Sinh viên tham gia hội đồng trường có nhiều thuận lợi
Đại biểu Quốc hội Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn phát biểu tại phiên thảo luận sáng 6/11
Xác định rõ Bí thư Đoàn trường tham gia Hội đồng trường
Sáng ngày 6/10, Quốc hội thảo luận về những nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật Giáo dục đại học sửa đổi. Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn thống nhất cao với những nội dung dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Đóng góp một số ý kiến cụ thể, anh Phong đề cập đến thẩm quyền thành lập Hội đồng trường đại học. Dự thảo quy định, Hội đồng trường đại học công lập là tổ chức quản trị đại diện cho quyền sở hữu nhà nước và các bên có lợi ích liên quan. Tại khoản 8 của điều này quy định thêm, Chính phủ quy định chi tiết quy trình, thủ tục thành lập, công nhận Hội đồng trường.
Như vậy, trong dự thảo cơ quan thẩm quyền thành lập hội đồng trường chưa được quy định cụ thể. Đồng chí Lê Quốc Phong đề nghị bổ sung quy định khoản 1 điều 16: Hội đồng trường do cơ quan chủ quản hoặc cơ quan quản lý cấp trên trực tiêp quyết định thành lập. Việc bổ sung cơ quan có thẩm quyền thành lập hội đồng trường cũng cần xem xét, bổ sung tại khoản 1, điều 17 đối với việc thành lập hội đồng trường ở cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận và khoản 1 điều 18 về việc thành lập hội đồng đại học.
“Nếu bổ sung như tôi đề xuất thì việc quy định việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận tại mục a, khoản 5, điều 16 cũng cần đổi thành cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp hoặc cơ quan chủ quản công nhận để tương thích với việc sửa đổi”, đồng chí Lê Quốc Phong cho hay.
Về thành phần hội đồng trường, anh Phong dẫn dụ, tại mục B, khoản 3, điều 16 và mục D, khoản 3, điều 17, có quy định về những thành viên đương nhiên của hội đồng trường đại học. Dự thảo lần này có điều chỉnh khá lớn so với dự thảo lần trước khi điều chỉnh sự tham gia của các đoàn thể, đoàn thanh niên, sinh viên trong hội đồng trường. Đồng chí Lê Quốc Phong thống nhất cao đại diện đoàn thanh niên là một thành viên đương nhiên của hội đồng trường, tuy nhiên cần điều chỉnh theo hướng xác định rõ Bí thư Đoàn trường đại học sẽ tham gia vào hội đồng trường.
Đồng chí Lê Quốc Phong cũng đề nghị quy định rõ đại diện sinh viên tham gia hội đồng trường. Điều này là cần thiết với định hướng đổi mới giáo dục lấy người học làm trung tâm mà hiện nay nhiều trường có tổ chức hội sinh viên. Việc giới thiệu sinh viên tham gia hội đồng trường có nhiều thuận lợi và sẽ thống nhất được tiếng nói suy nghĩ, trong đào tạo của trường đại học và đại học.
Về quy định học các môn lý luận chính trị trong các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, theo đồng chí Lê Quốc Phong, việc này trong báo cáo giải trình tiếp thu đã nêu rõ, tuy nhiên, anh thấy cần phải quy định cụ thể trong luật. “Đây là việc làm cần thiết, cần phải quy định rõ trong luật, tạo cơ sở pháp lý để các trường trao đổi, thảo luận với các đối tác nước ngoài khi lựa chọn, xác định chương trình đào tạo tại Việt Nam”, đồng chí Lê Quốc Phong phân tích.
Liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, anh Phong tán thành với “quyền của người học” tại dự thảo. Theo thống kê tại các trường có Hội sinh viên Việt Nam, tính riêng số lượng đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học trong 5 năm đã có 37.600 đề tài, chưa tính số sinh viên làm đề tài, luận án tốt nghiệp hàng năm.
Đồng chí Lê Quốc Phong đề nghị, sau khi thông qua dự thảo luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiên cứu sớm sửa thông tư theo hướng quy định rõ hơn về mức kinh phí tối thiểu, điều kiện cần thiết tối thiểu mà trường dành cho hoạt động nghiên cứu sáng tạo của sinh viên, tạo thuận lợi thúc đẩy hỗ trợ nội dung này phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo doanthanhnien