Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 21/03/2017

Triển vọng từ những dự án

Trong số 6 dự án được trao chứng nhận cam kết đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên, có 4 dự án (DA) về phát triển năng lượng mặt trời với tổng vốn cam kết lên đến 76.750 tỷ đồng. Cụ thể: DA Nhà máy điện năng lượng mặt trời của Công ty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk tại xã Ya Lốp, xã Ia R’vê (huyện Ea Súp), diện tích 4.192,5 ha, công suất 2.000 MW, tổng vốn đầu tư 52.985 tỷ đồng; DA Xây dựng nhà máy sản xuất tấm nổi dùng trong xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời tấm nổi tại Đắk Lắk, Việt Nam của nhà đầu tư SOLARPARK GLOBAL I&D, tại Lô C11-C16, Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột, diện tích 60.720 m2, công suất 900.000 bộ/năm, tổng vốn đầu tư 990 tỷ đồng; DA điện mặt trời trên địa bàn huyện Ea Súp và huyện Buôn Đôn của Tập đoàn AES (USA) với diện tích 750 ha, công suất: 300 MW - 500 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 16.875 tỷ đồng; Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời của Công ty Cổ phần Đầu tư Long Thành Đắk Lắk, Công suất 250 MW trên tổng diện tích 500 ha, tổng vốn đầu tư 5.900 tỷ đồng.

Ngã Sáu Buôn Ma Thuột tưng bừng,nhộn nhịp và rực rỡ sắc màu trong Lễ hội đường phố.   Ảnh: Hữu Hùng
Ngã Sáu Buôn Ma Thuột tưng bừng,nhộn nhịp và rực rỡ sắc màu trong Lễ hội đường phố. Ảnh: Hữu Hùng

Việc triển khai các DA điện mặt trời sẽ khai thác tiềm năng của địa phương, tạo ra sản lượng điện lớn và thúc đẩy chuyển dịch công nghiệp năng lượng Đắk Lắk từ thủy điện sang năng lượng tái tạo, thúc đẩy tuyến du lịch vùng biên, đóng góp cho ngân sách Nhà nước, thân thiện môi trường.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến – Đầu tư cho biết, ngoài các DA được trao chứng nhận đầu tư, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ 4 vừa qua, tỉnh đã đưa danh mục gồm 15 DA kêu gọi đầu tư trên 4 lĩnh vực trọng điểm như: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, đầu tư xây dựng đô thị và phát triển du lịch. Các DA này đã nhận được sự quan tâm từ phía DN, nhà đầu tư. Cũng trong khuôn khổ hội nghị này, tỉnh đã có buổi làm việc song phương với nhà đầu tư để lắng nghe những mong muốn cũng như thông tin đầy đủ nhất những chính sách ưu đãi, cam kết của tỉnh đối với nhà đầu tư khi đến với Đắk Lắk. Qua đó, đã có 4 DA nông nghiệp công nghệ cao đã được các doanh nghiệp đăng ký tham gia, cho thấy hiệu ứng tích cực từ Hội nghị xúc tiến đầu tư cũng như sức lan tỏa mạnh mẽ từ Lễ hội.

Tiếp tục khơi dòng vốn đầu tư

Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk sở hữu vị trí địa lý chiến lược về kinh tế, quốc phòng - an ninh cùng hệ thống giao thông thuận lợi, kết nối dễ dàng với các tỉnh trong khu vực, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Tận dụng những lợi thế trên, trong những năm qua tỉnh Đắk Lắk tập trung thu hút, kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ… Đặc biệt là phát triển nông nghiệp, khai thác tốt tiềm năng lớn về tài nguyên đất bazan cho phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị cao như cà phê, cao su; phát triển chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng; tăng cường thu hút các dự án chế biến sâu nông sản sau thu hoạch, ưu tiên kêu gọi các dự án phát triển ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản, hướng vào chế biến các sản phẩm có lợi thế về nguyên liệu.

 Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk trao chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp  tại Hội nghị  xúc tiến đầu tư  khu vực  Tây Nguyên  lần thứ 4  năm 2017.
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk trao chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp tại Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017.

Ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: “Trong định hướng đầu tư và thu hút đầu tư nhiệm kỳ 2016-2020, tỉnh Đắk Lắk đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, kinh tế Đắk Lắk đi theo hướng xanh, bền vững, khai thác các lợi thế phát triển theo chiều sâu, liên kết mở, hội nhập khu vực và quốc tế, xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị Trung tâm vùng Tây Nguyên với hạ tầng đồng bộ, đảm nhiệm chức năng đầu mối về thương mại, giao thông vận tải, giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa, chuyển giao khoa học công nghệ của vùng. Để hiện thực các mục tiêu này, tỉnh đang tập trung huy động vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước nhằm tạo bước đột phá về tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, phát triển khoa học công nghệ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Việc tạo môi trường thuận lợi và có chính sách phù hợp để phát huy các lợi thế và điều kiện sẵn có, tăng cường cải cách hành chính, quốc tế hóa các thủ tục hải quan, thủ tục xuất nhập cảnh, tham gia AFTA, TPP... được tỉnh quan tâm và quyết liệt triển khai thực hiện và xem đây là các biện pháp cấp thiết để mở rộng thị trường (kể cả xuất khẩu và nhập khẩu). Song song đó là nâng cao chất lượng các dịch vụ như cung ứng vốn, vận tải, thông tin liên lạc…, tạo điều kiện cho kinh tế đối ngoại và hợp tác đầu tư phát triển. Đặc biệt, tỉnh cũng đang chú trọng phát triển du lịch gắn với khai thác, bảo tồn giá trị độc đáo của Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, đồng thời phát triển các dịch vụ có giá trị gia tăng cao, nhanh chóng đưa Đắk Lắk trở thành điểm dừng chân lý tưởng của các nhà đầu tư cũng như du khách trong và ngoài nước”.

Có thể khẳng định, với việc tổ chức cả ba hoạt động lớn trong một chương trình: Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017 đã tạo bước “đột phá” trong xúc tiến, kêu gọi đầu tư cũng như quảng bá tiềm năng, khẳng định vị thế của Đắk Lắk. Và cùng với những cách làm sáng tạo, tận dụng tối đa mọi cơ hội, Lễ hội năm nay thực sự đã trở thành điểm hẹn của người yêu cà phê, yêu văn hóa Tây Nguyên và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo baodaklak

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready