Sự tham gia của Việt Nam trong cơ chế một cửa ASEAN có ý nghĩa quan trọng
Không chỉ tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư và kinh doanh, kết nối cơ chế một cửa ASEAN còn đảm bảo vị thế của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là một trong những đột phá chiến lược, là giải pháp quan trọng để Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế thành công.
Việt Nam là một trong những nước thành viên đi đầu thực hiện các cam kết, trong đó có việc ra đời Cơ chế một cửa quốc gia. Cùng với tích cực triển khai cơ chế một cửa quốc gia, Việt Nam đã chủ động tham gia các nhóm làm việc của ASEAN trong khuôn khổ triển khai cơ chế một cửa ASEAN. Với vai trò là một thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam đã chủ động tham gia các nhóm làm việc của ASEAN trong khuôn khổ triển khai Cơ chế một cửa ASEAN ngay từ thời điểm xây dựng dự thảo Hiệp định, Nghị định thư và đưa nội dung của các điều ước này vào thực hiện khi được Chính phủ các nước thành viên phê chuẩn.
Có 7 nước thành viên bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam công bố đã triển khai cơ chế một cửa quốc gia theo đúng cam kết. 5 nước thành viên bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam công bố đã sẵn sàng cho việc kết nối Cơ chế một cửa ASEAN từ tháng 12/2015.
Theo đánh giá của Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, sự tham gia của Việt Nam trong cơ chế một cửa ASEAN có ý nghĩa quan trọng. "Sự tham gia của Việt Nam là một sự cổ vũ lớn lao cho các nước thành viên ASEAN khác tham gia kết nối trực tiếp với cơ chế một cửa ASEAN. Nó khẳng định khả năng của một nước thành viên trong thực hiện các yêu cầu cấp quốc gia trong một khoảng thời gian ngắn để đáp ứng các cam kết khu vực, đóng góp vào thực hiện thành công đầy đủ Dự án thí điểm cơ chế một cửa ASEAN, tăng cường hiệu quả thương mại và tính cạnh tranh trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng" - Tổng thư ký Lê Lương Minh chia sẻ.
Cơ chế một cửa quốc gia là cơ chế thủ tục hải quan được thực hiện dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến trên toàn quốc dựa trên hệ thống thông quan tự động. Theo đó, áp dụng Cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp sẽ rút ngắn được khoảng 4/5 thời gian làm thủ tục. Riêng các thủ tục hành chính sẽ rút ngắn từ 15% - 30% thời gian thực hiện.
Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia là bước đi quan trọng của các nước thành viên ASEAN trong cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu hội nhập, phát triển của từng quốc gia thành viên cũng như tăng cường sự kết nối, mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực.
Kể từ khi ASEAN nhất trí đẩy nhanh tiến trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN đã thống nhất danh sách các biện pháp ưu tiên mà các nước ASEAN cần tập trung xây dựng. Bên cạnh các cam kết như các biện pháp cắt giảm thuế, tạo thuận lợi cho đầu tư, thương mại thì cải cách thủ tục thông quan là một nội dung quan trọng.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, trung bình cứ 1 ngày hàng hóa bị chậm trễ trong khâu thông quan thì lượng hàng xuất nhập khẩu sẽ giảm xuống 1%. Tại ASEAN, trung bình mất khoảng 20 ngày cho việc xuất khẩu, nhập khẩu cho một chuyến hàng. Điều này làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và làm cản trở sự tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, Cơ chế một cửa ASEAN là một nội dung ưu tiên trong kế hoạch của các nước ASEAN nhằm xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.
Bà Cao Thanh Diệp, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Công Thương, cho rằng: Cơ chế một cửa ASEAN là nội dung được các nước ASEAN đẩy nhanh. Và tất cả các nước đang cố gắng triển khai xây dựng cơ chế một cửa quốc gia để kết nối vào cơ chế một cửa ASEAN. Cơ chế một cửa ASEAN hiện đang trong giai đoạn thí điểm và hy vọng 1-2 năm tới có thể kết nối được thành cơ chế chung của ASEAN. Trong số các nước ASEAN thì Việt Nam là nước có tỷ lệ thực hiện cao nhất, trong các lĩnh vực cụ thể thì đều có những tiến triển nhất định./.
Theo dangcongsan