Sử dụng mạng xã hội để lan tỏa việc tử tế
Tình nguyện viên trẻ bán cam trong chương trình giải cứu cam cho người dân huyện Quang Bình, Hà Giang
Anh Lê Quốc Phong nhận định: Trong biển thông tin và trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, mạng xã hội khiến ta tiếp cận rất nhiều thông tin, có những thông tin thiếu kiểm chứng, không đúng sự thật. Tổ chức Đoàn đã, đang nỗ lực tuyên truyền để các bạn trẻ sử dụng một cách đúng đắn, hiệu quả các trang mạng xã hội thông qua sinh hoạt, toạ đàm cũng như cung cấp thông tin kịp thời, chính thống, chuẩn xác và kèm theo trang bị kỹ năng để các bạn trẻ tự hình thành được “bộ lọc” thẩm định cái đúng, cái sai, cái tốt, cái xấu trong quá trình tiếp nhận thông tin.
Năm 2016, một trong những chỉ tiêu xác lập trong chương trình công tác năm là mỗi Đoàn cơ sở phải sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền và giới thiệu hình ảnh, hoạt động của mình đến các bạn ĐVTN một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Sau khi triển khai, T.Ư Đoàn thấy rằng thông tin được tuyên truyền nhanh chóng hơn, đa dạng hơn và tiếp cận được với thanh niên tốt hơn, đồng thời cũng đánh giá được chất lượng tuyên truyền, nghe được phản hồi của các bạn trẻ về chất lượng hoạt động Đoàn. Một số đơn vị có thể khảo sát được chất lượng của hoạt động thanh niên qua các trang mạng xã hội... “Chúng tôi cũng suy nghĩ làm sao để tận dụng được, xây dựng được những trang chuyên đề về sử dụng mạng xã hội, ví dụ T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam có trang Sinh viên Việt Nam và những câu chuyện đẹp, qua đó các bạn có thể chia sẻ những câu chuyện nhân văn về người thật việc thật để cùng lan tỏa ra xã hội. Có những hoạt động mà chúng tôi xây dựng trang fanpage dành riêng cho hoạt động ấy để tuyên truyền. Cách làm này được các bạn trẻ đón nhận rất tích cực. Đây có thể xem là sự đồng hành của Đoàn thanh niên hiện nay”, anh Phong nói.
Với góc độ người sử dụng Facebook và có lượng người theo dõi đông đảo, anh Lê Quốc Phong cho biết: Tôi có quan điểm rằng, khi đưa thông tin gì lên trang mạng cá nhân của mình thì nó cũng có sự tác động. Thông tin mạng có hai chiều, nên sử dụng mạng xã hội để lan truyền những chuyện tốt, những chuyện tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội. Nếu như mỗi cá nhân đều sử dụng mạng xã hội để chia sẻ những điều tích cực thì diện mạo của mạng xã hội sẽ có những điểm hay và nếu chúng ta làm tốt thì có thể trở thành một đặc trưng của mạng xã hội tại Việt Nam.
Nói đi đôi với làm
Anh Vũ Minh Thảo, Bí thư Đoàn Cơ quan T.Ư Đoàn gắn với nhiều đợt phát động thành công “giải cứu” nông sản cho nông dân; rèn luyện sức khỏe… qua mạng xã hội Facebook. Anh Thảo cho rằng, mỗi người hãy là “tổng biên tập” của tài khoản mạng xã hội cá nhân. Đôi khi chỉ nghĩ đơn giản là trang cá nhân, thích thì chia sẻ, đăng tải mà quên rằng hàng nghìn con mắt đang theo dõi và đánh giá bạn. Khi bạn chia sẻ bất kỳ hình ảnh, suy nghĩ và hoạt động gì trên Facebook thì đó không còn là chuyện của cá nhân bạn nữa.
Anh Thảo cho rằng, tiếp cận thông tin cần chọn lọc, bình tĩnh trong thẩm định thông tin. Đối với những thông tin đã biết rõ xuyên tạc, tiêu cực nên tránh xa; không like, không comment để tránh chia sẻ những thông tin không tốt cho bạn bè và người thân. Nếu có thông tin đầy đủ và chính thống về vấn đề đang được bàn luận có thể mạnh dạn chia sẻ và trao đổi để phản bác các thông tin trái chiều và tiêu cực, nhưng đây không phải là câu chuyện dễ làm trong thế giới mạng.
Nhà báo Hoàng Minh Trí – Facebooker có trang cá nhân Trí Minh Hoàng (Cu Trí) hiện có hơn 56 nghìn người theo dõi, cho biết: Qua những bài viết đăng, hay chia sẻ trên trang mạng xã hội cá nhân những điều tốt đẹp, thú vị để lan tỏa niềm vui, niềm tin vào sự tử tế trong cuộc sống. “Tôi viết trên mạng Facebook những câu chuyện cuộc sống với cách truyền tải đơn giản nhất, ngắn gọn nhất có thể. Không đẩy cái tôi lên cao, luôn trong tâm thế đồng cảm - chia sẻ. Tôi nghĩ rằng cuộc sống thực có nhiều điều chướng tai gai mắt thì nên giữ một chỗ lặng để an bình. Tôi không thích chia sẻ những hằn học ức chế, tại sao vị đắng của cá nhân lại bắt bạn bè mình dùng chung”, anh Trí chia sẻ.
Theo tienphong