Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 12/03/2022

TẤM GƯƠNG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, PHONG CÁCH ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Khi được hỏi về dự định trong tương lai, Hải Nam trả lời, hình ảnh những bệnh nhân nghèo từng gặp khi còn đang công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) luôn trong tâm trí, thúc giục anh cố gắng nỗ lực hơn nữa trước khi trở về nhà.

Suy nghĩ muốn theo đuổi nghề Y của TS.BS. Nguyễn Hải Nam bắt đầu kể từ năm lớp 8, khi mẹ anh chẳng may qua đời vì căn bệnh ung thư. Ở thời điểm đó, bố động viên Hải Nam nên cố gắng phấn đấu học hành, sau này đi theo con đường làm bác sĩ chữa bệnh cứu người, không để những trường hợp đáng tiếc như của mẹ xảy ra. Câu nói ấy như khắc sâu vào trong tâm trí Hải Nam và trở thành mục tiêu để anh phấn đấu.

Năm 2006, Hải Nam thi đỗ vào ngành Y đa khoa của Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Mới nhập học, cậu sinh viên năm nhất đã nghe các anh chị khóa trên rỉ tai nhau về việc phải cố gắng học để thi Bác sĩ Nội trú. Mặc dù đó có thể không phải là con đường ngắn nhất, nhưng sẽ là con đường tối ưu nhất để bước chân vào ngành.

Nhưng ngay học kỳ đầu tiên ở trường y, cậu sinh viên năm nhất đã “sốc” vì trượt môn. Dù có chút hụt hẫng nhưng điều đó chợt giúp Hải Nam nhận ra rằng, bản thân cần phấn đấu hơn nữa và phải định hình lại rõ ràng con đường học tập.

“Ở thời điểm đó, trong tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất, nếu muốn thi Bác sĩ Nội trú, cần phải cố gắng học từ năm đầu tiên “Y1” thay vì chỉ nỗ lực trong 1 – 2 năm cuối. Do đó, tôi cũng tự vạch ra con đường đi dài hạn cho bản thân và bắt đầu chuẩn bị từ rất sớm”.

Nhờ quyết tâm ấy, Hải Nam đã thi đỗ chương trình Bác sĩ Nội trú chuyên ngành Ngoại khoa của Trường Đại học Y Dược TP.HCM, sau đó lựa chọn con đường điều trị ung thư bằng phẫu thuật.

Sau khi tốt nghiệp Bác sĩ Nội trú loại Giỏi, Hải Nam được giữ lại làm giảng viên của Trường Đại học Y Dược TP.HCM và tham gia khám, điều trị và phẫu thuật tại khoa Ngoại - Gan - Mật - Tuỵ của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Dù có một công việc khá ‘ổn’, song vì vẫn trăn trở với kiến thức và khả năng của mình, Hải Nam quyết định tìm học bổng tiến sĩ và theo học tại ĐH Kyoto – một trong những đại học công lập có truyền thống lâu đời và tốt nhất của Nhật Bản. Đây cũng là cơ sở đại học hiếm hoi ở châu Á có 19 giải Nobel, trong đó có giải Nobel Y học năm 2018 của GS Tasuku Honjo về Program Death Ligand 1 (PDL1). Tình cờ là thời điểm đó, hướng nghiên cứu của Hải Nam cho luận án tiến sĩ Y khoa trong lĩnh vực ghép gan cũng đang sử dụng kết quả nghiên cứu của GS Tasuku Honjo.

Ấn tượng của cậu bác sĩ trẻ đến từ Việt Nam còn là tinh thần chuyên nghiệp và cường độ làm việc rất cao của người Nhật.

“Khi phát hiện ra lỗi sai, họ sẽ trình bày vấn đề để cùng nhau giải quyết thay vì giấu nhẹm. Tuy nhiên, ở Nhật sẽ không có chuyện “cầm tay chỉ việc”. Khi gặp vấn đề khúc mắc, Giáo sư chỉ phân tích đúng sai, còn lại sinh viên phải tự tìm cách khắc phục. Sau thời gian 1 năm học tập tại đây, tôi cũng hiểu ra rằng, khi gặp những vấn đề khó khăn, mình phải tự biết cách giải quyết thay vì nghĩ tới chuyện nhờ vả một ai khác”.

Một trong những thuận lợi khác, theo TS. BS. Nguyễn Hải Nam là sự liên kết chặt chẽ và đa dạng trong công tác nghiên cứu tại trường đại học ở Nhật bản. Đây là điều mà xu hướng ở ta chưa thật sự được mạnh mẽ.

“Ở Nhật thường có sự hợp tác liên kết nghiên cứu giữa các khoa, thậm chí có thể không cùng trong một chuyên ngành. Ví dụ như khoa của tôi là Phẫu thuật Gan Mật Tụy, nhưng cũng có thể liên kết với các giảng viên của khoa công nghệ thông tin chuyên về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) để kết hợp hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân”.

Ngoài ra, hàng tuần, trường cũng sẽ có các buổi hội thảo mời chuyên gia đến từ các trường đại học khác nhau để trò chuyện, chia sẻ chuyên môn. Thậm chí, các trường cũng có thể liên kết với nhau để cùng nghiên cứu một vấn đề. TS.BS. Nam cho rằng điều này sẽ giúp các nhóm nghiên cứu có thể đi xa hơn thay vì nghiên cứu độc lập.

Những ngày tháng học tập ở Nhật Bản, Nam cũng tham gia mổ và điều trị tại bệnh viện. Đây cũng là một trong những thuận lợi để Nam công bố hơn 30 bài báo quốc tế. Trong đó, hơn một nửa được công bố trên tạp chí Q1.

Mới đây, Hải Nam đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Y khoa tại ĐH Kyoto (trước thời hạn quy định 3 tháng). Những ngày đầu năm mới 2022, TS.BS. Nguyễn Hải Nam nhận tin vui trúng tuyển vào Trường Y Harvard, theo đuổi chương trình nghiên cứu lâm sàng toàn cầu, góp phần tăng cường kiến thức và kinh nghiệm để có thể điều trị tốt hơn cho các bệnh nhân về sau.

Nói về quyết định này, Hải Nam cho rằng mình tìm kiếm cơ hội tới học tập tại một quốc gia khác để bản thân có thêm những góc nhìn đa chiều và toàn cảnh của các nền y học trên thế giới. Trước đó, đa số nghiên cứu của Hải Nam là nghiên cứu cơ bản, vì vậy việc theo đuổi chương trình nghiên cứu lâm sàng sẽ giúp ích nhiều khi trở về Việt Nam làm việc trong tương lai.

Theo: Vietnamnet

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready