Đồng bào Chăm tỉnh Đồng Nai tìm hiểu người ứng cử đại biểu QH và HĐND các cấp 
(Nguồn: Báo Đồng Nai )

Theo Ban Dân tộc thành phố Hồ Chí Minh, cộng đồng người Hoa đang sinh sống trên địa bàn Thành phố là hơn 444 nghìn người, chiếm hơn 6% số dân. Trong  đó, quận 5, quận 11 là địa bàn có đông đồng bào người Hoa nhất. Để làm tốt công tác tuyên truyền cho ngày bầu cử, các ngành chức năng và địa phương ở thành phố Hồ Chí Minh đã chú trọng hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, rà soát chặt chẽ các tổ bầu cử và đẩy mạnh công tác tập huấn các thành viên của tổ bầu cử để các tổ này hoạt động có hiệu quả, chất lượng, tránh sai sót xảy ra. Tại các quận khu vực Chợ Lớn, nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ được tổ chức với nhiều loại hình phong phú đa dạng, mang tính văn hóa truyền thống. Qua các hoạt động này, đã lồng ghép tuyên truyền về bầu cử đơn giản, dễ hiểu, từ đó bà con người Hoa hiểu rõ thêm quyền lợi và nghĩa vụ của mình với ngày hội toàn dân.

Tại tỉnh Đồng Nai, Ban Dân tộc tỉnh này đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền về bầu cử cho 337 đại biểu là người uy tín các dân tộc thiểu số và cán bộ làm công tác dân tộc của các địa phương trong tỉnh. Ông Viên Hồng Tiến, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai cho biết, nội dung và tài liệu tuyên truyền bầu cử cho đồng bào dân tộc thiểu số được biên tập và diễn giải ngắn gọn, dễ hiểu hơn. Trong đó nhấn mạnh cho bà con biết ngày 22/5 là ngày đi bầu cử cho đông, đủ. Trước khi bỏ phiếu bầu, cử tri phải nghiên cứu kỹ tiểu sử của các ứng cử viên để biết lựa chọn những vị xứng đáng có đức, có tài để trở thành đại biểu của nhân dân. Những ngày qua, tại các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số định cư như huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, các địa phương này đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền đến đồng bào dân tộc thiểu số bằng hệ thống loa truyền thanh phát tại khu dân cư, hoặc bằng cách gắn loa phóng thanh trên xe máy đi tuyên truyền khắp các xóm ấp, cho dù là vùng sâu, vùng xa, tạo không khí phấn khởi, rộn ràng trong cộng đồng dân cư. Ông Điểu Văn Cao, người uy tín của dân tộc Chơro ở xã Túc Trưng, huyện Định Quán cho biết, ứng cử viên là dân tộc thiểu số sẽ là người hiểu rõ những khó khăn của bà con nhằm kịp thời đề xuất những kiến nghị để đưa ra những chính sách phù hợp hỗ trợ bà con ở những nơi còn khó khăn nhằm nâng cao đời sống của bà con ngày càng tốt hơn nữa.

Xác định công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, thời gian qua, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn bám sát quy trình bầu cử; linh động, sáng tạo đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về cuộc bầu cử, đặc biệt là đối với công nhân và đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Theo Ủy ban bầu cử huyện Chơn Thành, công tác chuẩn bị bầu cử trên địa bàn huyện đã diễn ra đúng tiến độ, kế hoạch. Các khu dân cư đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần ba, niêm yết danh sách cử tri, và thống nhất danh sách chính thức 50 ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân huyện theo đúng tiến độ. 

Là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer cư trú, từ đầu năm đến nay, Ban Dân tộc tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức hàng chục cuộc tuyên truyền về bầu cử tới đồng bào Khmer, để việc tuyên truyền về bầu cử đến với bà con Khmer, đặc biệt là những người sinh sống ở vùng nông thôn đạt hiệu quả cao, Ban Dân tộc tỉnh Bạc Liêu đã đưa vào những nội dung thật cần thiết, gắn liền với quyền lợi và nghĩa vụ của cử tri để bà con hiểu. Đó là việc đóng góp ý kiến về những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp mà bà con có thông tin; việc nắm bắt tình hình để lựa chọn được những người đủ đức, đủ tài bầu vào cơ quan dân cử. Hay chuyện được phát thẻ cử tri và nhận biết những thông tin trên thẻ để đổi khi có sai sót; chuyện tranh thủ thời gian đi bầu, không để ai làm thay… Những vấn đề cơ bản của bầu cử được cán bộ tuyên truyền giải thích với bà con một cách dễ hiểu. Địa bàn tuyên truyền tập trung ở những vùng đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.

Cán bộ tuyên truyền còn lồng ghép các nội dung về những quyền cơ bản liên quan đến đồng bào như phòng chống bạo lực gia đình, nạn buôn bán người, nạn tảo hôn…, đây là những vấn nạn thường xuyên xảy ra ở vùng nông thôn nên việc tuyên truyền cho bà con đồng bào dân tộc Khmer hiểu cũng là cách giúp bà con tránh được những chuyện không hay xảy ra trong cuộc sống. Để việc tuyên truyền đảm bảo hiệu quả, Ban Dân tộc tỉnh Bạc Liêu đã yêu cầu cán bộ khi đến nói chuyện nắm bắt xem bà con cần gì, còn thiếu thông tin gì để giải thích, giới thiệu, từ đó người nghe mới nắm bắt được nội dung tuyên truyền. Ngoài ra, ở mỗi vùng, mỗi đối tượng khác nhau, phương pháp tuyên truyền cũng phải khác nhau nhằm đáp ứng được yêu cầu người nghe, nhờ đó mà các cuộc tuyên truyền đều thu hút được đông đảo người dân đến nghe. Theo Ban Dân tộc tỉnh Bạc Liêu, có nơi số lượng người đến nghe vượt nhiều hơn so với danh sách mà địa phương cung cấp, người nghe rất chăm chú, chứng tỏ những thông tin tuyên truyền đều rất cần thiết đối với bà con.

Theo dangcongsan