Chủ nhật, ngày 05 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 03/03/2023

Sự ra đời của Di tích Đồn điền CADA, Miếu thờ CADA - địa chỉ đỏ của phong trào công nhân đồn điền Đắk Lắk

Sau chiến tranh thế giới lần thứ 1 (1914 – 1918), để khôi phục lại nền kinh tế, bù đắp những thiệt hại trong chiến tranh, thực dân Pháp đẩy mạnh cuộc khai thác các thuộc địa lần thứ hai ở Đông Dương trên quy mô rộng lớn. Hoạt đông chủ yếu của thực dân Pháp ở Đắk Lắk là ra sức bóc lột sức lao động của công nhân và nguồn tài nguyên thiên nhiên tại đây. Những vùng đất màu mỡ của đồng bào Tây Nguyên bị tước đoạt. Chúng lập ra rất nhiều đồn điền, quy mô các đồn điền ngày càng mở rộng. Từ năm 1925 trở đi ở Đắk Lắk diện tích khai thác đã đến 200.000 ha (Theo Monfleur Monographic de la province du Daclak, Hà Nội 1931, tài liệu lưu trữ tại Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Đắk Lắk).

   Một trong những đồn điền ra đời sớm với quy mô rộng lớn đó là: Compagnie Agricole D'Aise (Công ty nông nghịêp Á Châu), viết tắt là CADA. Đồn điền CADA do Pháp xây dựng vào năm 1922 để trồng cà phê, chè, mở đầu cho việc cướp đoạt đất đai để khai thác tài nguyên một cách quy mô, với diện tích ban đầu là gần 2.000 héc ta trải dài từ km 18 đến km 47 ven hai bên quốc lộ 26.

   CADA có tất cả các điều kiện thuận lợi để trồng phát triển cây cà phê. Ở đây nhiệt độ không khí trung bình năm từ 220C-240C. Nằm trên một địa hình khá bằng phẳng, độ dốc trung bình từ 50- 100. Thổ nhưỡng vùng này hầu hết là đất feralit nâu đỏ trên bazan. Ngoài ra còn có đất feralit + macgalit đen trên bazan, đó là vùng phát triển cà phê ở các quy mô khác nhau, ngoài lúa, hoa màu, cây cà phê và cây công nghiệp khác rất thích hợp và phát triển mạnh ở vùng này.

   Quá trình khai thác mạnh nhất của thực dân Pháp tại đồn điền CADA là trong giai đoạn từ năm 1925 đến năm 1934, chúng bóc lột công nhân bằng đồng lương rẻ mạt và đối xử vô cùng tàn nhẫn. Chính trong giai đoạn này, giai cấp công nhân đã ra đời và phát triển mạnh mẽ.

   Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồn điền CADA là nơi ra đời của Chi bộ đồn điền đầu tiên trong công nhân của tỉnh Đắk Lắk, nhằm tập hợp lực lượng của các tầng lớp nhân dân đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc.

   Sau thời gian xây dựng cơ sở cách mạng, phát triển phong trào công nhân, Tỉnh bộ Việt Minh Đắk Lắk chủ trương tiến hành ngay cuộc khởi nghĩa ở đồn điền CADA. Nhận mệnh lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền, công nhân, tự vệ tham gia cuộc mít tinh đã tỏa về các địa điểm khác trong đồn điền và các buôn làng xung quanh.

   Sáng 19/8/1945, đoàn cán bộ tăng cường cho Đắk Lắk đến CADA vừa được giải phóng, cờ cách mạng đỏ rực tung bay trên cột cờ giữa sân đồn điền trước trụ sở Ủy ban cách mạng lâm thời. CADA từ một đồn điền của thực dân Pháp đã trở thành nơi chính quyền cách mạng đầu tiên ở cấp cơ sở trong toàn tỉnh Đắk Lắk ra đời, huy động lực lượng công nhân tham gia vào cuộc tổng khởi nghĩa giải phóng dân tộc, góp phần vào thắng lợi chung của Cách mạng tháng Tám 1945.

   Phát huy giá trị di tích Đồn điền CADA:

   Từ một đồn điền của thực dân Pháp đã trở thành cơ sở cách mạng. CADA là nơi đánh dấu những sự kiện lịch sử tiêu biểu về sự ra đời và trưởng thành vững chắc của chính quyền Việt Minh, hòa cùng nhân dân các dân tộc ở Đắk Lắk khởi nghĩa giành chính quyền (24-8-1945) mở ra một giai đoạn mới rực rỡ hơn bao giờ hết trong lịch sử tỉnh nhà.

   Với những giá trị lịch sử to lớn, ngày 26/1/1999, đồn điền CADA vinh dự được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Một địa điểm quan trọng khác trong quần thể di tích CADA là Miếu thờ CADA cũng đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia vào năm 2012. Qua nhiều thăng trầm, biến đổi, quần thể di tích đồn điền CADA đã trở thành những chứng tích quan trọng, ghi dấu một chặng đường lịch sử hào hùng của mảnh đất Krông Pắc và cả tỉnh Đắk Lắk từ khi còn nằm dưới ách cai trị của thực dân Pháp đến lúc giành độc lập và từng bước xây dựng cuộc sống ấm no, giàu đẹp hôm nay.

 
Đoàn viên thanh niên tham gia tìm hiểu  về di tích lịch sử tại khu di tích CADA
 
   Trải dài qua một quá trình lịch sử trên đất nước Việt Nam, cuối cùng vùng đất Tây Nguyên chính là nơi hội tụ được tất cả những thuận lợi cả về sinh thái và đất đai thích hợp để cây cà phê sinh trưởng và phát triển, sản phẩm cà phê vối Robusta đã trở thành biểu tượng và là niềm tự hào của Tây Nguyên nói chung, vùng địa danh Buôn Ma Thuột nói riêng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready