thu được hàng tháng của hợp tác xã là 130 triệu đồng, thu nhập bình quân 8 triệu đồng /người/tháng. Bình quân số lao động phổ thông hiện đang làm theo vụ mùa tại hợp tác xã là 50 người, trong đó có 40 thanh niên.
Để hỗ trợ và tạo thêm nguồn lực cho thanh niên, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tăng cường việc huy động các nguồn vốn vay đầu tư cho sản xuất; phối hợp với các sở, ban, ngành các doanh nghiệp trong việc tập huấn, phổ biến các kiến thức về khoa học, kỹ thuật, phương pháp gieo trồng, canh tác và chăn nuôi theo hướng tạo ra các sản phẩm hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng và xu hướng của thị trường hàng hóa. Đồng thời, tổ chức Đoàn còn hỗ trợ thanh niên trong xây dựng mô hình liên kết thông qua việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên giúp các thành viên chia sẻ, hợp tác và tìm đầu ra để bao tiêu sản phẩm, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho thanh niên địa phương.
Để lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa phong trào sáng tạo khởi nghiệp, Tỉnh Đoàn Đắk Lắk cho biết trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh phát động cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo Khởi nghiệp trong thanh niên nông thôn" và sẽ chọn ra những giải pháp, ý tưởng, đề án khởi nghiệp có tính khả thi cao để phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội đầu tư cho vay các nguồn vốn ưu đãi về giải quyết việc làm và sản xuất kinh doanh giúp thanh niên tiếp tục xây dựng các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp làm giàu chính đáng trên chính quê hương.
Theo doanthanhnien