Tạo nguồn lực thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa
Chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học trong lĩnh vực văn hóa được xác định là một trong những nhóm chính sách cần tập trung hoàn thiện để tạo sự phát triển đột phá cho văn hóa trong thời kỳ mới. Vấn đề này đang được xúc tiến triển khai với những biện pháp cụ thể từ các ngành, các cấp liên quan.
Cơ hội quý giá
Chia sẻ tại Hội thảo “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa là xu thế tất yếu trong thời kỳ công nghệ số, sẽ mang lại những cơ hội quý giá.
Đó là cơ hội lưu trữ lâu dài và rẻ nhất từ trước tới nay. Văn hóa cần bảo tồn và bảo tồn trong thế giới thực là cần thiết, nhưng khá tốn kém và di sản cũng dần bị mai một. Số hóa các di sản, các nhà bảo tàng thì lưu trữ được lâu dài, không bị mai một, chi phí thấp, có cả phiên bản 3D với độ chính xác cao và khi cần có thể dựng lại.
Đó là cơ hội đại chúng hóa văn hóa, thu hẹp khoảng cách tiếp cận và thụ hưởng văn hóa. Văn hóa cần phổ cập đến đại chúng. Đưa văn hóa lên môi trường số, rồi thể hiện nó trên đa nền tảng: phiên bản trên trang web của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), trang web của các địa phương; trên các báo điện tử, các đài truyền hình của Việt Nam; có phiên bản YouTube, Facebook, Zalo, Tik Tok... Đa nền tảng như vậy thì văn hóa sẽ đến được toàn dân, đến được mọi tầng lớp.
Đó là cơ hội phát triển mạnh ngành công nghiệp văn hóa, khi được cung cấp các công cụ sáng tạo số thông qua một nền tảng số, mọi người dân đều có thể tham gia sáng tạo văn hóa. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nếu xây dựng được một trợ lý ảo dạng như ChatGPT chỉ chuyên về văn hóa Việt Nam, mọi người Việt Nam có thể vào sử dụng mọi nơi mọi lúc để mở mang hiểu biết, thì đó cũng là cơ hội truyền bá văn hóa Việt Nam một cách tốt nhất …
Thích ứng với sự phát triển của công nghệ
Khẳng định xu thế tất yếu cũng như cơ hội mang đến trong chuyển đổi số ngành văn hóa, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chương trình Chuyển đổi số của Bộ VH-TT&DL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đang được triển khai thực hiện với các kế hoạch liên quan, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp cho từng giai đoạn.
Trong thực tế, nhiều lĩnh vực hoạt động văn hóa đang có những thay đổi phương thức hoạt động thích ứng với sự phát triển của công nghệ số. Đơn cử, xu thế hiện nay của bảo tàng trên thế giới không còn dừng lại ở việc trưng bày truyền thống, mà thay bằng đẩy mạnh các ứng dụng khoa học – công nghệ như công nghệ 2D, 3D, số hóa hiện vật, cổ vật... nhằm tạo các hiệu ứng sinh động, tương tác với người xem. Không nằm ngoài xu thế này, trong thời gian qua, các bảo tàng ở Việt Nam cũng đã có những đổi mới về trưng bày và ứng dụng khoa học – công nghệ. Thực hiện chuyển đổi số, Bảo tàng Đắk Lắk triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu số trên nền tảng tư liệu, hiện vật, di sản văn hóa, di tích hiện có; chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các công nghệ số của một số bảo tàng trong nước và quốc tế đã áp dụng, từ đó lựa chọn những giải pháp tối ưu nhất, phù hợp với điều kiện, kinh phí của đơn vị và thị hiếu của công chúng; thực hiện hình thức trực tuyến trong nhiều hoạt động. Hiện Bảo tàng Đắk Lắk đã ra mắt và đưa hệ thống thuyết minh tự động vào phục vụ khách tham quan trưng bày (Audio Guide); hướng dẫn du khách sử dụng app tham quan trên các thiết bị điện tử thông minh; trải nghiệm thực tế ảo và tương tác với hiện vật 3D.
Ứng dụng công nghệ số, Thư viện tỉnh đã xây dựng hình thức thư viện trực tuyến, liên kết với các nhà xuất bản để bổ sung các bản sách điện tử mỗi năm; hiện thư viện có hàng nghìn bản sách điện tử theo các chuyên đề được số hóa, xử lý và sắp xếp khoa học, dễ tra cứu, thuận tiện cho bạn đọc khi sử dụng thông qua máy tính, laptop, thiết bị di động, thu hút rất đông độc giả đọc sách điện tử. Năm 2022, Thư viện tỉnh đã thực hiện triển lãm thông qua hình thức trực tuyến trên trang điện tử (thuviendaklak.org.vn) và trên Facebook của thư viện. Với việc triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn, đưa chương trình trở thành một trong những nội dung quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục, thư viện sẽ có điều kiện đẩy ứng dụng công nghệ số hiệu quả hơn. Theo kế hoạch, trước mắt sẽ ưu tiên đầu tư hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện với Thư viện Quốc gia và các thư viện trong, ngoài nước. Nâng cấp, hoàn thiện Trang thông tin điện tử Thư viện tỉnh theo hướng hiện đại…
Tuy nhiên hiện nay việc chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa nói riêng còn vướng rất nhiều rào cản, như nhận thức về chuyển đổi số chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện hành lang pháp lý, thiếu nguồn lực cả về nhân lực, tài lực, vật lực… Tại các hội thảo, hội nghị về văn hóa gần đây, đã có nhiều đề xuất được đưa ra nhằm tháo gỡ những khó khăn này. Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL cho rằng, phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp văn hóa số không thể chỉ bằng ý nguyện của những người làm công tác quản lý văn hóa mà cần có sự tham gia của các nhà khoa học về công nghệ thông tin và nhiều lĩnh vực liên quan khác. Sự kết hợp này sẽ thúc đẩy nhanh chuyển đổi số trong sự phát triển văn hóa - con người Việt Nam. Nhiều nhà quản lý cũng thống nhất ý kiến rằng, Nhà nước cần đầu tư các nền tảng công nghệ lõi mang tính xương sống, cơ bản để doanh nghiệp, xã hội, địa phương có thể dựa trên đó hoàn thiện, đồng bộ và phát triển hạ tầng công nghệ; ban hành chính sách đa dạng hóa nguồn vốn, tạo điều kiện xã hội hóa nguồn tài chính cho phát triển công nghệ, đồng thời quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong chuyển đổi số...
Theo baodaklak.vn